Vụ vi phạm "khủng" nhất

Không khó để tìm thấy trên các trang mạng giới thiệu TS Group là tập đoàn sở hữu kênh phân phối online chuyên nghiệp và lớn nhất tại Việt Nam, sở hữu độc quyền 12 thương hiệu với hơn 50 nhãn hàng, được nhiều "sao" Việt làm đại sứ thương hiệu.

Tuy nhiên, vừa qua, khi Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam thì mới "vỡ lẽ": Tất cả sản phẩm của công ty này đều chưa thực hiện công bố mỹ phẩm theo quy định, chưa thực hiện xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, trên nhãn ghi giả mạo nơi sản xuất hàng hóa. Đơn cử như: Sản phẩm mầm ngũ cốc; kén đặt đông y; ngọc nhũ nương... chưa thực hiện xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm. Các sản phẩm mỹ phẩm gồm kem, gel, mặt nạ, bột rửa mặt, sữa tắm... do công ty này sở hữu đều chưa thực hiện công bố mỹ phẩm theo quy định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm như: Muối tắm nhau thai cừu, mặt nạ ngủ harbal với số lượng hàng nghìn hộp bị thu giữ có nhãn ghi giả mạo nơi sản xuất hàng hóa.

Lực lượng chức năng cho biết, toàn bộ lô hàng từ nguyên liệu đầu vào, công ty này đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Nhiều dòng sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da có dấu hiệu giả nguồn gốc, xuất xứ; trên nhãn mác ghi xuất xứ tại New Zealand, Hàn Quốc nhưng thực chất được đóng nhãn mác, bao bì tại kho xưởng tạm ở quận Hà Đông (Hà Nội).

Sau khi tiến hành kiểm tra, toàn bộ số hàng không rõ nguồn gốc trên đã bị cơ quan chức năng thu giữ và niêm phong. Qua nhiều ngày, công ty vẫn chưa có đầy đủ giấy tờ liên quan đến lô hàng trị giá 11 tỷ đồng này. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử trên trang "tnnatural.com.vn", cơ quan chức năng xác định do Công ty TS Việt Nam thiết lập để kinh doanh thương mại điện tử, nhưng chưa thực hiện thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.

Nữ giám đốc Công ty TS Việt Nam Nguyễn Thu Trang thừa nhận: Không có cơ sở sản xuất, chỉ phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng qua mạng. Hiện, toàn bộ hoạt động bán hàng của công ty đã phải tạm dừng. Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) - khẳng định: Số mỹ phẩm trên chắc chắn là hàng giả, với trị giá và quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Chuyển cơ quan công an xử lý hình sự

Theo ông Trần Hùng, dấu hiệu sai phạm của vụ việc này còn rõ ràng hơn vụ phân bón giả Thuận Phong ở Đồng Nai, bởi tới thời điểm này, Công ty TS Việt Nam vẫn chưa cung cấp được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn nào liên quan đến nguồn gốc lô hàng. Chính vì thế, lực lượng chức năng đã quyết định chuyển hồ sơ cho phía cơ quan điều tra để mở rộng, làm rõ.

Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, bước đầu, đơn vị đang làm thủ tục tiếp nhận và báo cáo cấp trên để có chỉ đạo tiếp theo. Sau khi có chỉ đạo, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh về nguồn gốc, thành phần hóa chất, nhãn mác và những thông tin từ lực lượng QLTT nêu. "Mỹ phẩm là mặt hàng có nhiều hóa chất, vì vậy, cần nhiều thời gian để giám định, phân tích. Dự kiến, việc kiểm tra, xác minh sẽ kéo dài trong vài tháng" - đại diện PC46 thông tin.

Theo thống kê của lực lượng QLTT, trong tổng số vụ kiểm tra vi phạm về kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm, tình trạng giả nhãn hiệu chiếm 50%, hàng kém chất lượng chiếm 22%, giả kiểu dáng, nguồn gốc xuất xứ 17%, số còn lại là hàng hóa nhập ngoại không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn