Một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế Bra-xin đi xuống đó là việc giảm nhu cầu các nguyên nhiên liệu thiết yếu của nhiều thị trường nhập khẩu quan trọng như Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, Nam Mỹ cùng với những bất ổn về chính trị sau khoảng thời gian dài Chính phủ đã chi tiêu công quá nhiều mà không có những chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.

Tình hình ngoại thương của Bra-xin

Nền kinh tế Bra-xin sau nhiều năm ổn định đã chứng kiến sự suy giảm mạnh vào năm 2015 với sự suy giảm quy mô tổng thu nhập quốc nội được ghi nhận ở mức 3,8%. Một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế Bra-xin đi xuống đó là việc giảm nhu cầu các nguyên nhiên liệu thiết yếu của nhiều thị trường nhập khẩu quan trọng như Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, Nam Mỹ cùng với những bất ổn về chính trị sau khoảng thời gian dài Chính phủ đã chi tiêu công quá nhiều mà không có những chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.

Đà suy thoái, theo nhận định của nhiều chuyên gia sẽ tiếp tục cho đến hết năm 2016 và phản ánh rõ nhất là trong lĩnh vực ngoại thương. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bra-xin trong Quý 1 năm 2016 chỉ đạt 72,75 tỉ USD, giảm 20,14% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy được hỗ trợ bởi đồng bản tệ (R) yếu hơn nhưng xuất khẩu vẫn suy giảm 5,17% so với Quý 1 năm 2015 khi chỉ đạt 40,57 tỉ USD. Đồng nội tệ yếu, giảm tới hơn 30% đã làm cho tình hình nhập khẩu của Bra-xin suy giảm nghiêm trọng. Nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 32,18 tỉ USD, giảm tới 33,40% so với 3 tháng đầu năm 2015.

Dự báo, tình hình kinh tế Bra-xin vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục khả quan, đồng nội tệ sẽ duy tri ở mức giá thấp, Chính phủ tiếp tục có những biện pháp tăng cường các nguồn thu đánh vào hàng hóa nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng nhập khẩu có thể bị hủy hoặc hoãn giao hàng.

Trao đổi thương mại hai chiều Bra-xin – Việt Nam

Như phân tích ở trên, suy thoái kinh tế của Bra-xin, đặc biệt là các khó khăn của các doanh nghiệp nhập khẩu đã làm ảnh hưởng rất lớn trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – Bra-xin trong Quý 1 năm 2016.

Cụ thể, theo số liệu của của Bộ Phát triển, Công nghiệp và Ngoại thương Bra-xin, trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch trao đổi thương mại với Việt Nam đạt 890,01 triệu USD, giảm tới 11,59% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam bị ảnh hưởng lớn, chỉ đạt 406,00 triệu USD, giảm tới 25,86%, xuất khẩu sang Việt Nam vẫn được hưởng lợi nhờ đồng tỉ giá của đồng nội tệ so với USD vẫn được duy tri ở mức thấp nên tiếp tục tăng trưởng ở mức 5,44%, đạt 484,01 triệu USD.

Bảng 1: Trao đổi thương mại hai chiều Bra-xin – Việt Nam

 

Sản phẩm cơ bản

Sản phẩm sơ chế

Sản phẩm chế tạo

Sản phẩm khác

Tổng cộng

Xuất khẩu

407,83

50,37

25,78

0,025

484,01

Nhập khẩu

32,32

1,20

372,48

0,00

406,00

Tổng XNK

440,15

51,57

398,26

0,025

890,01

 

Nguồn: Bộ PT, CN, NT Bra-xin

Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, do Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục nông nghiệp phục vụ cho sản xuất trong nước như ngô, đậu tương ... nên cán cân thương mại thường nghiêng về phía Bra-xin. Đặc biệt là mặt hàng ngô làm thức ăn chăn nuôi, năm 2015, Việt Nam nhập khẩu từ Braxin hơn 5 triệu tấn ngô (loại B2) làm thức ăn chăn nuôi, trị giá hơn 1,0 tỉ USD, chiếm gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam cũng đã nhập khẩu trên 1,5 triệu tấn ngô với tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu khoảng 260 triệu USD từ Bra-xin.

Về cơ cấu các mặt hàng trao đổi song phương, về tổng lượng cho thấy sự tương đối cân bằng giữa sản phẩm cơ bản (nông sản) và sản phẩm chế biến, chế tạo. 3 tháng đầu năm, hai nước trao đổi trên dưới 400 triệu USD trị giá hàng hóa cơ bản và các loại hàng hóa chế biến, chế tạo.

Cơ cấu hàng hóa cũng cho thấy tính bổ sung cao của hai nền kinh tế, Bra-xin chủ yếu xuất khẩu các loại hàng hóa cơ bản (tỉ trọng chiếm 84% xuất khẩu của Bra-xin sang Việt Nam). Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng hóa chế biến, chế tạo (chiếm 92% nhập khẩu của Bra-xin từ Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016). Điều này cho thấy tiềm năng trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất lớn vì mỗi nước đều có thế tận dụng tốt năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực có thế mạnh.

Tuy nhiên, tỉ trọng hàng sơ chế trong trao đổi thương mại song phương vẫn còn ở mức rất thấp, chỉ chiếm gần 6% tổng kim ngạch cho thấy tình hình đầu tư, hợp tác sản xuất công nghiệp giữa hai nước còn ở mức rất hạn chế.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương/ Thương vụ Việt Nam tại Bra-xin