Dịch virus này làm mọi người liên tưởng tới Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2002-2003, cũng bắt đầu ở Trung Quốc, làm chết khoảng 800 người trên toàn cầu, và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và kinh tế của quốc Trung Quốc.
Tính đến sáng 3/2, số người nhiễm chủng virus Corona mới (2019 nCoV) tại Trung Quốc đã vượt qua con số 17.200 người, trong đó 361 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và 1 trường hợp tại Philippines. Tại Việt Nam, theo tin từ trang Tuổi trẻ online, sáng 2/2, Bộ Y tế xác nhận Việt Nam ghi nhận thêm một ca dương tính với virus corona mới, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 7 trường hợp.
Trung Quốc là nước nhập khẩu và tiêu thụ tốp đầu thế giới đối với hàng loạt mặt hàng như xăng dầu, sắt thép, kim loại, cao su…. , đồng thời cũng là nước sản xuất lớn đối với một số mặt hàng như linh kiện điện tử. Do đó, khi nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu.
Giá dầu có thể giảm 3 USD
Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sụt giảm do dịch virus Coronoa có thể khiến giá dầu thô thế giới giảm khoảng 3 USD/thùng, làm gia tăng lo ngại cho thị trường vốn đang chứa đựng rất nhiều bất ổn này.
Theo Goldman, dịch virus lần này có thể khiến nhu cầu dầu thô thế giới giảm trung bình khoảng 260.000 thùng mỗi ngày, trong đó riêng nhu cầu nhiên liệu jet dùng cho máy bay giảm khoảng 170.000 thùng/ngày. Nếu dịch bệnh lan rộng ra các nước Châu Á khác, nhu cầu nhiên liệu cho ngành hàng không sẽ còn giảm mạnh hơn nữa.
Chỉ trong vòng một tuần sau khi virus bùng phát, giá dầu Brent giảm 6,4% - nhiều nhất kể từ ngày 21/12/2018 - xuống 60,69 USD/thùng; dầu WTI giảm 7,4% - nhiều nhất kể từ ngày 19/7/2019 – xuống 54,19 USD/thùng. Tới thời điểm 3/1/2020, giá dầu Brent chỉ còn khoảng 56 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm còn khoảng 51 USD/thùng.
Nhu cầu đồng, sắt và thép có thể giảm sút
Sau khi dịch virus bùng phát chỉ trong một tuần, giá đồng giảm trên 5% do lo sợ dịch bệnh do virus corona lây lan ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Trung Quốc cũng như tới nhu cầu các kim loại. Mức giảm này là nhiều nhất kể từ tháng 1/2015. Trên sàn London (LME), trong khoảng 20 – 25/1/2020, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng chỉ còn 5.925 USD/tấn. Tiếp tục xu hướng này, ngày 3/2/2019 giá chỉ còn 5.661 USD/tấn.
Giới đầu tư bán mạnh đồng ra, khiến lượng đồng lưu kho trên sàn LME tăng mạnh thêm hơn 5% trong tuần tới 24/1, lên 190.075 tấn; lượng đồng lưu trữ ở Trung Quốc cũng tăng 15% lên 155.839 tấn, cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Đối với nhóm hàng sắt thép, ngành xây dựng Trung Quốc thường bắt đầu sôi động từ sau Tết âm lịch. Tuy nhiên, việc phong tỏa một số ổ dịch và hạn chế việc đi lại của người dân sẽ khiến hoạt động xây dựng bị trì trệ, nhu cầu sắt thép theo đó cũng giảm sút. Hoạt động xây dựng ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu dịch virus corona lan rộng, mặc dù còn hơi sớm để đánh giá tác động đối với lĩnh vực này.
Giá quặng sắt và thép năm 2019 đã tăng trưởng mạnh, trong đó quặng sắt có thời điểm cao nhất 5 năm do nguồn cung khan hiếm ở 6 thàng đầu năm khi Brazil đóng cửa mỏ khai thác vì sự cố vỡ đập nghiêm trọng và lốc xoáy nhiệt đới ở Australia cản trở hoạt động khai thác mỏ. Tháng 7/2019, quặng sắt hàm lượng 62% đạt 125,2 USD/tấn, trước khi giảm dần về 78,15 USD/tấn vào tháng 11/2019. Mùa Đông hoạt động xây dựng ở Trung Quốc chậm lại nên nhu cầu sắt thép giảm xuống, nhưng sẽ tăng dần từ mùa xuân để lại giảm nhẹ trong mùa hè. Ngày 23/1/2020, quặng 62% có giá 96,8 USD/tấn (tăng trên 20% so với thời điểm thấp nhất của năm 2019 là tháng 11, nhưng mới chỉ bằng một nửa mức tăng 41% của mùa Đông năm 2018, khi giá quặng 62% tăng từ 64,6 USD/tấn tháng 11/2018 lên 90,75 USD/tấn tháng 2/2019). Ngày 3/2/2020, giá loại quặng này còn 92 USD/tấn.
Tốc độ tăng giá quặng sắt mùa đông này thấp hơn mùa đông trước cho thấy triển vọng thị trường quặng sắt cũng như thép Trung Quốc sắp tới có nhiều yếu tố bất chắc.
Ngành TV và smartphone bị ảnh hưởng
Strategy Analytics dự báo thương mại điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu năm 2020 có thể giảm 2% so với dự kiến do sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chế tạo và cung cấp smartphone toàn cầu.
Strategy Analytics đánh giá rằng dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới Trung Quốc và nền kinh tế thế giới, qua đó sẽ ảnh hưởng đến thương mại smartphone toàn cầu do kinh tế tăng trưởng chậm lại và chi tiêu tiêu dùng suy yếu.
Sự lây lan của dịch virus Corona cũng sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất và cung ứng smartphone ở Trung Quốc – nơi sản xuất 70% tổng số smartphone cung cấp trên toàn thế giới. Xuất khẩu smartphone của Trung Quốc trong năm nay dự báo sẽ giảm 5% so với dự kiến do ảnh hưởng của dịch virus Corona. Trong số những hãng sản xuất smartphone, Apple lo ngại nhiều nhất bởi đặt cơ sở sản xuất tập trung ở Trung Quốc. 

Nguồn: VITIC