Tại buổi họp báo kỷ niệm 15 năm thành lập Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) ngày 30/7 ở Hà Nội, ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch VAMA nhìn nhận, hiện nay chưa thể nói chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam thất bại mà tiềm năng tương đối lớn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng VAMA cùng hợp tác với Chính phủ và các cơ quan chức năng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp này.

Lý giải về việc tỷ lệ nội địa hóa xe không đạt yêu cầu theo quy hoạch, ông Yoshihisa Maruta cho biết, do quy mô thị trường nhỏ bé, dung lượng xe thấp và do thị trường tăng trưởng không được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, quy mô thị trường như thế nào thì mới phát triển, VAMA lại cho rằng, khó có thể đưa ra con số cụ thể bởi vấn đề này không phải là tổng số xe trên toàn thị trường mà còn phụ thuộc vào doanh số của từng mẫu xe.

Và triển vọng để phát triển thị trường xe sẽ vào năm 2021 hoặc năm 2022 - ôtô hóa bắt đầu, khi có chính sách đi kèm với sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô.

Liên quan đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, và vấn đề giá xe ở Việt Nam trong thời gian tới như thế nào so với các nước lân cận, liệu có giảm hay không, đại diện VAMA cho rằng, một chiếc xe ôtô ở Việt Nam có rất nhiều loại thuế và phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ… cùng nhiều yếu tố khác nên rất khó có thể nói trước thời điểm giá xe sẽ giảm.

Tuy nhiên, VAMA cũng như các doanh nghiệp sẽ nỗ lực để có giá xe cả hợp lý đối với người tiêu dùng. Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, VAMA bày tỏ mong muốn duy trì sản xuất tại Việt Nam và cho biết tiếp tục đề xuất lên Chính phủ để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất, xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu cũng như quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.

Nói về định hướng của VAMA trong giai đoạn tiếp theo, Chủ tịch VAMA ông Yoshihisa Maruta nhấn mạnh, trên con đường hội nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, hứa hẹn mang đến môi trường kinh doanh tốt hơn và quá trình xã hội hóa xe hơi đang đến gần.

Theo đó, thị trường ôtô sẽ lớn mạnh và phát triển cùng sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Và VAMA ý thức được vai trò quan trọng của mình trong giai đoạn phát triển này. Vì vậy, tất cả thành viên VAMA sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì và phát triển sản xuất trong nước.

“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các cơ quan chức năng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực quản lý sản xuất để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao tới khách hàng, đồng thời tích cực đóng góp cho tương lai phát triển ổn định của đất nước và con người Việt Nam,” Chủ tịch VAMA ông Yoshihisa Maruta nhấn mạnh.

Theo VAMA, trong 15 năm hình thành và phát triển, VAMA đã có những đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp ôtô nội địa nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế, xã hội Việt Nam nói chung.

Thành lập vào năm 2000 với 11 thành viên ban đầu, sản lượng sản xuất và doanh số bán của VAMA đạt 14.000 xe trong năm đầu hoạt động, nay đã vượt qua 130.000 xe hàng năm.

Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 91,711xe (gồm cả xe lắp ráp và nhập khẩu bởi các thành viên VAMA).

9 trong 10 mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng là các sản phẩm được lắp ráp trong nước. Chỉ trong năm 2014, VAMA đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 44.000 tỷ đồng (2 tỷ USD).

Hiện nay, các thành viên của VAMA đang hướng đến mục tiêu đưa tổng sản lượng sản xuất và doanh số bán trên 130.000 xe (lắp ráp) trong năm 2015.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng doanh số tích lũy của VAMA trong 15 năm qua đã vượt mốc 1.155.000 xe (lắp ráp).

Với số lượng xe xuất xưởng tăng hàng năm, hiện nay VAMA đã đáp ứng gần 80% nhu cầu xe du lịch và 60% nhu cầu xe thương mại tại thị trường Việt Nam…/

Theo TTXVN

Nguồn: TTXVN/Vietnam+