Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh Bộ trưởng Sê-cô cùng đoàn công tác Bộ METI thăm và làm việc tại Bộ Công Thương và khẳng định rằng chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Sê-cô có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước và tiếp tục thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng. Buổi hội đàm là dịp quan trọng để hai Bộ rà soát việc thực hiện các chương trình hợp tác được thống nhất tại Kỳ họp lần thứ 2 UBHH Việt Nam – Nhật Bản về công nghiệp, thương mại và năng lượng được tổ chức tháng 6/2017.

Tại buổi làm việc, trao đổi về lĩnh vực hợp tác công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao Nhóm công tác về Công nghiệp ôtô và Công nghiệp hỗ trợ của hai Bên tổ chức được phiên họp đầu tiên, theo đúng tinh thần Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ hai nước trong chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6 vừa qua. Hai Bộ trưởng tập trung thảo luận các nội dung nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề xuất các nội dung hợp tác với Nhật Bản trong thời gian tới để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa của Việt Nam.

Về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ METI phối hợp cùng Bộ Công Thương tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu giúp thúc đẩy hợp tác thương mại song phương trong bối cảnh mới một cách có hiệu quả, xây dựng cơ chế hợp tác nhiều Bên bao gồm các Bộ, ngành liên quan tại mỗi nước để xử lý các vấn đề gây cản trở thương mại song phương. Hai Bộ trưởng nhất trí việc ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong việc tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hai Bộ trưởng chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của hợp tác năng lượng Việt Nam và Nhật Bản trong trung và dài hạn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao đề xuất của Bộ trưởng Sê-cô tại Kỳ họp lần 2 UBHH tại Tô-ki-ô (Nhật Bản) vào tháng 6 vừa qua về việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ METI Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng nhằm xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác phù hợp với lợi ích của cả hai nước. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị phía Nhật Bản tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào những lĩnh vực hợp tác năng lượng mới, bao gồm nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo và hợp tác về môi trường trong lĩnh vực năng lượng.

Bộ trưởng Sê-cô đánh giá cao và hoàn toàn tán thành đối với các ý kiến, định hướng của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đối với quan hệ hợp tác song phương, Bộ trưởng Sê-cô cũng bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ TPP, RCEP. Hai Bộ trưởng nhất trí đề nghị các đơn vị liên quan của hai Bộ khẩn trương phối hợp chặt chẽ triển khai các nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề được nêu tại buổi hội đàm.

Trong khuôn khổ buổi Hội đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Sê-cô ký Bản Ý định thư hợp tác song phương hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực hai Bên quan tâm hợp tác, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ôtô, năng lượng, công nghiệp chế biến thực phẩm, nâng cao năng lực thể chế nhằm trợ giúp Việt Nam thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Trong nhiều năm qua Nhật Bản luôn là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2016, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 29,6 tỉ USD, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc), và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Tính đến 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 21,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu đạt xấp xỉ 11 tỷ USD, tăng 16,5%, nhập khẩu đạt 10,4 tỷ USD tăng 8,3% so với cùng kỳ

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản gồm: hàng dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, hàng thủy sản, giầy dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,…

Các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, linh kiện, phụ tùng ô tô, sản phẩm từ chất dẻo, vải các loại,..

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương