Trong cuộc họp chiều ngày 12/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ liên quan rà soát, đảm bảo tiến độ xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phục vụ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chi tiết hóa các quy định trong dự án Luật Năng lượng nguyên tử.

Các Bộ liên quan cho biết đã trình Chính phủ 1 nghị định, 2 quyết định và đã ban hành 12 thông tư phục vụ dự án điện hạt nhân. Tuy nhiên, một số văn bản chưa xây dựng và ban hành đúng tiến độ. 

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành xác định triển khai xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) kèm Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần xây dựng Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực; Đề án hoàn thiện và tăng cường năng lực quản lý về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh. 

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cần xây dựng kế hoạch quốc gia về ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; Đề án tăng cường năng lực, đầu tư cơ sở vật chất về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, hạt nhân; Quỹ quản lý chất thải phóng xạ quốc gia.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ liên quan lập danh sách cụ thể các dự  án văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chương trình cần triển khai, bổ sung hoặc không cần thiết bỏ khỏi kế hoạch. Tinh thần là đảm bảo tiến độ nhưng cần tham khảo kỹ kinh nghiệm quốc tế, tính đến đặc thù và nhất là đảm bảo các yêu cầu cao nhất về chất lượng, an toàn, tính pháp lý của dự án.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất dự kiện 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân I và II sẽ hoàn thành vào năm 2022 (phát điện vào cuối năm 2020). Về nguồn kinh phí. Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.


Lâm Minh