Từ báo cáo kiểm toán của PVX

Tại cuộc trao đổi nghiệp vụ do Hội Kiểm toán viên hành nghề tổ chức tuần qua, báo cáo kiểm toán cho BCTC 2014 của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC, mã PVX) do Deloitte thực hiện đã được đưa ra làm ví dụ tranh luận. Mặc dù báo cáo này đã được xóa tên DN trước khi dùng làm ví dụ để mổ xẻ, nhưng không khó để những người quan tâm đến lĩnh vực chứng khoán, TTCK nhận ra tên DN.

Người đưa ví dụ này ra có quan điểm rằng, với nhiều điểm nhấn mạnh như báo cáo đã nêu thì nếu làm đúng, kiểm toán viên phải đưa ý kiến ngoại trừ.

Lãnh đạo một công ty kiểm toán khác thì cho rằng, với những điểm nhấn mạnh như vậy, kiểm toán viên phải đưa ý kiến ngoại trừ, bởi các vấn đề đã được nêu mặc dù không được kiểm toán lượng hóa trong báo cáo kiểm toán, nhưng không quá khó để người đọc có thể đánh giá và thấy rằng nó có thể dẫn đến thay đổi lớn kết quả kinh doanh trong kỳ của DN, thậm chí đang lãi chuyển thành lỗ.

“Những nội dung đó không phù hợp để nhấn mạnh”, một thành viên cuộc họp nhận xét.

Báo cáo kiểm toán của Big 4 cũng có vấn đề?

Trên thực tế, PVX không phải là trường hợp đầu tiên một báo cáo kiểm toán được thực hiện bởi công ty kiểm toán thuộc Big 4 được lôi ra mổ xẻ và cho rằng… có vấn đề.

Lãnh đạo một công ty kiểm toán cũng nói rằng: Deloitte thực hiện BCTC cho Ocean Bank nhưng cũng không đưa ra cảnh báo gì để các cổ đông và NĐT cũng như công chúng nắm được sức khỏe ngân hàng. Chỉ đến khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, thị trường mới té ngửa chuyện ngân hàng này âm vốn chủ. Tương tự là trường hợp E&Y kiểm toán cho Habubank trước đây. Báo cáo kiểm toán của Habubank trước đó vẫn đưa ngân hàng lãi, chỉ đến khi họp ĐHCĐ của Habubank công bố thông tin sáp nhập vào SHB, thực trạng tài chính của Habubank mới được phơi bày.

“Với cách làm việc của kiểm toán viên như vậy, liệu có khiến công chúng hoài nghi vào kết quả kiểm toán?”, vị này nhận xét.

Còn nhớ, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) ngày 28/4/2012, rất nhiều cổ đông đã choáng váng khi biết, vốn chủ sở hữu của Habubank chỉ còn 195 tỷ đồng trên vốn điều lệ 4.050 tỷ đồng, bởi chỉ ngay trước đó, các cổ đông ghi nhận con số vốn chủ sở hữu lên tới trên 4.100 tỷ đồng trong BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2011 được kiểm toán bởi E&Y, ký ngày 28/2/2012.

Trả lời thắc mắc của cổ đông tại cuộc họp đó về việc tại sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa kết quả hoạt động kinh doanh trên BCTC kiểm toán và theo kết quả rà soát của NHNN, ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch HĐQT Habubank khi đó trả lời, E&Y đánh giá dựa trên chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), còn phía NHNN đánh giá trên cơ sở tính mức rủi ro cao nhất. Nhưng, với sự khác biệt quá lớn về vốn chủ sở hữu, kèm theo một báo cáo kiểm toán hoàn toàn sạch, tâm trạng “sốc” trước thực trạng của Habubank có lẽ không chỉ của các cổ đông có mặt tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm đó, mà của chung toàn thị trường.

Tương tự như vậy, với câu chuyện của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank).

Một năm về trước, trong BCTC kiểm toán của Ocean Bank được ký bởi Deloitte ngày 31/3/2014, tình hình tài chính của Ngân hàng cũng được phản ánh khá đẹp, với kết quả kinh doanh có lãi, vốn chủ sở hữu đạt trên 4.354 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán cho BCTC này cũng được đơn vị kiểm toán là Deloitte cho là “đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của ngân hàng”, với chỉ một điểm… nhấn mạnh mà không kèm theo bất cứ đánh giá tác động nào.

“Chúng tôi xin lưu ý người đọc tới Thuyết minh số 8 và Thuyết minh số 9 của phần Thuyết minh BCTC, tại ngày 31/12/2013, Ngân hàng nắm giữ các khoản tiền gửi và dư nợ tín dụng của Ngân hàng đối với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (“SBIC”) (trước đây là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam-Vinashin) và một số công ty thuộc SBIC đã quá hạn thanh toán.
Tuy nhiên, trong năm 2013, căn cứ vào văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về xem xét khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của SBIC và cho phép tổ chức tín dụng được trích lập dự phòng cụ thể phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, Ngân hàng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo, giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại, thoái toàn bộ lãi dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ và phải thu trên cơ sở phù hợp với khả năng tài chính của Ngân hàng”, báo cáo kiểm toán viết.

Thế nhưng, 1 năm sau nhìn lại, công chúng đầu tư mới tá hỏa vì hóa ra, thực trạng tài chính ngân hàng không đẹp như họ tưởng! Không hiểu, cổ đông mất tiền thuê kiểm toán để làm gì?

Sẽ tăng cường “nhặt sạn” báo cáo kiểm toán


Tại cuộc họp, đa số đại diện cho giới kiểm toán viên đều cho rằng, bản chất của vấn đề tại PVX là ngoại trừ, còn thông thường các báo cáo kiểm toán đưa vấn đề nhấn mạnh thì chỉ 2 - 3 ý. Việc đưa như báo cáo này không hề xác định mức độ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh hay hoạt động của DN là không phù hợp.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính cho rằng: kiểm toán viên cần đưa ý kiến trái ngược trong báo cáo kiểm toán thay vì chỉ nhấn mạnh.

Các công ty kiểm toán cũng chất vấn đại diện Hội Kiểm toán viên hành nghề và nhận xét rằng: hàng năm Hội đều nhặt sạn, bắt lỗi các báo cáo kiểm toán được công bố nhưng phần lớn chỉ tập trung vào nhặt lỗi chính tả, còn những lỗi nghiệp vụ, không hiểu cố ý hay vô tình đều rất ít khi được đề cập.

Lãnh đạo một công ty kiểm toán đã nhận xét rằng, báo cáo kiểm toán này không hợp lý và đặt câu hỏi tại sao Hội Kiểm toán viên hành nghề không đưa báo cáo này ra khi nhặt lỗi các BCTC kiểm toán?

Trả lời vấn đề này, đại diện Hội Kiểm toán viên hành nghề cho rằng, thông thường, những báo cáo kiểm toán có vấn đề thường công bố rất muộn, đợt nhặt lỗi của Hội làm trước nên những báo cáo này ít khi được đưa vào nhận xét. Trước những nhận xét gay gắt tại cuộc họp, đại diện của Hội rút kinh nghiệm “năm sau Hội sẽ chia thành 2 đợt, một đợt làm trước và một đợt làm thật muộn để xem xét được nhiều báo cáo có vấn đề hơn”.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan