Đây là hội nghị lần thứ 5 được tổ chức luân phiên giữa các thành viên trong cộng đồng ASEAN và là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai với tư cách nước chủ nhà. Tham dự hội nghị lần này có 18 đoàn đại biểu quốc tế trong khối ASEAN và các quốc gia, vùng lãnh thổ có mối quan hệ thị trường chặt chẽ trong ngành kim hoàn đá quý.  

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao tiềm năng và sự hợp tác giữa các thành viên ASEAN với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong ngành kim hoàn đá quý đối với thị trường gần 600 triệu dân của các thành viên liên quan. Ông khẳng định: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của ASEAN nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung thì cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực mỹ nghệ kim hoàn, đá quý là rất lớn bởi nó có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống người dân toàn khu vực. Vì vậy, hội nghị cần tập trung thảo luận, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường hợp tác nhằm xây dựng nên chuỗi giá trị khu vực trên cơ sở thế mạnh của từng doanh nghiệp, từng quốc gia từ khâu khai thác, chế tác, thiết kế, makerting…

Tổ chức luân phiên giữa các nước thành viên, Hội nghị thượng đỉnh Chủ tịch kim hoàn đá quý ASEAN + 8 là diễn đàn phi lợi nhuận được chính phủ các quốc gia thành viên chấp thuận và xem là kênh thông tin chính thức cho các nhà quản lý, doanh nghiệp về tình hình thị trường, môi trường đầu tư, khả năng hợp tác phát triển… đối với ngành kim hoàn đá quý của mỗi nước, của toàn khối, của khu vực và cả thế giới.

Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam - phân tích: Trong ngôi nhà chung với xấp xỉ 600 triệu người + 8 nước và vùng lãnh thổ, các doanh nghiệp, nhà kinh doanh được tự do giao lưu, kết nối, trao đổi sản phẩm, trang bị kỹ thuật mới, hỗ trợ nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý là thế mạnh đặc biệt để vươn xa ra thị trường thế giới. Riêng đối với Việt Nam, hội nghị mở ra trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầu tư được chính phủ đặc biệt quan tâm, mở cửa thông thoáng là động cơ lớn giúp các doanh nghiệp kim hoàn đá quý định hướng mục tiêu hoạt động chính xác và hiệu quả hơn, tạo động lực hấp dẫn góp phần đưa ngành kim hoàn đá quý trong khu vực phát triển mạnh mẽ, bền vững vì lợi ích của tất cả các bên.

Những nội dung căn bản được hội nghị đề cập gồm: Đảm bảo quyền bình đẳng, tạo điều kiện kết nối, giao lưu, hội nhập cùng phát triển giữa các quốc gia thành viên trong ngành kim hoàn đá quý; Tổ chức thường niên các Hội chợ triển lãm chuyên ngành đá quý, Trang sức giữa các nước thành viên; Dự thảo thể lệ cuộc thi thiết kế trang sức kết hợp với thi người đẹp mang tên gọi “Nữ hoàng trang sức ASEAN”; Tăng cường mối quan hệ giữa Hội kim hoàn đá quý trong khối ASEAN bằng cách xây dựng cộng đồng doanh nghiệp kim hoàn đá quý thông qua đối thoại và hợp tác. 

Với tiêu chí “Vì một nền công nghiệp trang sức thịnh vượng”, nhiều tham luận của các đoàn đại biểu còn thể hiện mối quan tâm trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nghề kim hoàn đá quý; xây dựng các học viện về ngọc học; các trung tâm đào tạo về khoa học công nghệ chế tác vàng trang sức và các ngành dịch vụ liên quan… 

Kết thúc vai trò nước chủ nhà tại hội nghị , Tiến sỹ Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam bàn giao nhiệm vụ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Chủ tịch kim hoàn đá quý lần thứ VI diễn ra vào năm 2017 cho quốc gia được hội nghị tán đồng chỉ định là Myanmar.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh - cho biết:

Hàng năm, Việt Nam bình quân tiêu thụ khoảng 70 tấn vàng trong đó vàng trang sức chiếm 18,5%, vàng đầu tư khoảng 81,5%. Xuất khẩu xấp xỉ đạt 800 triệu USD. Riêng TP. Hồ Chí Minh có hơn 3.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kim hoàn đá quý (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) thu hút hơn 50.000 lao động và giữ vai trò dẫn đầu về nhập khẩu cũng như tiêu thụ vàng nguyên liệu tại Việt Nam với khoảng 80% trên cả nước.

Nguồn: Nguyễn Kim/Báo Công Thương điện tử