Về phía Việt Nam, tham dự có các đại diện các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải. Phía Nga gồm các cán bộ của Đại sứ quán, Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, đại diện của các doanh nghiệp hợp tác theo Nghị định thư.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ,...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam. Ô tô do liên doanh sản xuất phải phù hợp với các định hướng tại Quyết định số 08/2017/QĐ-TTgCP của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 31 tháng 3 năm 2017, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và các văn bản có liên quan khác. Theo Nghị định thư sửa đổi, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế 2.550 xe nguyên chiếc và 13.500 bộ phụ tùng lắp ráp ô tô trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022 để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường.
Nghị định thư sửa đổi sẽ giúp tạo thêm thuận lợi cho các nhà sản xuất ô tô của Liên bang Nga có thời gian tìm hiểu và thâm nhập thị trường Việt Nam cũng như tạo các cơ hội lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiệt liệt chào mừng Ngài Đại sứ và các đại diện của hai Bên tham dự Lễ ký kết Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam (Nghị định thư hợp tác về ô tô). Tuy Nghị định thư hợp tác về ô tô có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2016 nhưng do đây là lĩnh vực hợp tác mới, cơ chế chính sách quản lý tại lĩnh vực công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện, do vậy cho đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được ưu đãi của Nghị định thư.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác sản xuất xe tải và xe buýt tại Việt Nam, sử dụng công nghệ và trình độ chuyên môn kỹ thuật của các nhà sản xuất có kinh nghiệm lâu năm của Nga như KAMAZ, UAZ và GAZ, Chính phủ hai nước đã thống nhất đồng ý lùi thời gian sử dụng hạn ngạch thuế quan để miễn thuế nhập khẩu các phương tiện vận tải nguyên chiếc và bộ linh kiện bắt đầu từ đầu năm 2018. Và sự kiện ký kết Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư hợp tác về ô tô ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần hợp tác hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau vốn có giữa hai bên, luôn tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên từng lĩnh vực cụ thể.
"Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chân thành chúc mừng Sự kiện ngày hôm nay và cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện để lĩnh vực hợp tác này mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai nước, đồng thời là cơ sở để chúng ta tiếp tục triển khai trên nhiều lĩnh vực hợp tác khác, đáp ứng đòi hỏi của việc hiện thực hóa Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga", Bộ trương Trần Tuấn Anh nói.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh thế giới thế kỷ 21 với nền kinh tế sáng tạo phát triển nhanh, đồng thời có nhiều biến động địa chính trị trên toàn cầu, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga vẫn luôn phát triển tốt đẹp. Với chính sách ngoại giao hướng Đông, Liên bang Nga coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Việt Nam cũng luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc mở rộng hợp tác toàn diện với Liên bang Nga. Điều đó đã được cụ thể hóa bằng việc nâng cấp quan hệ hợp tác hai nước lên tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện từ năm 2012, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Về thương mại, Liên bang Nga là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 đầu năm 2017 đạt trên 3,2 tỷ USD (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016) . Kết quả này còn rất khiêm tốn so với mục tiêu 10 tỷ USD năm 2020 mà lãnh đạo hai nước đã đề ra. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD và khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, việc triển khai thành công các dự án như sản xuất các phương tiện vận tải có động cơ của Liên bang Nga trên lãnh thổ Việt Nam là hết sức cần thiết, phù hợp với mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tương lai của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga không chỉ phụ thuộc vào mong muốn và nỗ lực của hai nhà nước và nhân dân hai nước, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn, sự năng động và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, để triển khai thành công Nghị định thư sửa đổi, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp ô tô của Liên bang Nga như sau:
- Chủ động nghiên cứu các quy định, đặc biệt là quy trình cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan và nhập khẩu theo hạn ngạch trong Quyết định số 08/2017/QĐ-TTgCP của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 31 tháng 3 năm 2017, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và các văn bản có liên quan khác.
- Nghiên cứu kỹ thị trường của khu vực, lựa chọn và thiết kế các model xe phù hợp với nhu cầu của thị trường Việt Nam và khu vực.
“Tôi hy vọng, các liên doanh Việt - Nga này sẽ thành công góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đồng thời sẽ tận dụng các cơ hội để mở rộng hoạt động sang các thị trường ASEAN với dân số khoảng 640 triệu người”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương