Cổ phiếu tăng tốc

Thầm lặng nhưng đều đặn, cổ phiếu ngành ô tô đang tăng dữ dội bất chấp quy mô công ty trong ngành lớn hay nhỏ. Giá cổ phiếu của ông lớn như Savico (SVC) là tăng mạnh nhất trong tháng qua, đến gần 52%, song những anh nhỏ hơn cũng không kém cạnh, như Ô tô Hàng Xanh (HAX) cũng tăng đến gần 38%.

Thế nhưng, tốc độ tăng này chưa là gì nếu nhìn lại thời điểm này năm ngoái. Dù có nắm giữ cổ phiếu nhóm ngành ô tô hay không, hẳn ai cũng bất ngờ khi biết giá cổ phiếu của Ô Tô Trường Long (HTL) tăng gấp 7 lần so với năm ngoái, ô tô TMT (TMT) tăng gấp 3 còn HAX và Savico cũng đã tăng gấp đôi.

Hàng loạt cổ phiếu ô tô tăng lên cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành này, bao gồm cả những công ty hoạt động phân phối dòng xe con như Savico, xe tải nhẹ như HTL, HAX hay xe tải nặng như TMT hay Hoàng Huy (HHS).

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có 2 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 là HTL và HHS với điểm chung là đều vượt trội. Ví dụ như HTL, lợi nhuận trước thuế đã tăng gấp 3,6 lần, đi kèm theo quy mô doanh thu đã lên đến con số 1.260 tỉ đồng, mở rộng gấp 3 so với cùng kì.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của HHS cũng “khủng” không kém. Doanh thu của HHS đạt 2.796 tỉ đồng, tăng trưởng gấp 3,2 lần so với cùng kì. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế lên đến con số 441 tỉ đồng trong khi năm ngoái chỉ là 67 tỉ đồng. Trong con số lợi nhuận này, có 28% đến từ khoản lãi do mua lại một công ty ô tô khác.

Không chỉ có kết quả kinh doanh tốt, một điểm chung khác giữa HTL và HHS nữa là cả hai đều phân phối xe tải và xe chuyên dụng. Nếu như HHS độc quyền với thương hiệu Dongfeng (nhà sản xuất xe tải lớn nhất Trung Quốc và đứng thứ 2 thế giới), thì HTL lại sở hữu thương hiệu Hino. Thị trường xe tải ngày càng được tăng trưởng cao nhờ nhu cầu thực của nền kinh tế tăng lên, kim ngạch giao thương ngày càng nhiều hơn, nhưng một phần lớn cũng nhờ chính sách siết chặt lại hoạt động vận tải như quy định tải trọng và các tiêu chuẩn chở hàng khác hồi giữa năm ngoái.

Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại tính đến giữa năm cũng đều có kết quả khá thuận lợi và vượt kế hoạch ngay chỉ trong 6 tháng. Trong số này có thể kể đến Savico (SVC) sở hữu nhiều dòng xe con nổi tiếng như Ford, Toyota, GM, Suzuki, Hyundai... với lợi nhuận đã tăng gấp đôi so với cùng kì. Điều này cũng tương tự với HAX.

Có thể nói, cả 2 dòng xe thương mại lẫn xe cá nhân đều tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua và điều này đã thúc đẩy quy mô doanh thu, lợi nhuận ở các công ty ô tô. Bất kể là lắp ráp trong nước hay nhập khẩu, người Việt ngày càng mua ô tô nhiều hơn.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính chung 9 tháng đầu năm, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 163.400 chiếc, tăng đến 53% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số này, dòng xe du lịch tăng 40%, xe thương mại tăng 71% và xe chuyên dụng tăng 130%. Tình hình năm nay còn tăng trưởng mạnh hơn năm ngoái. Trước đó, cũng theo VAMA, sản lượng tiêu thụ toàn ngành năm 2014 đã tăng 43% so với cùng kỳ.

M&A sôi động

Một trong nhiều động lực đẩy giá cổ phiếu là các hoạt động M&A. Từ trước đến nay, M&A dù phổ biến với các ngành khác nhưng lại chưa rộng rãi trong ngành ô tô. Dù vậy, câu chuyện ngày nay đã khác.

Một ví dụ điển hình vẫn là Hoàng Huy. Công ty này là người chủ động đi M&A. Hồi tháng 3 vừa qua, HHS tiến hành sáp nhập Hoàng Giang, một công ty phân phối dòng xe tải Howo (Sinotruck) cũng có xuất xứ từ Trung Quốc và một phần nhỏ xe đầu kéo Freightliner (Mỹ). Ngoài câu chuyện được ngay lãi hơn trăm tỉ vào báo cáo kết quả kinh doanh, mục tiêu của HHS vẫn là đa dạng hóa các dòng xe nhập khẩu.

Chưa thỏa mãn với các dòng xe mới này, HHS đang phát hành thêm để tăng vốn liên tục và dồn tiền nhập xe về. Hiện nay, vốn chủ sở hữu của HHS là khoảng 1.475 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Hồi tháng 5, HHS đưa dòng xe Navistar (Mỹ) về và chính thức lăn bánh tại Việt Nam hồi tháng 8. Thương hiệu này cũng thuộc Top 3 thị trường bắc Mỹ, bên cạnh Freightliner và Paccar.

Trước đây, nhờ tận dụng dòng xe giá rẻ từ Trung Quốc, HHS nhanh chóng chiếm lấy thị phần. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng, thị phần của HHS (trong toàn bộ lĩnh vực xe tải và xe chuyên dụng nhập khẩu) nhanh chóng mở rộng từ mức 10,3% trong năm 2014 lên mức 17,3%, tính đến hết tháng 6/2015).

Nếu như HHS được đánh giá là công ty chủ động thì một công ty khác lại trở thành đối tượng của hoạt động M&A, đó là HTL. Hiện nay, công ty Chairatchakarn (Thái Lan) nhanh chóng tăng sở hữu lên 27,5% kể từ cuối năm ngoái sau 3 lần mua vào cổ phiếu. Tại thị trường Thái Lan, Chairatchakarn là nhà phân phối thương hiệu Toyota và Hino. Trong khi đó, ở phía ngược lại, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) lại giảm tỉ lệ sở hữu tại HTL từ 25,6% xuống còn 16%.

Hiện nay, giống như HHS, cơ cấu cổ đông tại HTL vẫn là công ty gia đình nắm giữ phần lớn cổ phần, cụ thể là 42,59%, theo Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2015. Ngày 9/11 sắp tới, HTL sẽ tiến hành Đại hội cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Chuyện nhảy vào HTL được xem như là bước đi thâm nhập đầu tiên của người Thái tại thị trường ô tô Việt Nam. Người Thái vốn nổi tiếng với nền công nghiệp ô tô và các lĩnh vực phụ trợ. Liệu HTL có được hưởng lợi từ ngành sản xuất này hay cũng chỉ tiếp tục phân phối? Trước đây, Sumitomo cũng chính là nhà chỉ định nhập khẩu thương hiệu xe cẩu Tadano từ Nhật Bản cho HTL.

Nhìn chung, sẽ không ngạc nhiên nếu ngành ô tô Việt Nam trong thời gian sắp tới chứng kiến thêm nhiều hoạt động M&A sôi động hơn. Người ta bàn nhiều đến lộ trình cắt giảm thuế quan của các Hiệp định Thương mại tự do tại Việt Nam, và cơ hội đối với ngành ô tô trong vài năm tới vẫn còn lớn khi thu nhập tăng song hành cùng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Theo Việt Anh
NDH




Nguồn: NDH