Cụ thể, Vụ Kế hoạch cho biết, về cơ bản thống nhất về chủ trương thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh Fast Track để hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho Doanh nghiệp Đức và Việt Nam, tuy nhiên cần làm rõ một số nội dung như các Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức có được hỗ trợ, hưởng lợi gì từ hoạt động của Tổ công tác, cơ chế phối hợp, nguồn lực thực hiện.
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương quy định rõ hơn chủ thể đưa ra tuyên bố là Bộ Công Thương của Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang của Đức). Bên cạnh đó, cân nhắc bổ sung vào dự thảo tuyên bố chung các hoạt động tương ứng về phía các cơ quan có liên quan của Đức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Cân nhắc về thời điểm thực hiện cơ chế đối thoại để đảm bảo tính khả thi của tuyên bố.
Bộ Ngoại giao ủng hộ việc thiết lập Cơ chế trên tại Đại sứ quán hai nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tháo gỡ vướng mắc khi đầu tư vào thị trường của nhau. Bộ này cũng đề nghị Bộ Công Thương lưu ý quy định cụ thể hơn mục tiêu của Cơ chế là xác định và giải quyết các khó khăn, vướng mắc nào của doanh nghiệp Đức khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và giải quyết như thế nào. Đề nghị cân nhắc, bổ sung mộ nhánh nội dung cơ bản khác của cơ chế là danh mục các vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam tại Đức, bổ sung quy định về việc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức sẽ là đầu mối chuẩn bị danh mục nêu trên. Xem lại quy định về cấp đánh giá kết quả của Cơ chế để đảm bảo phù hợp với cơ cấu tổ chức cơ quan cấp Bộ.
Vụ Thị trường châu Âu cũng cho biết thêm, phía Đức rất mong muốn thành lập cơ chế Fast track để tạo điền kiện thuận lợi và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Vụ Thị trường châu Âu cho rằng, việc thiết lập cơ chế đối thoại này rất hữu ích để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp hai bên. Khi Việt Nam và EU ký Hiệp định Thương mại tự do, cơ chế đối thoại này sẽ phát huy thêm hiệu quả vì cơ hội hợp tác kinh doanh sắp tới sẽ rất lớn.
Đối với ý kiến của các đơn vị, Vụ Thị trường châu Âu đã trao đổi với phía Đức và bổ sung thêm vào đề xuất Biên bản ghi nhớ ban đầu do phía Bạn gửi.
Phía Đức đề xuất Bộ Công Thương tổ chức lễ ký Biên bản ghi nhớ tại Bộ Công Thương vào đầu tháng 1 năm 2017.
Nguồn: Phương Thảo/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương