Tác động tích cực

Được ký từ năm 2009 và có hiệu lực vào năm 2010, AIFTA sau nhiều năm triển khai đã có tác động tích cực đến giao dịch thương mại giữa các bên nói chung, Việt Nam- Ấn Độ nói riêng. Số liệu thống kê cho thấy: Giai đoạn từ năm 2008 – 2009, giá trị kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này còn khiêm tốn, lần lượt đạt 389 triệu USD và 420 triệu USD. Sau khi hiệp định có hiệu lực, con số này đã tăng trưởng vượt bậc lên tới 992 triệu USD, tăng trên 136% so với năm 2009. Về nhập khẩu (NK), 5 năm qua, Ấn Độ luôn là 1 trong 10 quốc gia có tổng kim ngạch NK lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 2% tổng trị giá hàng hóa NK của cả nước.

9 tháng đầu năm 2015, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt 3,84 tỷ USD. Đánh giá của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), các mặt hàng XK của Việt Nam ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá XK, tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng Ấn Độ. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng ưu đãi từ cam kết giảm thuế của Chính phủ Ấn Độ trong khuôn khổ hiệp định ngày càng tăng.

Dù đã có hàng lang pháp lý thuận lợi nhưng vài năm trở lại đây, Ấn Độ là một trong số các nước tiến hành điều tra chống bán phá giá và áp dụng phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng XK Việt Nam. Với 5 vụ chống bán phá giá, 4 vụ tự vệ, các sản phẩm của Việt Nam bị Ấn Độ điều tra tương đối đa dạng, từ đĩa DVD, đèn huỳnh quang cho đến sợi- một trong những sản phẩm XK quan trọng của Việt Nam sang thị trường này.

Sức hút từ thị trường Việt Nam

Tại cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mới đây, bà Shrimati Preeti Saran - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - cho rằng, mức thuế hiện tại trong AIFTA vẫn còn cao. Do đó, để thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển, hai nước cần xem xét giải quyết vấn đề trên bình diện song phương.

Bà Shrimati Preeti Saran chia sẻ: Các doanh nghiệp Ấn đang quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định TPP kết thúc đàm phán. Bà Đại sứ dẫn chứng: 3 tháng qua, gần 100 doanh nghiệp trong ngành cơ khí, dệt may Ấn Độ đã sang tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác với đối tác Việt Nam.

Với ngành Dệt may, theo ông Vishvajit Sahay- Tổng Vụ Công nghiệp nặng Ấn Độ, hiện mới chỉ có rất ít doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sức hút từ việc là thành viên của TPP đang khiến Việt Nam trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất đối với doanh nghiệp dệt may Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã thông qua một chương trình tín dụng dành cho các dự án hợp tác dệt may giữa hai nước lên tới 300 triệu USD. Gói tín dụng này dành ưu đãi cho doanh nghiệp Ấn Độ có tham gia XK, đầu tư vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực dệt may hoặc những doanh nghiệp Việt Nam có hợp tác hoặc muốn NK nguyên liệu dệt may từ Ấn Độ.


Nguồn: Báo Công Thương