Gần 20 diễn giả trong và ngoài nước đã tham gia trình bày tại Diễn đàn, là đại diện các Bộ ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương. Diễn đàn đã thu hút hơn 300 đại biểu tham dự đến từ các quản lý nhà nước, viện, trường đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Nếu trước đây phải mất gần một thế kỷ để chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp cũ sang cuộc cách mạng công nghiệp mới, thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện chỉ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 chưa đầy nửa thế kỷ. Hơn thế nữa, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới. cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa. Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: công nghiệp, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, lao động, việc làm, giao thông vận tải, dệt may, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo đến doanh nghiệp và các địa phương.
Trong phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, ngày nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới Internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát, là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là không nhỏ.
Trao đổi tại Diễn đàn, cùng với việc nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức những Diễn đàn, hội thảo quy tụ sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, với những bình luận sâu sắc về cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị: “Đối với những biến cố thời đại lớn như cách mạng công nghiệp 4.0 thì điều đầu tiên là cần phải bàn luận, trao đổi một cách thấu đáo, tránh việc biết “nhang nhác, qua qua” rồi ào ra làm theo phong trào”.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, Việt Nam là một dân tộc thông minh, rất nhạy bén với thời đại, thể hiện ở việc trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới như: coi Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt (1976); xác định phát triển kinh tế tri thức là đường hướng phát triển kinh tế Việt Nam (1996) hay việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là “Giáo dục đào tạo” và “Khoa học công nghệ”.
Vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cảnh báo: “Sự hào hứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rất nhanh ở Việt Nam cũng chứa đựng nguy cơ, làm chúng ta tưởng thật, làm chúng ta tưởng là chúng ta thông minh… Cùng với đó còn là nguy cơ biến thành phong trào, nguy cơ đầu cơ những khái niệm để trang bị phục vụ việc hô hào, khoe khoang”, ông Thiên nêu.
Ở góc độ của cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bà Louisse Chamberlain - Giám đốc UNDP Việt Nam chia sẻ, sở dĩ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhận được sự quan tâm lớn từ Liên hợp quốc là bởi cuộc cách mạng này đại diện cho cả các cơ hội căn bản cho sự phát triển nhanh chóng của con người và những thách thức lớn, ví dụ như ít nhất điều này sẽ làm tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, khiến công nghệ và khả năng kết nối có thể trở thành lợi thế của họ bằng các quy định, hạ tầng hợp tác, hiểu biết của con người và hệ thống truyền thông tốt hơn và có những quốc gia sẽ thích nghi chậm hơn do sự hiểu biết, hệ thống và thực tế của họ đều đang ở phía sau.
Bà Louisse Chamberlain cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm một thay đổi lớn trong hệ thống toàn cầu; nhưng với các quốc gia đang phát triển, đây là một thách thức lớn về khả năng cạnh tranh. Nguy cơ những phát triển khó đạt được trong giảm đói nghèo và những tiến bộ trong bình đẳng hóa sẽ bị giảm sút. “Hành động sớm để giúp biến đổi nền kinh tế, các tổ chức kinh tế và hệ thống xã hội là cách duy nhất để một nền kinh tế có thể trở nên nổi trội với năng suất, tính bền vững và tính công bằng cao hơn trong dài hạn”, bà Louisse Chamberlain nói.
Cũng trong tham luận chủ đề “cách mạng công nghiệp 4.0 - Định dạng tương lai toàn cầu”, trên cơ sở phân tích những thay đổi của nền kinh tế từ sự tác động, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện UNDP Việt Nam đặc biệt lưu ý đến thách thức lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0 về sự gia tăng bất bình đẳng giữa và trong các quốc gia.
Bà Louisse Chamberlain cũng đề xuất, hướng tới năng suất cao hơn và khả năng phục hồi của xã hội là một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt để tăng khả năng cạnh tranh.
Tại “Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra sáng nay (11/4), bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, làn sóng công nghiệp 4.0 sẽ đi cùng mô hình “Kinh tế chia sẻ - Sharing Economy” - mô hình thị trường kết hợp sở hữu và chia sẻ, dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Đây được coi là mô hình kinh doanh mới, điển hình cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại. Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%). Tuy nhiên, hiện nay việc hoàn thiện chinh sách điều chỉnh những mô hình kinh doanh mới như nói ở trên vẫn là một thách thức lớn đối với các nhà lập pháp tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng mạng mẽ.
Diễn đàn đã diễn ra thành công tốt đẹp, đưa ra nhiều khuyến nghị về việc tận dụng sức lan tỏa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng từ nhiều góc độ, ngành, lĩnh vực khác nhau cho chiến lược phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong ngành công – thương trong thời gian tới.
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin