Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm vì nhu cầu dầu và các sản phẩm dầu đang giảm trên toàn cầu và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn vì dịch bệnh có nguy cơ kéo dài nhiều tháng.
Giá dầu Brent trong phiên vừa qua trở nên rẻ nhất trong vòng gần 18 năm, còn dầu thô Mỹ xuống dưới 20 USD/thùng. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 2,17 USD (8,7%) xuống 22,76 USD/thùng, mức thấp chưa từng có kể từ tháng 11/2002; dầu Tây Texas giảm 1,42 USD, tương đương 6,6%, xuống 20,09 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2002. Trong phiên có lúc WTI xuống dưới 20 USD/thùng.
Nhà phân tích năng lượng Eugen Weinberg tại Commerzbank Research nhận định, các ước tính về nhu cầu dầu đang được điều chỉnh giảm gần như hàng ngày, trong khi về phía nguồn cung “vàng đen” thì bất đồng giữa hai nước sản xuất dầu lớn trên thế giới là Saudi Arabia và Nga vẫn chưa kết thúc.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol tuần trước cảnh báo nhu cầu dầu thế giới có thể giảm tới 20 triệu thùng/ngày, tương đương 20%, trong năm 2020, do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được áp dụng ở các nước trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất trên toàn cầu đình trệ.
Đầu tháng 3/2020, việc không đạt được thỏa thuận cắt giảm thêm sản lượng dầu giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh do Nga đứng đầu đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến giá cả có thể xảy ra trong thời gian tới. Sau đó, Saudi Arabia - một nước sản xuất dầu chủ chốt của OPEC - và Nga đã tuyên bố tăng mạnh sản lượng dầu, thị trường tháng tới dự kiến sẽ ‘tràn ngập’ dầu đến từ Saudi Arabia và Nga, giữa bối cảnh các nước sản xuất và các nhà vận tải sắp hết chỗ chứa dầu do nhu cầu không ngừng đi xuống.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 30/3/2020 do nhu cầu yếu trên toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu của một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, giảm sút do lĩnh vực công nghiệp đình trệ.
Giá LNG giao tới thị trường Đông Bắc Á giảm xuống 2,622 USD/đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Đây là mức thấp kỷ lục mới. Cách đây 2 tuần, ngày 14/3, giá LNG đã chạm mức thấp kỷ lục 2,713 USD/mmBtu. Kể từ đó, giá vẫn tiếp tục xu hướng giảm do nhu cầu sa sút từ phía Trung Quốc – nước nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới.
Tuần này, giá giảm sâu thêm nữa sau khi các nhà nhập khẩu Ấn Độ tuyên bố ‘bất khả kháng’ trong việc nhập khẩu do lệnh phong tỏa toàn quốc. Điều này xảy ra giữa lúc nhu cầu ở Châu Âu cũng sụt giảm do tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng. Thị trường LNG thế giới trở nên dư thừa nguồn cung.
Giá dầu giảm càng gây áp lực lên LNG. Hầu hết các hợp đồng LNG kỳ hạn xa của thị trường Châu Á đều có liên quan đến giá dầu. Giá dầu Brent ngày 30/3 có lúc đã giảm xuống mức thấp nhất 18 năm.
Giá than nhiệt tại Trung Quốc trong tuần qua giảm sút. Hợp đồng tham chiếu cho các cảng biển chủ chốt ở miền Bắc Trung Quốc (Chỉ số Bohai-Rim Steam-Coal Price Index (BSPI) – ngày 27/3 đã giảm xuống 551 CNY (khoảng 77,8 USD)/tấn, thấp hơn 4 CNY so với một tuần trước đó.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng biến động trái chiều.
Giá vàng giao ngay đi lên trong phiên vừa qua sau khi Mỹ gia tăng việc cách ly người dân để ngăn chặn virus corona, gây lo ngại kinh tế nước này có thể suy yếu nghiêm trọng, khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang những tài sản an toàn như vàng. Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.618 USD/ounce.
Tuy nhiên, vàng giao sau sụt giảm. Giá vàng kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 0,2% xuống 1.622 USD/ounce; vàng giao tháng 6/2020 giảm 10,9 USD (0,66%) xuống 1.643,2 USD/ounce. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số đồng USD tăng 0,9 (0,91%) lên 99,26 vào lúc 1755 GMT ( 1h sáng ngày 31/3 theo giờ Việt Nam). Giá vàng cũng chịu áp lực khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 376,42 điểm, tương đương 1,74% lên 22.013,20 điểm.
Mặc dù vậy, tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 6,8%, là quý tăng giá thứ 6 liên tiếp. Còn tính từ đầu tháng 3 tới nay, giá cũng tăng 2,2%, mặc dù trải qua nhiều phiên biến động rất mạnh.
Nhiều nhà phân tích lưu ý rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu, từng làm giá vàng tăng trong những tuần trước, đã được giải quyết và không còn ảnh hưởng đến giá giao dịch của kim loại quý này.
Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố hỗ trợ giá vàng. Người phụ trách hoạt động giao dịch kim loại cơ bản và kim loại quý của BMO, ông Tai Wong nhận định giá vàng sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi bởi những chính sách cách ly để kiểm soát virus, ít nhất từ nay đến 30/4, và trong giai đoạn đó, giá chắc chắn sẽ duy trì khoảng 1.600 – 1.610 USD/ounce.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 5/2020 đã giảm 40,2 US cent (2,77%) xuống 14,132 USD/ounce, giá bạch kim giao tháng 7/2020 cũng giảm 17,8 USD (2,4%) xuống 723,8 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm vừa chạm mức thấp nhất trong vòng 4 năm do lo ngại việc các nhà máy trên toàn cầu đóng cửa lâu dài sẽ khiến nhu cầu các kim loại công nghiệp giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,1% xuống 1.529 USD/tấn. Lúc đầu phiên vừa qua, kim loại này – được sử dụng phổ biến trong ngành vận tải và bao bì – có lúc chỉ 1.526,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 4/2016.
Doanh số bán ô tô ở Trung Quốc – thị trường xe hơi lớn nhất thế giới – đã giảm trong tháng 2 vừa qua do người tiêu dùng không ra khỏi nhà. Các hãng sản xuất ô tô cũng đang phải dừng hoạt động ở các nhà máy trên toàn Châu Âu và Mỹ.
Giá quặng sắt trên cả 2 thị trường Trung Quốc và Singapore đều giảm trong phiên giao dịch vừa qua do giới đầu tư nghi ngờ về hiệu quả của những chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn trên toàn cầu, cho rằng không đủ để vực dậy nền kinh tế thế giới đang tổn thương nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Trên sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 5 giá giảm 2,3% xuống 645,5 CNY (90,95 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc giảm 3,3% trong cùng ngày. Quặng sắt kỳ hạn tháng 4 trên sàn Singapore giảm 2,9% cũng trong phiên vừa qua.
Nỗi lo về nhu cầu yếu cũng ảnh hưởng tới giá thép tại Trung Quốc – nơi chiếm hơn một nửa tổng sản lượng thép thế giới và là nước xuất khẩu kim loại đen hàng đầu thế giới. Thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 1,5% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,5% trong phiên vừa qua. Thép không gỉ giảm 1%.
Hai nhà kinh tế Prakash Sakpal và Nicholas Mapa của hãn ING nhận định: "Nhiều nơi trên khắp thế giới phong tỏa, giá hàng hóa đã giảm sâu, dự báo các tài sản rủi ro cũng sẽ giảm giá trong tuần này khi virus corona tiếp tục lây lan nhanh chóng.
Trên thị trường nông sản, giá bông và cao su giảm sâu do ảnh hưởng bởi Covid-19 và giá dầu đi xuống.
Giá bông trên sàn giao dịch liên lục địa ICE lao dốc chạm mức thấp nhất 11 năm trong phiên giao dịch vừa qua vì lo ngại nhu cầu sụt giảm sau khi Mỹ mở rộng các biện pháp cách ly xã hội cho đến cuối tháng 4.
Kết thúc phiên này, giá bông kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 1,37 US cent, tương đương 2,67%, xuống 49,96 US cent/lb. Đầu phiên có lúc giá chỉ 48,8 US cent, thấp nhất kể từ tháng 4/2009.
Giá cao su phiên vừa qua giảm mạnh. Trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM), giá chạm mức thấp kỷ lục trong vòng 11 năm do virus corona lây lan mạnh mẽ trên toàn thế giới, làm gia tăng nỗi lo nhu cầu sẽ chậm lại, thúc đẩy làn sóng bán cao su diễn ra mạnh mẽ. Hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn TOCOM giá giảm 5,4 JPY (3,6%) trong phiên vừa qua, xuống 144,2 JPY (1,3 USD)/kg vào lúc đóng cửa phiên 30/3, trong phiên có lúc xuống chỉ 143 JPY, thấp chưa từng có kể từ tháng 3/2009.
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE kết thúc phiên giao dịch vừa qua giảm do có dấu hiệu cho thấy thị trường đường sẽ chuyển từ thiếu hụt thành dư thừa trong năm 2020/21. Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 37 US cent (3,3%) xuống 10,73 US cent/lb.
Tuy nhiên, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 5,4 USD (1,5%) lên 356,10 USD/tấn, một phần lý do tăng bởi lo ngại lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày của Ấn Độ có thể khiến xuất khẩu đuồng trắng của nước này sụt giảm.
Giá dầu thô giảm mạnh có thể khiến khu vực Trung Nam Brazil – nơi sản xuất đường chính của nước này – chuyển hướng sang sản xuất đường nhiều hơn là sản xuất ethanol, sẽ khiến thị trường đường chuyển hướng sang dư thừa.
Giá hàng hóa thế giới sáng 31/3

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

20,41

+0,32

+1,59%

Dầu Brent

USD/thùng

22,76

-2,17

-8,70%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

23.810,00

-60,00

-0,25%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,70

+0,01

+0,53%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

58,55

+1,18

+2,06%

Dầu đốt

US cent/gallon

101,94

-4,91

-4,60%

Dầu khí

USD/tấn

285,25

-15,00

-5,00%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

34.960,00

-1.720,00

-4,69%

Vàng New York

USD/ounce

1.638,90

-4,30

-0,26%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.591,00

+25,00

+0,45%

Bạc New York

USD/ounce

14,17

+0,04

+0,27%

Bạc TOCOM

JPY/g

49,00

+0,20

+0,41%

Bạch kim

USD/ounce

726,32

-1,88

-0,26%

Palađi

USD/ounce

2.316,12

-9,51

-0,41%

Đồng New York

US cent/lb

216,90

+1,35

+0,63%

Đồng LME

USD/tấn

4.769,50

-21,00

-0,44%

Nhôm LME

USD/tấn

1.530,50

-15,00

-0,97%

Kẽm LME

USD/tấn

1.872,00

-6,00

-0,32%

Thiếc LME

USD/tấn

14.500,00

+240,00

+1,68%

Ngô

US cent/bushel

341,25

-4,75

-1,37%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

569,50

-1,75

-0,31%

Lúa mạch

US cent/bushel

261,50

-4,00

-1,51%

Gạo thô

USD/cwt

14,10

+0,13

+0,89%

Đậu tương

US cent/bushel

882,25

+0,75

+0,09%

Khô đậu tương

USD/tấn

325,50

+2,40

+0,74%

Dầu đậu tương

US cent/lb

26,87

+0,02

+0,07%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

467,50

+4,60

+0,99%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.265,00

+8,00

+0,35%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

119,30

+3,45

+2,98%

Đường thô

US cent/lb

10,73

-0,37

-3,33%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

119,40

+1,20

+1,02%

Bông

US cent/lb

50,70

-0,63

-1,23%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

296,50

-14,80

-4,75%

Cao su TOCOM

JPY/kg

144,80

+0,60

+0,42%

Ethanol CME

USD/gallon

0,96

-0,02

-2,23%

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg