Về điều hành giá điện năm 2019, 4 phương án điều hành giá điện đang được Bộ Công Thương xây dựng và dự kiến báo cáo về Ban chỉ đạo giá trong tháng 12 này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 4 phương án điều hành giá điện đang được Bộ Công Thương xây dựng và dự kiến báo cáo về Ban chỉ đạo giá trong tháng 12 này.

Thông tin về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết năm 2017, EVN lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu bán điện của EVN năm 2017 gần 290.000 đồng, trong đó tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện là hơn 291.300 tỷ đồng. Song EVN có một số khoản thu nhập kinh doanh khác như tiền gửi ngân hàng, hợp tác kinh doanh trong ngành điện và hơn 5.000 chênh lệch tỷ giá từ các năm khác chưa được phân bổ. "Nếu cộng các đầu thu, chi và khoản chênh lệch tỷ giá thì EVN lỗ 2.219 tỷ đồng", ông Hải nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương không có đề xuất tăng giá điện, cũng không xem xét nếu EVN tăng giá. Bộ Công Thương hiện đang xây dựng 4 kịch bản cấp điện tương ứng các mức phụ tải và 2 kịch bản tương ứng mức nước về. “Giá điện năm tới sẽ được xem xét kỹ và xây dựng kịch bản theo đúng quy định, trong đó có vấn đề tác động đến lạm phát”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, 4 phương án cung ứng điện được đưa ra đều tính toán với mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tuy nhiên một số trường hợp hệ thống điện sẽ phải huy động 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện chạy dầu giá cao. Nếu muốn đủ điện thì phải tăng sản xuất điện bằng dầu như vậy giá sẽ đắt hơn. Vì vậy, ông mong người dân, doanh nghiệp có kế hoạch tiết kiệm trong sử dụng điện năng.

Về chuyện thiếu than cho điện, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, TKV và Tổng công ty than Đông Bắc đã cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết. Riêng năm 2018, tập đoàn TKV đạt sấp sỉ cam kết cung cấp than 28 triệu tấn than, tăng 22% so với năm 2017. Trong khi đó, công ty than Đông Bắc cũng đã khai thác 5,8 triệu tấn đạt 98% cam kết cung cấp cho ngành điện, tăng 15% so với năm 2017.

Con số trên cho thấy cả hai đơn vị đều cho thấy lượng khai thác than đang tăng lên. Tuy nhiên, hiện năm 2018 lượng nước thiếu hụt ảnh hưởng tới thuỷ điện trong khi giá than thế giới cao hơn nên doanh nghiệp không mặn mà với nhập khẩu. Nhưng với trường hợp bắt buộc, vẫn phải nhập khẩu đảm bảo đủ điện.

Cuối tuần trước, nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có trụ sở chính nằm ngay trong vùng lõi than của cả nước thông báo phải dừng vận hành 2 trên 4 tổ máy vì thiếu than để sản xuất. Theo tính toán, nhà máy vẫn thiếu 145.000-200.000 tấn than để đủ phát 4 tổ máy và mỗi ngày mất khoảng 10 triệu kWh, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng.

Báo cáo lên Chính phủ, EVN cho biết, loạt nhà máy nhiệt điện khác thuộc tập đoàn này đã phải ngừng các tổ máy, giảm phát điện. Nhiệt điện Nghi Sơn, Hải Phòng tuần trước vừa phải giảm công suất 2-4 tổ máy về mức tối thiểu, thậm chí một số tổ máy còn ngừng hẳn hoạt động; riêng Nhiệt điện Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3/11.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng đã  giao các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, không để thiếu than cho điện như vừa qua, yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019.

 “Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần gửi thư cho các lãnh đạo cơ quan chức năng, yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt. Nếu không thực hiện tốt sẽ truy trách nhiệm các bên liên quan", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: Baohaiquan.vn