Đó là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán: đánh giá của doanh nghiệp nhỏ và vừa" do VCCI tổ chức.

Theo ông Tuấn, vấn đề cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán là rất quan trọng khi Việt Nam vừa đàm phán thành công hiệp định TPP đồng thời tham gia kí kết nhiều hiệp định thương mại song phương, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều.

“Chúng tôi nhận thấy Chính phủ cũng phải cạnh tranh về chính sách, sẽ không công bằng khi thời gian giải quyết các thủ tục về thuế ở Việt Nam hết 872 giờ trong khi các nước trên thế giới hết hơn 100 giờ, thủ tục thông quan ở các nước chỉ mất một vài giờ mà ở Việt Nam mất 4-5 ngày, có sự khác biệt về thủ tục hành chính như vậy sẽ giảm cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho hay cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Hiện nay, thủ tục hành chính đã cải cách nhiều khâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Điều tra của VCCI công bố tháng 8/2015 có 71% doanh nghiệp hài lòng về cải cách thủ tục hành chính

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng về thủ tục kế toán, cải cách còn chậm hơn, còn tương đối cứng nhắc, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, chưa đảm bảo hiệu quả.

“Thay đổi cải cách là một quá trình, chúng ta đã có đường ray sẵn, hy vọng con tàu cải cách của Việt Nam đi nhanh và vững chắc hơn”, ông Tuấn nói.

Vế vấn cải cách thủ tục hành chính về thuế, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban, Ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế cho rằng: Thủ tục thuế ở nước ta còn nặng nề. Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 chùm giải pháp tập trung vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, hội kinh doanh.

Trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Đơn giản hóa về chính sách thuế; Thực hiện giải pháp giảm thiếu sự khác biệt giữa kế toán và thuế đồng thời giảm gánh nặng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đơn giản hóa thủ tục về mẫu biểu, tờ khai, thủ tục đăng kí kê khai, nộp thuế…; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thuế điện tử.

Hiện cơ quan thuế quản lý 530.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê có 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Nỗ lực cải cách thủ tục để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban, Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế khẳng định: “Mục tiêu cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo thuận lợi về thuế của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN 6 vào cuối 2015 và ASEAN 4 vào cuối 2016.

Hải Yến