Đó là một trong những nội dung quan trọng được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế nhấn mạnh tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Cùng tham dự Diễn đàn có Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đồng chí Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Diễn đàn năm nay thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế: Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo UBND, đại diện các sở, ngành của 63 tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương trên cả nước; Đại sứ, Tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức Hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp tập đoàn lớn của Việt Nam như: Petrolimex, PVN, VietinBank, VietcomBank, Sabeco, Pvgas. Viettel, FPT…

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, so với giai đoạn trước khi gia nhập WTO, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta từ năm 2007 được thực hiện qua các tuyến đa dạng hơn, cụ thể:
Thứ nhất, tích cực tham gia thảo luận, hợp tác với các đối tác nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hệ thống tự do hóa thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO.
Thứ hai, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2015 và Kế hoạch hành động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn 2016-2025.
Thứ ba, chủ động ký kết các FTA song phương với các đối tác quan trọng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, v.v. Đi kèm với các hiệp định này là những cơ hội, khung khổ hợp tác sâu rộng với các đối tác về đầu tư và thương mại, phù hợp với lợi thế và định hướng phát triển của đất nước.
Thứ tư, tham gia Hiệp định FTA với tính chất nhiều bên. Nổi bật nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định này, 11 thành viên còn lại đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một kết quả quan trọng bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017 và có vai trò rất lớn của Việt Nam.
Thứ năm, chủ động, tận dụng tốt hơn cơ hội hợp tác – trên tinh thần tự nguyện, không ràng buộc – với các tổ chức, diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Kinh tế thế giới, v.v. Năm APEC 2017 đã thành công rực rỡ với vai trò tích cực của chủ nhà Việt Nam, thể hiện một tâm thế chủ động hơn của đất nước trong thúc đẩy hợp tác khu vực, là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương còn nhiều bất ổn.
Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Giai đoạn 2007-2017 chứng kiến nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA có trình độ/yêu cầu đa dạng phù hợp với năng lực của nhiều nhóm doanh nghiệp. Do đó, xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm. Dù thấp hơn so với giai đoạn 2000-2006 (19,4%/năm), song mức tăng trưởng này vẫn rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp (đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) đã tận dụng cơ hội từ các FTA và sự phục hồi kinh tế thế giới để đạt tăng trưởng xuất khẩu tới 21,5%. Kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2017 đã bằng 4 lần so với năm 2007.
Nhờ từng bước thực hiện hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Từ việc phụ thuộc nhiều vào biến động nhanh và mạnh trên thị trường thế giới, lạm phát đã được duy trì ở mức ổn định, hợp lý. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế đã phục hồi vững chắc hơn trong những năm gần đây, đi kèm với ít rủi ro về lạm phát và mất cân đối vĩ mô.
Nhập khẩu hàng hóa đã được định hướng để phục vụ tốt hơn nhu cầu đầu tư, sản xuất trong nước. Tốc độ nhập khẩu trung bình đạt 15,1%/năm trong giai đoạn 2007-2017, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (21,1%/năm).
Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nhập siêu so với GDP giảm liên tục từ mức 20% trong các năm 2007-2008 xuống còn 8,2% năm 2011, sau đó chuyển sang thặng dư trong khoảng từ 0,1-1,2% GDP trong các năm 2012-2017. Kết quả này có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 (thâm hụt thương mại trung bình khoảng 8% GDP).
Cùng với xu hướng mở rộng thương mại hàng hóa, nền kinh tế Việt Nam cũng đạt độ mở ngày càng lớn. Năm 2016 độ mở thương mại xấp xỉ 171%, cao hơn so với mức trước khủng hoảng tài chính thế giới (157,4% vào năm 2008).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng mạnh kể từ năm 2007, qua đó bổ sung đáng kể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn từ đầu năm 2007 đến tháng 11/2017 có hơn 18 nghìn dự án được cấp phép mới, tương đương 2,2 lần số dự án trong cả giai đoạn 1988-2006. Tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ năm 2007 đến nay đạt 296,4 tỷ USD, bằng 3,8 lần so với giai đoạn trước WTO. Kết quả này có nguyên nhân quan trọng từ: (i) gia tăng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài từ các FTA mà Việt Nam đã, đang đàm phán và thực hiện; và (ii) nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui trước những kết quả khả quan của nước ta trong tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế. Theo Thủ tướng, hiện nay chúng ta đã có nhiều sản phẩm tốt, chất lượng có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế; coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình hành động cụ thể tại các Bộ, ngành, địa phương, cần chú ý gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.
Theo Thủ tướng, Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hy vọng tất cả Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân nỗ lực và quyết tâm cao; các đối tác, bạn bè quốc tế tiếp tục ủng hộ để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, vững vàng tiến lên trong giai đoạn phát triển mới.

Diễn đàn có 3 phiên tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề nội dung hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đề xuất kiến nghị các giải pháp để Việt Nam tiếp tục hội nhập thành công: Toạ đàm 1: “Tổng quan tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam: Hành trình vươn ra biển lớn”; Toạ đàm 2: “Việt Nam trước những xu thế trong kinh tế và thương mại quốc tế”; Toạ đàm 3: “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay”.

Tính đến tháng 11/2017, có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu cũng đều là những đối tác thương mại chủ chốt trong các FTA khu vực, trong đó có Hàn Quốc (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư), Nhật Bản (15,5%), và Xinh-ga-po (13,2%).
Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương