Hạn hán kéo dài khiến cho sản lượng lương thực của Ấn Độ nói chung, trong đó có lúa mì thấp trong năm 2015-2016, gây thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá lúa mì và bột mì lên cao. Để bảo đảm lợi ích công cộng và bình ổn giá cả thị trường, Ấn Độ đã giảm thuế nhập khẩu lúa mì từ 25% xuống 10% từ ngày 23/9/2016 và sau đó từ 10% xuống 0% từ ngày 8/12/2016. Việc gỡ bỏ thuế nhập khẩu này đã tạo điều kiện cho thương gia nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn lúa mì trong thời gian qua. Đây là số lượng lúa mì được nhập khẩu lớn nhất trong những năm trở lại đây, nhằm bổ sung nguồn cung đang thiết hụt trong nước. Hầu hết các công ty đều nhập khẩu lúa mì từ Pháp, Ucraina, Úc.

Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đã nhập được một lượng lớn lúa mì trong thời gian qua, trong khi đó một mùa thu hoạch bội thu đang đến gần là nguyên nhân chính thúc đẩy Chính phủ áp thuế nhập khẩu trở lại, nhằm bảo vệ lợi ích của người nông dân. Vụ thu hoạch lúa mì mới đã bắt đầu diễn ra tại các bang Madhya Pradesh, Rajasthan và Gujarat.

Ông Veena Sharma, Thư ký Hiệp hội Xay xát và Sản xuất bột cho biết: "Giá lúa mỳ ở miền bắc Ấn Độ hiện đang ở mức 1.625 Rupi/tạ, chi phí vận chuyển lúa mì từ khu vực gieo trồng ở phía Bắc tới khu vực phía Nam là 200 Rupi/tạ. Như vậy, với mức thuế nhập khẩu 10% thì nhập khẩu lúa mì sẽ không có lợi”.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuter (06/3), ông Atul Chaturvedi, Lãnh đạo của Bộ phận Kinh doanh nông sản của Tập đoàn Adani, một trong tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Ấn Độ cho biết, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ nhập khẩu khoảng 2-3 triệu tấn lúa mì trong niên vụ mới bắt đầu vào tháng 7/2017, mặc dù Ấn Độ đã có một vụ hè thu (Kharif) bội thu. Ấn Độ dự kiến sẽ đạt được sản lượng khoảng 95 triệu tấn lúa mì trong vụ Đông Xuân (Rabi) sắp tới, tăng so với mức 85 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoài. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu lúa mì trong năm 2017-2018 để có được một mức dự trữ an toàn.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo trước Hạ viện (10/3), ông C.R. Chaudhary, Quốc vụ khanh Bộ Lương thực, Phân phối công và Tiêu dùng Ấn Độ cho biết hiện chính phủ chưa có kế hoạch nhập khẩu lúa mì trong năm tài khóa 2017-2018. Tổng lượng lúa mì đang được tạm trữ tại các kho ở trung ương tính đến ngày 1/1/2017 là 13,747 triệu tấn, cao hơn so với mục tiêu đặt ra cho quý 4 năm tài khóa 2016-2017 (1-3/2017) là tạm trữ 12,8 triệu tấn và đủ để đáp ứng yêu cầu của hệ thống phân phối công cộng.

Ông Chaudhary cũng cho biết lượng mua lúa mì đã được thu mua tạm trữ tính đến thời điểm hiện nay của năm 2016-2017 là 22,961 triệu tấn, thấp hơn với mức 28,088 triệu tấn của năm 2015-16 và 28,023 triệu tấn trong năm 2014-2015.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương