Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 16 điều, được Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc ký kết ngày 12/9/2016. Theo hiệp định, thương mại biên giới được thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu (điểm) chợ biên giới được hai bên thỏa thuận nhất trí mở tại 7 tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên của Việt Nam và 2 tỉnh/khu Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Hoạt động tại các chợ biên giới của người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu ra, vào các khu (điểm) chợ biên giới thông qua đường qua lại biên giới mà hai bên thỏa thuận mở. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp, áp dụng các biện pháp tích cực khuyến khích, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục, ổn định.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thức - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2016 đạt trên 100 triệu USD, chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 25% trong kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Việt nam sang Trung Quốc vẫn là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trái cây tươi, cao su… Kim ngạch lưu chuyển hàng hóa qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung tốc độ tăng trưởng không ổn định.

Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ký kết từ năm 2016, thay thế cho hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt – Trung năm 1998, tạo hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ước tính, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung hàng năm ở mức ổn định, bền vững khoảng 30%. Hiệp định này góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới, đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao vai trò của thương mại biên giới trong thương mại song phương.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, từ Hiệp định này, Việt Nam cần xây dựng chiến lược hoạt động thương mại biên giới cụ thể, bài bản. Theo đó cần chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp biên giới.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Văn Trường - Trường cao đẳng Kinh tế thương mại (Bộ Công Thương) - cho rằng, cần phải tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp, hàng hóa đảm bảo chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Có như vậy, mới không còn tình trạng giải cứu các mặt hàng nông sản hay thực phẩm ở nhiều địa phương như thời gian qua.

“Việt Nam cần xây dựng mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược, từ đó quy hoạch vùng sản xuất, tạo điều kiện cho hàng hóa giữ được giá. Từ hiệp định đã kí kết, nhà nước cần triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ thương nhân về thị trường, về vốn, tỷ giá tạo thuận lợi trong chiến lược xuất nhập khẩu. Nghiên cứu tốt thị trường nước bạn để có phương án xuất khẩu phù hợp. Bên cạnh đó cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc mở rộng thêm thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam vào bằng con đường chính ngạch”, ông Trường lưu ý.

Để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thương mại biên giới & miền núi (Bộ Công Thương) - khẳng định, Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung sẽ làm phong phú, sống động hoạt động kinh tế - thương mại trên địa bàn các tỉnh biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa. “Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung còn tạo ra những điều kiện để các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc khai thác và phát huy được thế mạnh tiềm năng, kết hợp nội lực và ngoại lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý hơn. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh biên giới theo hướng tham gia và cung cấp dịch vụ trung chuyển hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới, các nước trong khu vực và toàn cầu”, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.

Nguồn: baocongthuong.com.vn