Không để ảnh hưởng đến môi trường
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, thời gian qua TP. Hải Phòng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi liền với đó là sự phát triển các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp nặng, chế tạo. Trong đó Hải Phòng đã quy hoạch đưa vào xây dựng và sử dụng các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón. Đến nay đã có một số dự án nhiệt điện, phân bón đang hoạt động như nhiệt điện Tam Hưng 1&2. (huyện Thủy Nguyên). Trong quy hoạch còn có nhiệt điện Tam Hưng 3, nhà máy phân bón DAP Hải Phòng (Công ty CP Dap Vinachem). Các nhà máy này đã góp phần tích cực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế Hải Phòng trong những năm qua.
Bên cạnh đó, với sự hiện hữu của các nhà máy trên địa bàn đặt ra cho Hải Phòng những vấn đề xử lý rác thải, khí thải, tro, xỉ... Đơn cử như nhà máy phân bón DAP Hải Phòng, từ năm 2009 đến nay mỗi năm nhà máy thải ra khoảng 750.000 - 800.000 tấn bã thải thạch cao PG. Theo quy định, lượng chất thải này được chứa ở bãi trữ tạm thời, sau 5 năm rửa trôi tự nhiên và chuyển ra bãi chứa lâu dài. Tuy nhiên, từ năm 2010 lượng bã thải này quá nhiều làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. “Do vậy việc nghiên cứu xử lý là nhiệm vụ cấp bách được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Công Thương, TP. Hải Phòng quan tâm giải quyết” - ông Nguyễn Văn Thành cho biết.
Trước thực trạng trên, ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - nêu rõ, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường, cụ thể là vấn đề xử lý tro xỉ. Chính phủ đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất phải đặc biệt chú ý xử lý vấn đề tro xỉ, không để ảnh hưởng đến môi trường.
Sớm tháo nút thắt
Ông Trần Văn Lượng thông tin, thời gian qua Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã tìm kiếm công nghệ, nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm trong vấn đề xử lý tro xỉ. Công ty Nu-rock chính là một trong những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, sử dụng công nghệ hiện đại. Ưu điểm của công nghệ này là sử dụng 95% là tro bay, 5% là phụ gia không gây tác động phụ cho môi trường; không giới hạn tỉ lệ carbon còn lại trong tro; muối nhiễm vào tro xỉ cũng không ảnh hưởng, sử dụng luôn nước biển để sản xuất gạch không nung…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Xuân Dương - Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 - chỉ ra, để có thể xử lý tro xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, hóa chất và phân bón phải có công nghệ, nhưng thị trường mới là yếu tố quyết định. Nếu có thị trường, có lợi nhuận, công ty sẽ làm ngay. Thực tế, hiện nay, người tiêu dùng đã quen dùng gạch nung, vì vậy, để họ mặn mà với gạch không nung thì giá thành sản phẩm phải cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề này cần có thời gian. “Chúng tôi đã sang Australia, đi thăm các nhà máy của Công ty Nu - Rock - một công ty có kinh nghiệm trong vấn đề xử lý tro xỉ với công nghệ hiện đại. Điều gây ngạc nhiên nhất là để sản xuất gạch không nung, họ sử dụng tới 95% lượng tro xỉ” - ông Phan Xuân Dương cho biết.
Bên cạnh đó, yếu tố thị trường cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập tại hội nghị, đa số ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng tro xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần công khai các chính sách tiêu thụ tro xỉ, thạch cao để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận, xử lý, tái sử dụng...
Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thạch cao Đình Vũ cho biết, ngay khi sản phẩm được sản xuất ra, công ty đã đem sản phẩm đi chào hàng tới các nhà máy xi măng và đã được các nhà máy xi măng chấp nhận sử dụng, năm 2018 đã tiêu thụ được 130.000 tấn thạch cao. “Tuy nhiên sản lượng tiêu thụ vẫn còn rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ sản xuất xi măng của các nhà máy đã ổn định với bài cấp phối sản xuất dùng thạch cao tự nhiên và đang thận trọng trong việc sử dụng thạch cao PG. Hiện tại các nhà máy xi măng mới đang sử dụng trộn với thạch cao PG nhập khẩu theo tỷ lệ dưới 50% và chưa dùng 100%” - ông Kiều Văn Mát thừa nhận.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng giám đốc Công ty CP Dap Vinachem cho rằng, tại thời điểm này vẫn chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa ban hành hướng dẫn và quy định để dùng sỉ than và thạch cao nhân tạo vào trong vật liệu xây dựng. “Chúng ta nên xác định tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất và phân bón là một tài nguyên” - ông Nguyễn Văn Sinh bày tỏ.
Với mục đích xử lý triệt để tro, xỉ thải thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, hóa chất và phân bón, ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp nhấn mạnh, tiếp tục đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các đơn vị, bộ, ngành có cơ chế chính sách về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng... Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu ứng dụng, tham gia hợp tác kinh doanh với các nhà máy nhiệt điện trong việc xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong tìm giải pháp để tiêu thụ sản phẩm này.
Nguồn: Lan Anh- Quỳnh Nga/Báo công thương điện tử