Các số liệu cập nhật về diễn biến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các quốc gia ngoài Trung Quốc khiến giới đầu tư lo ngại sự lây lan nhanh của dịch bệnh có thể làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Vào đầu tuần này, lần đầu tiên số liệu ghi nhận số ca nhiễm mới dịch COVID-19 tại các quốc gia ngoài Trung Quốc tăng vượt số ca ghi nhận tại chính nước này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/2 cảnh báo các quốc gia không nên mắc sai lầm trong việc giả định nước mình an toàn khỏi dịch COVID-19, trong bối cảnh chính phủ các nước, trong đó có Iran và Australia, đang chạy đua để khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục giảm phiên thứ năm liên tiếp xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua do tình hình dịch bệnh gia tăng bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc giảm 2,3% xuống 52,18 USD/thùng; dầu Mỹ (WTI) giảm 3,4%, xuống đóng phiên ở mức 47,09 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019. Giá xăng tại Mỹ giảm 5,5% xuống 1,3742 USD/gallon, thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2019. Giá dầu sưởi giảm 0,7% xuống 1,4892 USD/gallon, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017.
Hoạt động giao dịch ảm đạm tại các thị trường dầu cho thấy giới đầu tư đã dự tính về một giai đoạn dư thừa nguồn cung kéo dài, với nhu cầu đối với “vàng đen” bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 đã lan sang các nền kinh tế lớn, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy.
Thị trường dầu đang dõi theo quyết định về chính sách sản lượng, dự kiến sẽ được Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, đưa ra tại cuộc họp vào ngày 5-6/3 ở Vienna (Áo). Các nước sản xuất trong và ngoài OPEC hiện đang cắt giảm nguồn cung khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày nhằm hỗ trợ cho giá dầu.
Consultants Facts Global Energy dự báo nhu cầu dầu năm 2020 sẽ tăng 60.000 thùng dầu/ngày - mức được coi là không tăng trên thực tế, do tác động kinh tế của dịch COVID-19.
Các nguồn tin thân cận cho biết Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ giảm nguồn cung cấp dầu sang Trung Quốc ít nhất 500.000 thùng/ngày trong tháng 3/2020 do nhu cầu lọc dầu tại đây sụt giảm vì dịch COVID-19.
Trên thị trường kim loại quý, gía vàng tăng nhẹ giữa bối cảnh các nhà đầu tư tiến hành chốt lời sau khi giá kim loại quý này tăng, và lo ngại dịch COVID-19 sẽ tác động xấu đến kinh tế toàn cầu.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.645,59 USD/ounce; vàng kỳ hạn tương đối vững ở mức 1.642,50 USD/ounce.
Chuyên gia Daniel Ghali, thuộc TD Securities, cho hay việc các nhà đầu tư mua vàng và tìm thời điểm để bán giữ cho vàng không tăng giá cao hơn, dù thực tế thị trường chứng khoán đang tiếp tục diễn ra tình trạng bán tháo. Các chỉ số chính của Phố Wall ghi nhận phiên giảm thứ sáu liên tiếp, trong khi trái phiếu Mỹ có mức lợi suất thấp kỷ lục.
Trong khi đó, ông Jeffrey Christian, thuôc CPM Group, nhận xét không ai có thể biết được tác động xấu của dịch COVID-19 sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng hoạt động kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới đang chậm lại. Theo chuyên gia Jeffrey Christian, để ứng phó với tình trạng này, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ có xu hướng cắt giảm lãi suất xuống thấp hơn và tăng mua trái phiếu để tăng thanh khoản, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Còn theo chuyên gia phân tích thị trường Edward Moya của hãng môi giới OANDA, giá vàng sẽ hướng tới mức giá 1.700 USD/ounce trong vài tuần tới, khi sự bùng phát dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn.
Về những kim loại quý khác, giá palađi) tăng 1,4% lên 2.828,61 USD/ounce, sau khi tăng lên mức kỷ lục 2.847,50 USD/ounce vào đầu phiên. Trong khi đó, giá bạc giảm 0,7% xuống 17,76 USD/ounce, còn giá bạch kim để mất 0,8% xuống 903,26 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do lo ngại virus corona lây lan ngoài Trung Quốc, đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu kim loại công nghiệp. Đồng trên sàn London giảm 1% xuống 5.616 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá đồng chạm 5.574,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 4/2/2020. Tính đến nay giá đồng giảm hơn 10% kể từ giữa tháng 1/2020. Giá đồng cũng chịu áp lực giảm bởi dự trữ đồng tại Thượng Hải đạt mức cao nhất gần 2 năm (298.619 tấn) vào cuối tuần trước và dự trữ đồng tại London đạt 220.000 tấn, cao nhất 3 tháng.
Trong khi đó, giá nhôm trên sàn London giảm 0,4% xuống 1.690 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 1.682,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore giảm do tồn trữ thép tại Trung Quốc tăng mạnh, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu làm gia tăng mối lo ngại các nhà máy thép sẽ duy trì hoạt động mua quặng sắt ở mức tối thiểu trong 1 thời gian.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên giảm phiên thứ 3 liên tiếp, giảm 3,6% xuống 633 CNY (90,26 USD)/tấn, do tồn trữ thép tại Trung Quốc kể từ đầu năm tăng 173% lên 21,6 triệu tấn. Dự trữ thép tăng do sản lượng thép của nước này trong tháng 1/2020 tăng 7,2% so với tháng 1/2019, trong khi nhu cầu thép thương mại giảm do nghỉ Tết Nguyên đán và các hạn chế mà Trung Quốc áp đặt nhằm chống lại virus corona bùng phát. Đồng thời, giá quặng sắt tại Singapore giảm 2,3% xuống 83,91 USD/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,3%, thép cuộn cán nóng giảm 0,9% và thép không gỉ giảm 0,8%.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,8 US cent tương đương 0,7% lên 1,114 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 5/2020 không thay đổi ở mức 1.295 USD/tấn.
Ở Châu Á, giá cà phê tại Việt Nam tăng cao do nguồn cung khan hiếm, trong khi hoạt động giao dịch tại Indonesia vẫn trầm lắng.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen&vỡ) được chào giá cộng 130 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 125 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 32.000 đồng (1,38 USD)/kg, tăng so với 31.500 đ/kg hồi tuần trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2020 ước đạt 150.000 tấn, tăng nhẹ so với 145.000 tấn tháng trước đó. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ giảm trong 2 tháng tới do nguồn cung khan hiếm.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 350 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn London, giảm so với mức cộng 340-400 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Giá đường giảm xuống mức thấp nhất gần 1 tháng do các trường hợp nhiễm virus corona mới ngoài Trung Quốc tăng có thể thành đại dịch, điều này đã làm chậm nền kinh tế toàn cầu.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,6 US cent tương đương 3,8% xuống 14,23 US cent/lb, thấp nhất gần 1 tháng. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 9,3 USD tương đương 2,3% xuống 396,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 1/2020 (396,5 USD/tấn).
Về nhóm ngũ cốc, giá ngô tại Mỹ giảm và giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tháng, theo xu hướng thị trường chứng khoán và năng lượng giảm, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại virus corona bùng phát trở thành đại dịch.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 6-1/2 US cent xuống 3,68 USD/bushel. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 8-1/4 US cent xuống 5,27-1/2 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 12/12/2019. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 3 US cent lên 8,95 USD/bushel, trong đầu phiên giao dịch chạm 8,78-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 23/5/2019.
Giá đậu tương giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng song cuối phiên hồi phục trở lại, trong khi giá khô đậu tương tăng do kỳ vọng Argentina sẽ tăng thuế xuất khẩu nông sản, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ. Tuy nhiên, triển vọng vụ thu hoạch đậu tương Brazil trong vài tuần tới đạt mức cao kỷ lục đã hạn chế đà tăng giá đậu tương.
Đồng real Brazil – nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới – suy giảm và đồng RUB Nga – nước cung cấp lúa mì hàng đầu thế giới – giảm đã gây áp lực thị trường, vì khi các đồng tiền này suy yếu có thể khiến xuất khẩu nông sản của Mỹ khó cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Giá cao su tại Tokyo giảm do lo ngại virus corona bùng phát thành đại dịch, sau khi các trường hợp nhiễm virus mới ngoài Trung Quốc – lần đầu tiên – vượt các ca nhiễm mới tại nước này. Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn TOCOM giảm 2,5 JPY xuống 180,4 JPY (1,64 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 180 CNY xuống 11.235 CNY (1.603 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 28/2 (giờ VN)

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

46,23

-0,86

-1,83%

Dầu Brent

USD/thùng

52,18

-1,25

-2,34%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

34.130,00

-890,00

-2,54%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,74

-0,01

-0,68%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

139,54

-1,52

-1,08%

Dầu đốt

US cent/gallon

146,21

-2,71

-1,82%

Dầu khí

USD/tấn

444,00

-1,25

-0,28%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

49.740,00

-960,00

-1,89%

Vàng New York

USD/ounce

1.644,20

+1,70

+0,10%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.771,00

-67,00

-1,15%

Bạc New York

USD/ounce

17,59

-0,14

-0,82%

Bạc TOCOM

JPY/g

61,70

-2,60

-4,04%

Bạch kim

USD/ounce

893,48

-9,56

-1,06%

Palađi

USD/ounce

2.807,56

-58,64

-2,05%

Đồng New York

US cent/lb

256.85

-0.50

-0.19%

Đồng LME

USD/tấn

5,670.00

-15.00

-0.26%

Nhôm LME

USD/tấn

1,696.00

-7.00

-0.41%

Kẽm LME

USD/tấn

2,046.00

+17.00

+0.84%

Thiếc LME

USD/tấn

16,680.00

-45.00

-0.27%

Ngô

US cent/bushel

367,50

-0,50

-0,14%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

525,25

-2,25

-0,43%

Lúa mạch

US cent/bushel

282,00

+2,25

+0,80%

Gạo thô

USD/cwt

13,60

+0,03

+0,22%

Đậu tương

US cent/bushel

892,50

-2,50

-0,28%

Khô đậu tương

USD/tấn

303,70

+0,10

+0,03%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,12

-0,07

-0,24%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

456,30

-0,30

-0,07%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.745,00

+6,00

+0,22%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

109,75

-0,90

-0,81%

Đường thô

US cent/lb

14,20

-0,34

-2,34%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

95,05

-2,10

-2,16%

Bông

US cent/lb

62,50

-2,97

-4,54%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

428,00

-17,00

-3,82%

Cao su TOCOM

JPY/kg

175,90

-4,50

-2,49%

Ethanol CME

USD/gallon

1,25

-0,03

-2,05%

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg