Ngày 14 tháng 02 năm 2017, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây được coi là bước đột phá mới đối với lĩnh vực logistics của Việt Nam, một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn của cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Kế hoạch hành động được cho rằng sẽ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới.
Dịch vụ logistics có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Mục tiêu nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020, về Phát triển khu vực dịch vụ cũng đã nêu rõ: “Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: du lịch, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin. Hiện đại và mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác...”.
Mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt là điểm nổi bật khi hội nhập sâu rộng, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam còn thấp, do vậy, cần tận dụng cơ hội và cả thách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Theo cam kết WTO, từ năm 2014, hầu hết các dịch vụ logistics đều được dỡ bỏ rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài được gia nhập thị trường với mức vốn 100%. Tự do hóa trong lĩnh vực logistics theo yêu cầu của WTO vừa là cơ hội khi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận những kinh nghiệm trong quản lý mạng lưới logistics toàn cầu nhưng cũng là thách thức khi doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển nguồn lực theo chiều sâu để có thể đủ sức cạnh tranh một cách nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Trong thời gian tới, nhu cầu về dịch vụ logistics trọn gói, chất lượng cao, phạm vi toàn cầu sẽ ngày càng tăng. Nhận thức được vai trò của dịch vụ logistics, các quốc gia trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã xây dựng Kế hoạch phát triển logistics và thành lập các cơ quan giúp Chính phủ phát triển ngành dịch vụ logistics. Thái Lan cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển logistics 2007-2011 và sau đó đã xây dựng tiếp Chiến lược phát triển logistics tới 2020 với mục tiêu là phát triển Thái Lan thành trung tâm dịch vụ logistics của các nước Đông Dương.
Trong thời gian qua, Việt Nam chúng ta chưa có chiến lược toàn diện phát triển dịch vụ logistics cho thời gian tới khi thực hiện AEC và các FTA thế hệ mới. Hơn thế nữa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics nói riêng và dịch vụ logistics nói chung của Việt Nam còn thấp và giảm về thứ bậc so với thế giới.
Do đó, việc ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của Chính phủ tại thời điểm này là hết sức cần thiết và kịp thời. Một chương trình hành động thực tế, có mục tiêu cụ thể và được triển khai nghiêm túc sẽ không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới, mà còn giúp cho ngành logistics phát triển bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ những sự cố không mong muốn và phản ứng nhanh với các sự cố trong chuỗi cung ứng, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn với chi phí lao động cạnh tranh hay thị trường rộng lớn mà còn là nơi có hoạt động thương mại thuận lợi. Đây là bước đi quan trọng cho việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics của nước ta trong thời gian tới, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.
Các nhiệm vụ chính được đề cập trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 bao gồm 6 nhóm như sau:
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics
- Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics
- Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ
- Phát triển thị trường dịch vụ logistics
- Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực
- Các nhiệm vụ khác
Các nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch hành động bao gồm cả hoạt động mang tính vĩ mô lẫn hoạt động cụ thể. Mỗi hoạt động đều có chỉ ra các đơn vị đầu mối, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp, thời gian phải hoàn thành.
Việc ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 của Chính phủ chắc chắn sẽ tạo nền tảng để Nhà nước và doanh nghiệp cùng triển khai những công việc lớn, tạo đà cho ngành logistics phát triển trong thời gian tới.

Xem toàn văn Quyết định tại đây.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương