Theo Bộ Công thương, cho dù PVN và Gazprom Neft (GPN) đã ký thỏa thuận khung từ giữa năm 2014 về việc GPN mua lại 49% vốn điều lệ của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn song đến hai nay bên chưa thống nhất được các nội dung cuối cùng.

Đó là hai nội dung rất quan trọng: giá trị doanh nghiệp của BSR và thời gian thanh toán tiền nhận chuyển nhượng vốn góp tại BSR.

Trong trường hợp đàm phán với Gazprom Neft không thành công, PVN sẽ thực hiện cổ phần hóa BSR theo quy định của Nghị định 59/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Thực tế, những trục trặc trong quá trình đàm phán đã kéo dài suốt hơn một năm qua. Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang từng nói với báo chí rằng, nếu quá trình đàm phán bán cổ phần cho các đối tác Nga kéo dài quá lâu mà chưa có kết quả cuối cùng thì BSR phải tự quyết làm theo phương án của mình.

Dự án lọc hóa dầu Bình Sơn được đầu tư 100% vốn của PVN sau khi các đối tác ngoại, trong đó có đối tác Nga trong liên doanh ban đầu (Công ty Zarabezhnetft) rút lui khỏi dự án. Tại thời điểm 31-12-2014, BSR có vốn điều lệ là 35.000 tỉ đồng, với 1.400 lao động và là một trong sáu doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Nguồn nguyên liệu hoạt động của nhà máy chủ yếu là mỏ dầu Bạch Hổ do liên doanh Vietsopetro khai thác, cộng với nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông.

Sau 13 năm xây dựng và 5 năm vận hành thương mại, BSR không đạt hiệu quả đầu tư cao nếu không mở rộng quy mô của nhà máy. Do đó, Chính phủ đã phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy từ 6,5 triệu tấn sản phẩm hiện nay lên khoảng 10 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỉ đô la Mỹ.

PVN đã quyết định bán 49% cổ phần tại BSR để có tiền nâng cấp và mở rộng nhà máy, nâng khả năng cung cấp nhiên liệu xăng dầu cho nền kinh tế từ 30% hiện nay lên khoảng 50%.

PVN dự định khởi công giai đoạn hai của dự án trong năm nay nhưng quá trình đàm phán với đối tác Nga đã không diễn ra suôn sẻ với những vướng mắc nêu trên. Trong khi đó, nếu càng lùi thời gian nâng cấp dự án thì việc kêu gọi vốn sẽ càng không dễ dàng và hiệu quả khai thác dự án tiếp tục chậm lại do thời gian đầu tư giai đoạn hai dự kiến kéo dài 5 đến 6 năm.

Từ khi đi vào hoạt động năem 2010 đến nay, theo báo cáo của PVN, BSR có lãi. Như năm 2013 lãi gần 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, số lãi mà BSR được hưởng từ những năm qua nhờ cơ chế ưu đãi rất lớn: được giữ lại thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG… Nếu mức thuế nhà nước áp dụng thấp hơn thì PVN sẽ cấp bù lỗ cho BSR và số tiền đó được PVN hạch toán vào lợi nhuận trước thuế. PVN cũng có quyền cấp bổ sung vốn điều lệ cho BSR lấy từ nguồn 50% lãi dầu khí chia cho nước chủ nhà để lại hàng năm cho tập đoàn tái đầu tư. Các ưu đãi này cho BSR sẽ kéo dài hết năm 2018.

Nguồn: TBKTSG