Tham gia đoàn công tác của Bộ trưởng có Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và nhiều đơn vị liên quan.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - cho biết, sau khi tái khởi động cuối năm 2017, đầu năm 2018, hiện Nhà máy Đạm Ninh Bình đã cơ bản có phương án bố trí đủ các điều kiện và đã khởi động lại máy, cho ra sản phẩm.
“Ngày 29/1, Đạm Ninh Bình đã sản xuất gần 30.000 tấn phân urê, bình quân mỗi ngày sản xuất gần 1.300 tấn và đang vận hành ổn định” - ông Nhẫn nói và cho biết, công ty đã huy động được 63 tỷ đồng từ khách hàng mua đạm, sau khi biết công ty đã khắc phục xong thiết bị và chuẩn bị chạy lại máy.

Đến nay, Đạm Ninh Bình xuất bán được trên 22.000 tấn phân urê, lượng hàng tồn kho chủ yếu do các khách hàng tạm dừng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, công ty đã tiếp tục xuất bán từ mùng 2 Tết. Giá bán urê Ninh Bình từ 6 - 6,3 triệu đồng/tấn, đang cao hơn chi phí biến đổi khoảng 0,5 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiện nay nhà máy vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn lưu động để đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định, an toàn. Theo đó, các ngân hàng đang yêu cầu trả nợ nên mặc dù giá bán urê Ninh Bình đang cao hơn chi phí biến đổi nhưng do tính chất mùa vụ, dòng tiền cho sản xuất bị thiếu trong thời gian hết vụ nên phải có nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng. Riêng chi phí mua than sẽ cần khoảng 40 tỷ đồng/tuần để duy trì sản xuất liên tục.
“Đây đang là rủi ro lớn có thể khiến Đạm Ninh Bình phải ngừng máy trước khi sản xuất đủ 120.000 tấn urê đợt 1 theo kế hoạch” - ông Nhẫn nêu thực tế và bổ sung, năm 2018, nhà máy phải đại tu các hạng mục máy nén Simen xưởng phân ly, thay xúc tác chuyển hóa CO và máy nén xưởng tổng hợp NH3 với dự toán khoảng 220 tỷ đồng, trong đó giá trị vật tư đã mua khoảng 100 tỷ đồng.

 

Trước những khó khăn này, ông Vũ Văn Nhẫn đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến hỗ trợ Công ty Đạm Ninh Bình để Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cho vay 350 tỷ đồng vốn lưu động, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, công ty cũng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ký hợp đồng mua bán than năm 2018 tương tự với các điều khoản nội dung hợp đồng năm 2017 đã ký với Đạm Ninh Bình với đơn giá hiệp thương.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - thành viên Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương - làm rõ hơn những khó khăn của Đạm Ninh Bình. Theo đó, than là nguyên liệu đầu vào chiếm 56-60% giá thành sản xuất đạm nhưng giá thành ngày càng tăng.
“Hiện giá thành khi vận hành từ than đến đạm chỉ lãi khoảng 400.000-500.000 đồng/tấn, chưa trừ các chi phí như lãi suất ngân hàng, nhân công…” - Thứ trưởng nói. Bên cạnh đó, theo tính toán, Đạm Ninh Bình đang cần tiền để mua nguyên liệu đầu vào và hiện vay của TKV 133 tỷ đồng để chạy thử đến nửa tháng 3. Giai đoạn tiếp theo cần mua thêm 40.000 tấn than nữa, tương đương khoảng 80 tỷ đồng nhưng hiện rất khó khăn trong cân đối nguồn tài chính này.

 

Ngoài ra, nguồn vốn của Đạm Ninh Bình còn rất hạn hẹp và muốn vay từ ngân hàng nhưng thuế, phí còn cao nên rất cần có cơ chế ưu đãi vay vốn ngân hàng để nhà máy có vốn lưu động sản xuất.
Sau khi nghe các ý kiến, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình trong thời gian qua đã khắc phục khó khăn, tìm mọi giải pháp để tái khởi động Nhà máy đạm Ninh Bình.
“Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương ghi nhận những nỗ lực vượt khó của các đồng chí” - Bộ trưởng nói và chỉ ra rằng, những giải pháp khắc phục tồn tại tại Dự án đạm Ninh Bình không chỉ tuân thủ các quy định của luật pháp mà còn tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Dẫn thực tế từ việc cho dừng vận hành Nhà máy sơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng), Bộ trưởng nhấn mạnh, bằng mọi giá không được dừng máy tại Nhà máy đạm Ninh Bình vì mỗi lần dừng máy là thiệt hại hàng chục tỷ đồng trong khi công nợ của nhà máy còn rất lớn.

 

Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu, từ kinh nghiệm trong quá trình tái vận hành nhà máy cuối năm 2017, các đơn vị liên quan cần tập trung cao độ để kiểm soát, làm chủ công nghệ, vận hành an toàn, liên tục. Đồng thời, có giải pháp giữ chân đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân để đảm bảo duy trì và từng bước khôi phục hoạt động của đạm Ninh Bình.
“Năm 2018, Đạm Ninh Bình phải đảm bảo chạy máy đạt trên 80% công suất thiết kế để đảm bảo hiệu quả của nhà máy, đảm bảo sản lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra” – Bộ trưởng nói và yêu cầu Tập đoàn Hoá chất, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp tục rà soát, đánh giá, đưa ra các giải pháp tổng thể từ công nghệ, thiết bị, nhân lực, thị trường tiêu thụ… đến công nợ, vốn báo cáo Bộ Công Thương để phối hợp làm việc với các Bộ, ngành, đặc biệt là các ngân hàng tìm giải pháp hữu hiệu nhất tháo gỡ khó khăn cho nhà máy.
Bên cạnh đó, cần chủ động phát triển thị trường, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm đủ mạnh, hiệu quả để đảm bảo đầu ra, hình thành thương hiệu Đạm Ninh Bình, trong đó, việc phối hợp với các doanh nghiệp phân phối sản phẩm là hết sức quan trọng.
Cũng trong chuyến công tác tại Ninh Bình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Sở Công Thương Ninh Bình.
Tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn sự phối hợp hiệu quả của lãnh đạo địa phương với Bộ Công Thương trong thời gian qua. Cho rằng, kết quả của sự phối hợp này được thể hiện sinh động qua tốc độ tăng trưởng nhanh của các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong thời gian qua của tỉnh Ninh Bình, đóng góp vào thành công chung của ngành Công Thương, Bộ trưởng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới của lãnh đạo địa phương.
Nguồn:Hoàng Châu - Cấn Dũng/Báo Công Thương điện tử