Trong năm 2016, bên cạnh việc vận hành các dịch vụ công trực tuyến đã triển khai trước đây, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã triển khai xây dựng mới các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Quyết định số 1728/QĐ-BCT ngày 06-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương năm 2016 (QĐ 1728). Cục cũng tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương (Cổng dịch vụ công trực tuyến) tại địa chỉ http://online.moit.gov.vn, hệ thống cho phép người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của Bộ thông qua một tài khoản duy nhất. Trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đã tập hợp toàn bộ 67 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có của Bộ.
Hạ tầng kỹ thuật của hệ thống dịch vụ công trực tuyến cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra về tính ổn định, tính sẵn sàng và đáp ứng tốt yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể trong năm 2016, số lượng hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng đạt hơn 700.000 hồ sơ/năm với các dịch vụ công trực tuyến tiêu biểu của như: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: xử lý khoảng 600.000 bộ hồ sơ điện tử/năm, đồng thời gửi hơn 90,000 bộ hồ sơ điện tử tới Cơ chế một cửa quốc gia; Cấp xác nhận khai báo hóa chất: 26.000 bộ hồ sơ điện tử /năm; Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép: 9.000 bộ hồ sơ/năm; Đăng ký, thông báo website thương mại điện tử: 4.000 hồ sơ/năm.
Các dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương cũng đã có tính năng ứng dụng chữ ký số để bảo đảm tính bảo mật, tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của việc gửi hồ sơ trực tuyến. Chữ ký số có giá trị tương đương với chữ ký tay và con dấu của người dân, doanh nghiệp.
Tính từ ngày 23/12/2016 đến nay, số lượng hồ sơ được khai trực tuyến thông qua các dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính được thống kê tại phụ lục 1 kèm theo, trong đó có 13 dịch vụ công trực tuyến có hồ sơ, 54 dịch vụ công trực tuyến không có hồ sơ.
Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, bên cạnh một số dịch vụ công trực tuyến của một số đơn vị như Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đạt tỷ lệ 100% số lượng hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến như: Cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu Vật liệu nổ công nghiệp; Đăng ký thông báo website thương mại điện tử; Cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; Cấp phép nhập khẩu tự động xe môtô phân khối lớn; Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ưu đãi; Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép; thì vẫn còn nhiều dịch vụ công trực tuyến không có hồ sơ nộp theo hình thức trực tuyến.
Qua tổng hợp, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nhận thấy các dịch vụ công trực tuyến chưa có hồ sơ hoặc có ít hồ sơ do một số lý do như không có hồ sơ (bao gồm cả hồ sơ giấy) từ thời điểm đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến; Quy định pháp lý về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; Doanh nghiệp vẫn quen với hình thức dùng văn bản giấy, chưa quen sử dụng nên chưa nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến; Trình độ, kiến thức CNTT của doanh nghiệp còn hạn chế, bên cạnh tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Thời gian chính thức đưa vào sử dụng các dịch vụ công trực tuyến quá ngắn đối với các dịch vụ công trực tuyến xây dựng trong năm 2016 (tuần cuối cùng của năm); Cơ sở hạ tầng CNTT của doanh nghiệp còn chưa đáp ứng được; Thành phần hồ sơ bao gồm nhiều trang, nhiều bản vẽ khổ lớn… nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Hồ sơ gửi cho cơ quan thẩm định, xác nhận bắt buộc phải có nhiều bộ bản cứng kèm theo bản điện tử.
Đối với việc tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công trực tuyến, đến thời điểm này, đã có 43 dịch vụ công trực tuyến được xây dựng mới năm 2016 theo QĐ 1728 đã tích hợp với Cổng dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 67 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có của Bộ. 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn lại của Bộ hiện chưa kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến đều là những dịch vụ công triển khai trong các giai đoạn trước đây (từ năm 2015 trở về trước) trên nền tảng công nghệ cũ, việc tích hợp cần phải có thời gian nhất định để có phương án kỹ thuật tốt nhất, tránh gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Trong số này có một số dịch vụ công trực tuyến có số lượng hồ sơ lớn, số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều như: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép; Đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với số lượng doanh nghiệp tham gia lên tới hơn 10.000 doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin mong muốn các đơn vị có thủ tục hành chính triển khai theo hình thức dịch vụ công trực tuyến cần phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin lập kế hoạch mời các doanh nghiệp tham gia tập huấn sử dụng đối với từng dịch vụ công cụ thể, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp làm quen và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Các đơn vị có thủ tục hành chính triển khai theo hình thức dịch vụ công trực tuyến cần phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ tăng cường tuyên truyền, phổ biến Cổng dịch vụ công trực tuyến tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân; Đề xuất Lãnh đạo Bộ xem xét ban hành cơ chế, chính sách để góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa đối với các dịch vụ công trực tuyến thông qua việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ so với hình thức đăng ký truyền thống, không cần nộp văn bản giấy đối với thành phần hồ sơ xin cấp phép khi đã được xác thực thông qua chữ ký số (tương tự Quyết định 9866/QĐ-BCT ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương đối với dịch vụ công trực tuyến Cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử); Các đơn vị xây dựng mới hoặc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính cần tạo điều kiện để Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin được tham gia Tổ soạn thảo, Ban biên tập; qua đó Cục sẽ có kế hoạch và thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, tránh trường hợp dịch vụ công trực tuyến vừa hoàn thành thì thủ tục hành chính lại thay đổi dẫn đến lãng phí và không đáp ứng đúng yêu cầu của Lãnh đạo Bộ; Trong năm 2017, ưu tiên triển khai xây dựng mới các dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ nhiều để góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các thủ tục hành chính do Bộ quản lý dễ dàng hơn nữa.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã ghi nhận đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong Bộ, đặc biệt có những đơn vị thực hiện 100% dịch vụ công bằng hình thức online. Thứ trưởng khẳng định lại quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến phải hết sức thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân. Không chỉ 67 dịch vụ công như hiện tại mà còn phải tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.
Để làm được việc này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh yêu cầu các đơn vị phải nhận thức, quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Tiếp tục rà soát, xác định lại toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3 và 4 của đơn vị mình theo đúng quy định. Khắc phục những khó khăn về mặt kỹ thuật; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện, nhằm nâng tỷ lệ nộp hồ sơ qua cổng trực tuyến...

Nguồn: Phương Thảo/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương