Trung tuần tháng 6 vừa qua, BNEF đã công bố bản phân tích dài kỳ thường niên về tương lai ngành điện toàn cầu, tựa đề New Energy Outlook 2018 (NEO) dày 150 trang dựa trên các nghiên cứu chi tiết của một nhóm gồm 65 nhà phân tích trên quy mô toàn cầu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo dự báo này thì vào giữa thế kỷ 21, sản lượng nhiệt điện than sẽ giảm từ mức 38% như hiện nay xuống còn 11%, trong khi đó năng lượng từ gió, mặt trời tăng nhanh. Riêng năng lượng gió và mặt trời sẽ có thị phần 50/50, do được hỗ trợ nhờ sự bùng nổ của pin giá rẻ, cân bằng tốt giữa cung và cầu.
Theo NEO, năm 2018, lần đầu tiên báo cáo cho thấy ngành năng lượng thế giới bị tác động bởi chi phí sản xuất pin giảm. Cụ thể, giá pin lithium-ion đã giảm gần 80%/MWh kể từ năm 2010, và sẽ tiếp tục giảm khi ngành sản xuất xe điện phát triển sôi động.
Ông Seb Henbest, người đứng đầu Phân ban châu Âu, Trung Đông và châu Phi của BNEF và là tác giả chính của báo cáo NEO 2018, dự kiến tới năm 2050, thế giới sẽ đầu tư 548 tỷ USD cho ngành sản xuất pin, 2/3 số tiền trên cho lưới điện và phần còn lại cho việc lắp các thiết bị tiện ích tại các hộ tiêu dùng. “Sự xuất hiện của pin dự trữ năng lượng giá rẻ được hỗ trợ từ nguồn điện đi từ gió và mặt trời. Thị trường năng lượng tái tạo ngày càng tăng và thay thế dần điện than, khí và hạt nhân”, Seb Henbest khẳng định.
Dự báo nói trên còn cho biết, từ năm 2018 đến năm 2050 thế giới sẽ đầu tư khoảng 11,5 nghìn tỷ USD cho lĩnh vực phát triển năng lượng mới; 8,4 nghìn tỷ USD trong số này dành cho năng lượng gió và mặt trời; 1,5 nghìn tỷ USD cho các công nghệ sản xuất điện phi carbon khác như thủy điện và hạt nhân.
Cùng với bản dự báo nói trên, ngày 21/5, BNEF còn công bố bản dự báo có tên Electric Vehicle Outlook (Triển vọng Xe điện), đưa ra dự báo các phương tiện xe điện sẽ chiếm 28% doanh số bán xe mới toàn cầu vào năm 2030 và tăng lên 55% vào năm 2040. Xe buýt điện dự kiến sẽ thống trị thị trường với thị phần toàn cầu ước đạt khoảng 84% thị phần vào năm 2030.

Nguồn: tietkiemnangluong.vn