Sáng nay ngày 5/10/2015, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (SHI) đã tiến hành ĐHCĐ bất thường 2015. Nội dung chính của cuộc họp ĐHCĐ bất thường hôm nay là kế hoạch huy động 200 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền và bầu lại BKS công ty.

Theo phương án trước đây đã được ĐHCĐ thường niên 2015 thông qua, SHI sẽ phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền. Mỗi trái phiếu phát hành kèm 1 chứng quyền – tương ứng mua vào tối đa 1 cổ phần phát hành thêm của SHI. Như vậy, số lượng cổ phần SHI phát hành thêm tối đa cho phương án này là 18 triệu đơn vị.

Với giá phát hành bằng mệnh giá, số tiền thu về của SHI ước đạt 180 tỷ đồng, sẽ được công ty huy động nhằm xây nhà máy trong nước (70 tỷ đồng) và ở Myanmar (110 tỷ đồng). SHI cho biết các nhà máy mới đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất của công ty trong thời gian tới.

Tuy nhiên, xét tình hình thực tế, nhu cầu di dời mảng sản xuất gia dụng từ nhà máy ở Phùng do nhà máy này đã hoạt động hết công suất và không thể đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời công ty phát sinh nhu cầu xây dựng nhà máy tại Nghệ An để đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thị tại các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa vào Quảng Bình. Thị trường này được SHI đánh giá đã và đang là một thị trường tăng trưởng thuộc loại nhanh và mạnh nhất của SHI trong thời gian qua.

Bên cạnh đó Sơn Hà có nhu cầu phân kỳ đầu tư nhà máy tại Myanmar nhằm giảm thiểu rủi ro cho cổ đông.

Chính vì vậy, thay vì phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền, SHI sẽ phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu dành chứng quyền. Trái phiếu được phát hành riêng lẻ. Số lượng cổ phiếu pha loãng tối đa không quá 20 triệu đơn vị. Phương án sử dụng 200 tỷ đồng trái phiếu cụ thể như sau:


Các thông số khác của đợt phát hành này như thời hạn trái phiếu, lãi suất được ủy quyền cho HĐQT công ty. Giá thực hiện quyền cũng được ủy quyền cho HĐQT, tuy nhiên không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2015.

8 tháng đầu năm 2015, Sơn Hà đạt được những kết quả đáng ghi nhận, với LNTT ước đạt 78,3 tỷ đồng. Trong khi đó, con số đạt được cả năm 2014 của SHI chỉ là 44,3 tỷ đồng.

Phát hành trái phiếu và những nghi ngại

Tại ĐHCĐ bất thường lần này, một cổ đông đặt câu hỏi, liệu để thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy, công ty có nhất thiết phải phát hành trái phiếu hay không? Và liệu nếu không phát hành trái phiếu thành công, SHI có tiến hành xây dựng các nhà máy, hoặc có phương án thay thế?

Chủ tọa ĐHCĐ, ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT cho biết trước đây công ty hơi “sa đà” vào các dự án ngoài ngành. Bản thân SHI cũng khó để giải thích cho các cổ đông về hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, bây giờ là thời gian Sơn Hà quay lại với hoạt động kinh doanh cốt lõi và mang lại kết quả khả quan. Việc xây dựng nhà máy đánh dấu bước trở lại của Sơn Hà.

Thị trường Myanmar được đánh giá là rất tiềm năng, như Việt Nam cách đây 15 năm, bắt đầu mở cửa. Ở đất nước này, vẫn còn không gian cho Sơn Hà cạnh tranh.

Nhu cầu nội địa cũng không kém những cơ hội tại Myanmar – ông Sơn cho biết.

Xây dựng nhà máy, mở rộng diện tích sản xuất là nhu cầu thiết thực của công ty, đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên vừa qua. Việc điều chỉnh lần này nhằm tăng quy mô trái phiếu, và điều chỉnh một chút về mục đích sử dụng vốn thu được.

Sơn Hà đang cố gắng thực hiện giải ngân trong năm nay.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu không phát hành trái phiếu thành công, thì SHI sẽ tiến hành vay ngân hàng. Mặc dù đã có các ngân hàng “ngỏ ý” cho vay, tuy nhiên đó là phương án mà Sơn Hà không hề mong muốn.

Một vấn đề đặt ra là trong trường hợp Sơn Hà phát hành thêm 20 triệu cổ phần cho trái chủ tương lai, chính Sơn Hà sẽ đứng trước nguy cơ "đổi chủ" khi nắm giữ khoảng 30% cổ phần công ty.

Ông Hà cho biết hiện các đối tác thương lượng mua trái phiếu của công ty là các quỹ đầu tư nước ngoài với mục đích đầu tư. Họ cam kết sau khi thực hiện quyền mua cổ phiếu SHI, sẽ tiến hành bán ra thị trường, hiện thực hóa lợi nhuận.

Trong trường hợp cam kết đó không được thực hiện, đó sẽ là bài toán dành cho HĐQT Sơn Hà. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết công ty chưa hề có ý định "đổi chủ".
Theo Đan Nguyên
Trí thức trẻ

Nguồn: Trí thức trẻ