"Tình yêu" dành cho mua sắm qua Internet của người châu Á và mức tăng trưởng ổn định của kinh tế khu vực này sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ nhựa tại đây tăng lên trong 2 năm tới, Reuters cho hay.
Theo dự báo của hãng tư vấn doanh nghiệp Frost & Sullivan, thị trường thương mại điện tử của châu Á có thể mở rộng thêm 30%, đạt mức trung bình hàng năm là 960 tỷ USD (trong 2 năm 2017, 2018).
Con số này hiện tại là 730 tỷ USD một năm (2015 và 2016). Điều này làm tăng thêm nhu cầu sử dụng polyethylene, chất nhựa chính được dùng để sản xuất túi nylon đựng hàng, các tấm phim hay bao bì bọt (tấm xốp khí). Ước tính nhu cầu tiêu thụ polyethylene của châu Á sẽ đạt 41 triệu tấn vào năm 2017, tăng 5,1% so với 2016.
Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với ngành hóa dầu, đồng thời làm giảm hiệu quả của của các nỗ lực xanh hóa môi trường, vốn không ngừng yêu cầu các lệnh cấm sử dụng nhựa đóng gói.
"Các sản phẩm được sản xuất ra đã đóng gói sẵn nhưng khi bán qua mạng, người ta lại bọc lại lần nữa để vận chuyển tới người mua. Việc đóng gói lần 2 ngày càng tăng đang làm sống lại nhu cầu tiêu thụ nhựa vốn bị giảm đi bởi các chiến dịch xanh như cấm dùng túi nylon hay giảm các sản phẩm có đóng gói bằng polyethylene", JP Nah, Giám đốc bộ phận sản xuất màng co polyolefin tại công ty hóa chất IHS Markit nói.
Mua sắm qua Internet tại châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng đang phát triển dù tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Tại Trung Quốc, "gã khổng lồ thương mại điện tử" Alibaba đã có quý kinh doanh thứ II trong năm tăng tới 59% về doanh số bán hàng so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ khi hãng IPO năm 2014.
Tuy nhiên, thương mại điện tử chỉ là một phần của phương trình tiêu thụ polyethylene. Mức tăng trưởng kinh tế bền vững tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Philippines cũng góp phần thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm nhựa hàng ngày tại các quần tạp phẩm, hiệu thuốc...
Chuyên gia tư vấn cấp cao của Frost & Sullivan khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Nikhil Vallabhan cho rằng tiêu thụ polyethylene tại châu Á năm 2016 đạt khoảng 45-46 triệu tấn, chiếm một nửa tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Trong đó, các quốc gia thuộc ASEAN chiếm tới 20% nhu cầu sử dụng polyethylene còn Ấn Độ chiếm 10%.
Nguồn: Nhipcaudautu.vn/Reuters,Vnex