Sản xuất, tiêu thụ than gặp khó
TKV cho biết, trong 7 tháng năm 2019, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 79.974 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu than đạt 45.585 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt 10.224 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm; sản xuất, bán điện đạt 8.093 tỷ đồng, bằng 65,5% kế hoạch năm; sản xuất cơ khí đạt 1.492 tỷ đồng, đạt 62,8% kế hoạch năm...
Về các chỉ tiêu kỹ thuật, TKV cho biết, trong 7 tháng, tập đoàn đã sản xuất được 24,5 triệu tấn than nguyên khai, đạt 61,2% kế hoạch năm. Sản lượng than sạch thành phẩm đạt 23,8 triệu tấn, bằng 63% kế hoạch năm. Cũng trong 7 tháng đầu năm, TKV tiêu thụ 26,6 triệu tấn than, bằng 63% kế hoạch năm.Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 26,18 triệu tấn, riêng các hộ điện đạt 21,4 triệu tấn, bằng 63% kế hoạch, bằng 118% cùng kỳ, tăng 3,2 triệu tấn so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng, TKV đã sản xuất được 784.351 tấn Alumin quy đổi và tiêu thụ 793.975 tấn, đạt 61% kế hoạch và bằng 98% so với cùng kỳ.
Theo TKV, sản xuất kinh doanh của ngành đã đáp ứng tối đa các chủng loại than theo nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện và các hộ sử dụng khác. Các đơn vị trong ngành than tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động với mức lương bình quân toàn tập đoàn đạt mức 11,5 triệu đồng/người/tháng, bằng 101,7% kế hoạch năm và bằng 101% so với thực hiện năm 2018, riêng khối sản xuất than đạt mức 12,93 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, ngành than đang gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do một số nhà máy nhiệt điện (Vũng Áng, Uông Bí...) gặp sự cố phải dừng sản xuất. Bên cạnh đó, tiến độ nhận than của một số dự án nhiệt điện không đúng theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt đã tác động làm giảm sản lượng than tiêu thụ theo kế hoạch.
Cũng trong những tháng đầu năm, các nhà máy sản xuất phân bón giảm sản lượng và hoạt động cầm chừng do gặp khó khăn tiêu thụ sản phẩm và hạn hán trong khi các nhà máy xi măng đang có xu hướng sử dụng than nhập khẩu giá rẻ.
Một số hộ tiêu thụ có xu hướng sử dụng than nhập khẩu giá rẻ nên các doanh nghiệp trong ngành than, đặc biệt là TKV phải chủ động cân đối điều chỉnh giảm sản lượng than sản xuất để giảm than tồn kho, đảm bảo phương án cân đối tài chính ở mức tối thiểu.
Về tình hình nhập khẩu than, trong 7 tháng năm 2019, TKV đã nhập khẩu 3,14 triệu tấn, đạt 68% so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, do giá than trên thế giới đang giảm sâu (giảm tới 40%) nên ngoài TKV, nhiều đầu mối nhập khẩu than đang đẩy mạnh nhập khẩu.
Thống kê cho thấy, nếu năm 2013, cả nước nhập khẩu 2,2 triệu tấn than đá thì năm 2018, con số đã tăng lên 21,4 triệu tấn và đỉnh điểm đã được xác lập vào tháng 7/2019 với tổng lượng than nhập khẩu của cả nước lên tới 23 triệu tấn, vượt qua cả tổng lượng than nhập khẩu trong năm 2018. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiêu thụ than của ngành than gặp khó khăn.
Đại diện TKV cho biết, tập đoàn sẽ tiếp tục áp dụng tỷ lệ pha trộn 40% than nhập khẩu chất lượng cao và 60% than trong nước để tạo ra loại than có chất lượng trung bình cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện, điều này đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là đảm bảo nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện và đưa giá bán than theo hướng thị trường.
Bám sát kế hoạch, đảm bảo cung ứng đủ than cho nền kinh tế
Trong những tháng cuối năm và những năm tới, TKV sẽ tập trung cân đối giữa sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho than ở mức hợp lý, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
TKV cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh tiết giảm chi phí trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo cân đối tài chính, thu nhập cho người lao động và chuẩn bị các điều kiện tăng sản lượng khai thác.
Cụ thể trong tháng 8/2019, TKV đặt mục tiêu sản xuất tối thiểu 2,7 triệu tấn than, tiêu thụ 3,6 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 3,3 triệu tấn; xuất khẩu 300 ngàn tấn; nhập khẩu 520 ngàn tấn.
Với các lĩnh vực sản xuất khác, TKV cũng đặt ra chỉ tiêu cụ thể, như: sản xuất 119.000 tấn Alumin; 4.000 tấn tinh quặng đồng; 1.000 tấn đồng tấm; 900 tấn kẽm thỏi; 500 triệu Kwh điện…
Về các giải pháp, TKV cho biết, để đảm bảo đủ nguồn than cung cấp cho khách hàng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (theo kế hoạch là khoảng 45 triệu tấn than trong năm nay), tập đoàn sẽ tăng cường khai thác, tăng nhập khẩu và đẩy mạnh chế biến, pha trộn than đáp ứng kịp thời nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ đã ký cam kết.
Trong công tác quản trị, TKV chủ trương tiếp tục rà soát các quy chế, quy định về quản trị nội bộ, một mặt để tăng cường kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, mặt khác tạo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị trong quản lý điều hành, thúc đẩy sản sản xuất, sử dụng dịch vụ sản phẩm của các đơn vị trong tổ hợp công ty mẹ, công ty con.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, phòng chống mưa bão, bảo vệ môi trường, toàn tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 47/KH-TKV triển khai tháng hành động AT-VSLĐ năm 2019, Kết luận số 125/TB-KL ngày 26/7/2019 thông báo kết luận kiểm điểm công tác AT-VSLĐ 6 tháng đầu năm, triển khai giải pháp an toàn 6 tháng cuối năm 2019. Đồng thời, tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp để ứng dụng tự động hoá, tin học hoá vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
TKV cũng yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ tài nguyên trong ranh giới đã được cấp phép khai thác và ranh giới quản lý tài nguyên, kiên quyết chống thất thoát than từ bên trong mỏ, xiết chặt quản lý than đầu nguồn. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21/CT-Tg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.
Nguồn: Báo Công thương điện tử