Trên thị trường năng lượng, giấ dầu giảm khi thị trường lại dấy lên lo lắng về khả năng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc giảm 1,7 USD, hay 2,76% xuống còn 59,97 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm 1,61 USD, hay 3,06% và khép phiên ở mức 51 USD/thùng.
Chuyên gia John Kilduff của Công ty Again Capital Management ở New York cho rằng mối quan hệ cùng chiều giữa thị trường chứng khoán và thị trường dầu đã quay trở lại trong phiên này. Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu sụt giảm sau khi đà đi xuống ở châu Âu và châu Á lan sang Phố Wall trước những dấu hiệu mới cho thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng sau đó đã phục hồi phần nào khi cổ phiếu của Apple đi lên.
Trước đó, khép lại phiên cuối tuần trước, giá dầu đã tăng 3% sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất dầu khác ngoài khối, trong đó có Nga, cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2019, trong đó riêng OPEC sẽ giảm 800.000 thùng. Trong đợt giảm sản lượng này, Iran được miễn trừ vì nước này đang phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ. Mức giảm đối với Nga chưa được xác định. Ban đầu, Moscow chỉ muốn giảm 100.000 – 150.000 thùng/ngày. Sau đó, một nguồn tin cho biết Nga có thể sẽ chấp thuận mức giảm lớn hơn một chút.
Các nước sẽ thực hiện việc giảm công suất dựa trên mức sản lượng của tháng 10. Đến tháng 4/2019, OPEC+ sẽ đánh giá hiệu quả của thỏa thuận mới.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid Al-Falih cho biết ông không tự tin rằng OPEC và các đồng minh sẽ đạt được thỏa thuận trong ngày 7/12 do Nga không sẵn sàng giảm mạnh sản lượng.
Từ đầu năm tới nay sản lượng dầu tăng, đặc biệt là ở ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Mỹ, Saudi Arabia và Nga, đã khiến nhiều nhà phân tích thận trọng về triển vọng nhu cầu đối với mặt hàng này. Giá dầu đã giảm mạnh kể từ tháng Mười trước những dấu hiệu cho thấy kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, trong đó giá dầu Brent giảm đến gần 30%.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm do USD mạnh lên so với bảng Anh trong bối cảnh giới đầu tư hoài nghi về thỏa thuận Brexit.
Kết thúc phiên, vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.242,89 USD/ounce, sau khi vọt lên 1.250,55 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 11/7/2018 vào đầu phiên; vàng giao sau giảm 3,2 USD (0,3%) xuống 1.249,40 USD/ounce.
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/12 xác nhận sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận Brexit của bà tại Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 11/12/2018. Sau thông báo này, đồng bảng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi so với đồng USD. Chiến lược gia Bob Haberkorn, thuộc RJO Futures, nhận định sự mạnh lên của đồng bạc xanh đang gây sức ép đối với giá vàng.
Tuần trước, đồng USD đã ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong hơn ba tháng, khi số liệu bi quan về kinh tế Mỹ làm giảm những đồn đoán về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dự kiến, cơ quan này vẫn sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp sẽ diễn ra từ ngày 18-19/12 tới, song thị trường đang hướng sự chú ý vào số đợt tăng lãi suất trong năm 2019. Triển vọng Fed giảm tốc tiến trình nâng lãi suất được coi là nhân tố có lợi cho vàng. Trong tuần trước, giá kim loại quý này tăng hơn 2%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 23/3 và tăng khoảng 8% kể từ mức thấp nhất trong 19 tháng (1.159,96 USD/ounce) ghi nhận hồi giữa tháng Tám
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm trong phiên qua do số liệu nhập khẩu của Trung Quốc đã củng cố lo lắng về tăng trưởng nhu cầu đối với các kim loại cơ bản trong khi đồng USD mạnh hơn cũng gây sức ép tới giá.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 6.089 USD/tấn. Giá kim loại dùng trong ngành điện và xây dựng này chủ yếu giao dịch trong biên độ 6.000 đến 6.400 USD/tấn kể từ cuối tháng 9/2018.
Nhà phân tích Julius Baer thuộc Carsten Menke nói "số liệu nhập khẩu là lực cản tâm lý mặc dù chúng tôi biết tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, chúng tôi thấy điều đó trong PMI. Thỏa thuận ngừng chiến giữa Trung Quốc và Mỹ đang được xem xét kỹ lưỡng, vì thế chúng tôi không mong đợi nhiều".
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc tháng 11/2018 giảm 3% so với một năm trước xuống 456.000 tấn, nhưng tăng 8,6% so với 420.000 tấn trong tháng 10/2018.
Giá thép giao sau tại Trung Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp, áp lực bởi nguồn cung dồi dào làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất thép và hạn chế nhu cầu đối với quặng sắt.
Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 1,8% xuống 3.312 CNY (482 USD)/tấn. Giá sản phẩm thép xây dựng này đã giảm 18% kể từ khi đạt 4.024 CNY/tấn, mức cao nhất 7 năm hồi cuối tháng 8/2018. Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 0,9% lên 473,50 CNY/tấn.
Sản lượng thép thô tại Trung Quốc, nhà sản xuất hàng đầu thế giới được dự kiến đạt mức kỷ lục 923 triệu tấn trong năm nay, trước khi giảm xuống 900 triệu tấn vào năm 2019.
Nhập khẩu quặng sắt tháng 11/2018 của Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống 86,25 triệu tấn từ mức 88,4 triệu tấn của tháng 10/2018.
Lợi nhuận của các nhà máy thép Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 11/2018, trong bối cảnh nguồn cung lớn do Bắc Kinh bỏ hạn chế sản lượng vào mùa đông để giải quyết vấn đề ô nhiễm, thay vào đó các tỉnh và thành phố được phép thiết lập giới hạn sản lượng riêng của mình dựa vào lượng khí thải.
Sau khi thi trường đóng cửa phiên cuối tuần trước, chính quyền thành phố Đường Sơn, khu vực sản xuất thép lớn của Trung Quốc, tuyên bố sẽ kích hoạt loạt biện pháp để giảm ô nhiễm môi trường trong tháng 12 kèm theo cảnh báo mật độ khói bụi ở cấp thứ hai.
Theo kế hoạch này, các nhà máy thép tại Đường Sơn sẽ phải giảm 30 – 60% công suất thiêu kết hoặc thậm chí phải đóng cửa nhà máy dựa trên mức độ phát thải. Các nhà máy than cố phải kéo dài thời gian sản xuất để giảm mật độ bụi. Các công ty về vật liệu xây dựng, dược phẩm, xi măng và khai thác khoáng sản cũng phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp.
Trên thị trường nông sản, giá đường thô kỳ hạn giao tháng 3/2019 giảm 0,15 US cent hay 1,2% xuống 12,72 US cent/lb, một phần bởi sự sụt giảm trên thị trường dầu thô. Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 2,6 USD hay 0,8% xuống 343 USD/tấn khi kết thúc phiên giao dịch.
Cà phê arabica giao tháng 3/2018 tăng 1,05 US cent tương đương 1% lên 1,0515 USD/lb, sau khi có lúc xuống chỉ 1,0385 USD. Robusta giao cùng kỳ hạn chốt phiên giảm 6 USD hay 0,4% xuống 1.548 USD/tấn sau khi chạm mức 1.538 USD/tấn, thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2018. Các đại lý cho biết vụ thu hoạch tại Việt Nam, nước trồng robusta hàng đầu thế giới tiếp tục gây sức ép lên giá.
Tổ chức cà phê quốc tế ICO duy trì dự báo mức dư thừa trên toàn cầu 1,59 triệu bao (loại 60 kg/bao) trong niên vụ 2017/18.
Giá cao su tại Tokyo xuống mức thấp nhất 10 ngày vào phiên qua do thị trường chứng khoán Châu Á lao dốc trong bối cảnh lo sợ kinh tế toàn cầu suy giảm.
Hợp đồng cao su giao tháng 5/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đóng cửa giảm 2,9 JPY xuống 161,5 JPY (1,43 USD)/kg. Đầu phiên cao su TOCOM đã giảm xuống 159,7 JPY/kg, thấp nhất kể từ ngày 30/11/2018. Cao su TSR 20 giao tháng 6/2019 giảm 1,2%, chốt phiên tại 143,4 JPY/kg. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2019 giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 25 CNY xuống 11.215 CNY/tấn.
Tại hội thảo “Kế hoạch hành động vì ngành cao su bền vững và dự báo giá năm 2019” do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tổ chức tại TPHCM chiều 7/12, ông Dar Wong, Cố vấn trưởng về chiến lược, Công ty Brain Partners & Management, nhận định trong năm 2019, dự báo giá cao su thiên nhiên sẽ biến động lên xuống liên tục. Trong đó, ở giai đoạn “đình chiến” 90 ngày trong xung đột thương mại Mỹ - Trung, giá cao su sẽ có cơ hội đi lên nhờ sự ổn định của đồng USD.
Ông Dar Wong cho rằng giá dầu là một trong những yếu tố có tác động đáng kể tới giá cao su trong năm tới. Nếu giá dầu đi lên, giá cao su sẽ có cơ hội tăng lên. Trong dài hạn (từ 3 đến 10 năm tới), nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu sẽ tăng lên, từ đó hỗ trợ tích cực cho giá cao su. Theo đó, giá sẽ không tăng quá cao, nhưng ở mức chấp nhận được.
Theo VRA, xu hướng phát triển bền vững đang ngày một lan rộng trong ngành cao su. Vừa qua, 11 nhà sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới – tiêu thụ hơn 70% lượng cao su thiên nhiên toàn cầu – đã cùng nhau cam kết phát triển bền vững và công bố chính sách thu mua nguồn nguyên liệu nông sản gắn liền với chứng chỉ bền vững.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

51,25

-1,61

-3,6%

Dầu Brent

USD/thùng

51,00

-1,7

-2,76%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

41.140,00

-860,00

-2,05%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

4,53

-0,01

-0,33%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

143,27

+1,38

+0,97%

Dầu đốt

US cent/gallon

185,42

+1,01

+0,55%

Dầu khí

USD/tấn

556,75

-6,00

-1,07%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

56.900,00

-800,00

-1,39%

Vàng New York

USD/ounce

1.251,20

+1,80

+0,14%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.520,00

+15,00

+0,33%

Bạc New York

USD/ounce

14,65

+0,05

+0,31%

Bạc TOCOM

JPY/g

52,80

0,00

0,00%

Bạch kim

USD/ounce

783,13

-1,69

-0,22%

Palađi

USD/ounce

1.228,80

+0,01

+0,00%

Đồng New York

US cent/lb

273,90

+1,90

+0,70%

Đồng LME

USD/tấn

6.089,00

-56,00

-0,91%

Nhôm LME

USD/tấn

1.938,00

-17,00

-0,87%

Kẽm LME

USD/tấn

2.575,00

-12,00

-0,46%

Thiếc LME

USD/tấn

18.950,00

-50,00

-0,26%

Ngô

US cent/bushel

383,75

-0,25

-0,07%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

523,50

-1,75

-0,33%

Lúa mạch

US cent/bushel

287,00

-2,00

-0,69%

Gạo thô

USD/cwt

10,66

0,00

-0,05%

Đậu tương

US cent/bushel

909,25

-0,50

-0,05%

Khô đậu tương

USD/tấn

309,30

-0,70

-0,23%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,72

-0,04

-0,14%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

486,40

-1,20

-0,25%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.206,00

-19,00

-0,85%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

105,15

+1,05

+1,01%

Đường thô

US cent/lb

12,72

-0,15

-1,17%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

139,40

-3,70

-2,59%

Bông

US cent/lb

79,88

-0,35

-0,44%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

317,10

-14,80

-4,46%

Cao su TOCOM

JPY/kg

160,40

-1,10

-0,68%

Ethanol CME

USD/gallon

1,22

-0,02

-1,37%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters