Là công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng trên dòng sông Đà hùng vĩ, Thủy điện Hòa Bình luôn giữ vai trò là công trình nguồn điện quan trọng bậc nhất trong hệ thống nguồn của ngành điện nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng.

Phát huy tối đa vai trò thủy điện đa chức năng

Những năm đầu tiên khi đất nước sạch bóng giặc, cùng với niềm vui chiến thắng của ngày độc lập, Đảng và Nhà nước ta cũng nhận định rõ nét những thuận lợi, thách thức, cùng quyết tâm sục sôi đưa đất nước đi lên. Để hoàn thành được mục tiêu đó, điện năng là yếu tố quan trọng hàng đầu.

10h ngày 6/11/1979 có lẽ đã trở thành thời khắc đi sâu vào tâm thức của những người đã gắn bó nhiều năm với ngành điện khi cả nước hướng về Hòa Bình mừng ngày khởi công xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Sau 4 năm khẩn trương xây dựng các công trình đầu mối, ngày 12/1/1983 đã hoàn thành ngăn sông Đà đợt 1. Từ đây, dòng sông Đà chính thức bị ngăn lại chảy theo ý muốn của con người. 3 năm sau, ngày 9/1/1986 đã tiến hành ngăn sông Đà đợt 2. Thời khắc ngăn sông đợt 2 cũng là một thời điểm vô cùng quan trọng khi hợp long ngăn sông.

Vượt qua nhiều khó khăn, mất mát, không chỉ phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt mà cả máu của hàng trăm con người của cả hai đất nước Việt Nam - Liên Xô (nay là Liên bang Nga), ngày 20/12/1994, đất nước ta phấn khởi chào mừng sự kiện vô cùng trọng đại, đó là ngày khánh thành công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Thời khắc này cũng đánh dấu kết quả của 15 năm lao động quên mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc của hàng vạn cán bộ, công nhân viên và chuyên gia trên công trường, của những người thợ hầm, thợ lắp máy Việt Nam lần đầu tiên thi công và xây dựng một công trình vĩ đại của thế kỷ XX. Đây cũng trở thành biểu tượng cao đẹp của sự hy sinh, công hiến và biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Xô, nay là Việt - Nga vĩ đại và bền chặt.

Năm 1993, khi không còn chuyên gia nước ngoài, cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động người Việt đã vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học và hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, quản lý, vận hành công trình an toàn và hiệu quả. Trong giai đoạn đầu vận hành, sản lượng điện sản xuất của Thủy điện Hòa Bình chiếm tỷ trọng từ 30 - 50% trên toàn hệ thống, sau đó giảm dần và đến nay còn khoảng 7%. Đến nay, Thủy điện Hòa Bình đã phát sản lượng điện đạt 200 tỷ kWh, góp phần đắc lực và khẳng định vai trò trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ngoài nhiệm vụ sản xuất điện năng, công ty còn tham gia điều chỉnh tần số và điện áp duy trì ổn định chất lượng điện năng cho cả hệ thống điện Việt Nam; đảm bảo cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội trong mọi tình huống; trực tiếp tham gia chống lũ cho đồng bằng Bắc bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội với tần suất trung bình mỗi năm từ 5 - 7 trận lũ có lưu lượng từ 5.000 - 22.000 m3/s. Đảm bảo cung cấp nước về mùa kiệt cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh. Cải thiện điều kiện giao thông thủy để tàu 1.000 tấn có thể đi lại bình thường trên sông Đà, sông Hồng.

Đến khi Thủy điện Sơn La đi vào vận hành, hiệu quả phát điện của Thủy điện Hòa Bình tiếp tục tăng từ 15 - 23% so với giai đoạn trước đó. Ba năm gần đây, mặc dù tổng lượng nước về hồ luôn thấp hơn từ 15 - 20% so với trung bình nhiều năm trước, nhưng lượng điện sản xuất vẫn luôn đạt xấp xỉ 10 tỷ kWh. Những năm gần đây, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã nộp ngân sách 900 - 1.200 tỷ đồng/năm - xấp xỉ 50% tổng thu ngân sách của tỉnh Hòa Bình.

Chuẩn bị dự án mở rộng nhà máy

Tiếp tục phát huy tiềm năng của công trình thủy điện lớn, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo, đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Qua đó, thực hiện các gói thầu tư vấn triển khai các bước đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; lập thiết kế kỹ thuật và thiết kế…). Theo tờ trình của EVN, việc mở rộng Thủy điện Hòa Bình đã được EVN, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng chấp nhận đưa vào quy hoạch. Dự án mở rộng Thủy điện Hòa Bình sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Bắc, đặc biệt là trong các giờ cao điểm...

Dự kiến, tiến độ thực hiện dự án bao gồm một năm chuẩn bị và ba năm thi công. Trước hết các bên sẽ hoàn thành lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo khả thi và báo cáo thiết kế kỹ thuật trước ngày 30/12/2017. Vào năm 2018, chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp thiết bị và chuẩn bị công trình, dự kiến công trình sẽ khởi công vào cuối năm 2018. Dự kiến, hai tổ máy của công trình sẽ hoàn thiện và phát điện vào năm 2022. Khi dự án hoàn thành, Thủy điện Hòa Bình sẽ có công suất hơn 2.400 MW, cao hơn Thủy điện Sơn La (hiện đang đứng số một Đông Nam Á).

Việc mở rộng Thủy điện Hòa Bình không làm ảnh hưởng đến an toàn vận hành của thủy điện Hòa Bình hiện tại và không gây ảnh hưởng đến an toàn đập, hồ chứa của các dự án ở bậc thang thượng lưu sông Đà (Sơn La, Lai Châu). Dự án cũng không gây ảnh hưởng bất lợi đối với hạ du do khả năng điều tiết của hồ phía thượng lưu, tác động môi trường không đáng kể, không phải di dân tái định cư. Khi dự án được mở rộng, những nguồn sáng từ sông Đà sẽ rực rỡ hơn, sáng hơn, đóng góp nhiều hơn cho đời sống và sự phát triển đất nước.

Thủy điện Hòa Bình là bậc thang dưới cùng trên dòng sông Đà nên có ưu thế được các hồ thủy điện bậc thang trên điều tiết nước hàng năm. Nhà máy có 8 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.920 MW, sản lượng thiết kế bình quân 8,16 tỷ kWh/năm. Vào ngày 24/5/2016, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã cán mốc sản lượng 200 tỷ kWh điện sản xuất và phát lên lưới điện quốc gia.

Nguồn: Hồng Lý/Báo Công Thương điện tử