Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm khi các nhà đầu tư lo ngại về những thay đổi có thể diễn ra trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch, trên thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2019 giảm 3,06 USD/thùng xuống còn 42,53 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 2/2019 tại thị trường London giảm 3,35 USD xuống còn 50,47 USD/thùng.
Các nhà đầu tư bán ra các tài sản rủi ro trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới 2019 càng khiến giá dầu giảm mạnh. Theo ước tính, giá dầu WTI và Brent đã giảm tương ứng gần 45% và 42% so với hồi đầu tháng 10/2018.
Trong khi đó, tin tức cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành các cuộc thảo luận về khả năng điều chuyển ông Jerome Powell khỏi chức vụ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi cơ quan này hồi tuần qua đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018. Tình hình càng diễn biến theo chiều hướng bất lợi khi ông Trump ngày 25/12/2018 tiếp tục “phàn nàn” về vai trò của Fed đối với nền kinh tế Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã kêu gọi các quan chức lãnh đạo 6 ngân hàng lớn nhất của Mỹ cùng “chung tay” trong một nỗ lực nhằm bình ổn thị trường vào cuối tuần qua, song động thái này dường như chỉ làm dấy lên mối quan ngại về tình hình kinh tế nước này.
Bộ trưởng năng lượng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Suhail al-Mazrouei, ngày 23/12/2018 cho biết, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẵn sàng tổ chức một cuộc họp bất thường và sẽ làm những gì cần thiết nếu mức giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày không cân bằng thị trường trong năm tới.
Ông Mazrouei cho biết một ủy ban giám sát chung của OPEC và các quốc gia không thuộc tổ chức sẽ họp tại Baku (Azerbaijan) vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, khi các nhà sản xuất đặt mục tiêu đưa thị trường dầu trở lại mức cân bằng đã đạt được vào mùa hè năm 2018.
Ông Mazrouei đã phát biểu tại một cuộc họp báo chung với các bộ trưởng năng lượng của Iraq và Algeria cũng như thống đốc của Arab Saudi tại OPEC, ông Adeeb Al-Aama.
Theo ông Al-Aama, tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ đã giảm xuống còn 37 triệu thùng dầu thô trong tháng 11 so với mức 340 triệu thùng hồi tháng 1/2017, khi OPEC và các đồng minh bắt đầu cắt sản xuất trong nỗ lực kéo giá dầu thô tăng trở lại.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Thamir Ghadhban cho biết có khả năng quyết định giảm sản lượng dầu có thể được gia hạn. Ông nói thêm, Iraq sẽ sẵn sàng kéo dài thỏa thuận sản xuất trong tháng 4. OPEC dự kiến tổ chức cuộc họp quyết định chính sách sản lượng dầu tiếp theo vào tháng 4 tại Vienna (Áo).
Arab Saudi hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận giảm sản xuất, theo ông Al-Aama. Ông cho biết thêm sản lượng của quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới trong tháng 1/2019 dự kiến đạt 10,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn sản lượng mục tiêu 10,3 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận gần đây.
Arab Saudi đã tuân thủ các mức giảm sản xuất trước đó, giảm hơn phần của mình và đạt được mức tuân thủ thỏa thuận 120% từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2018, ông Al-Aama cho hay.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ kết thúc phiên giảm 9,1%, mức giảm mạnh nhất trong gần 6 tuần, do dự báo thời tiết ấm hơn khiến nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi sản lượng duy trì ở mức cao kỷ lục.
Giá LNG kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn New York giảm 34,9 US cent tương đương 9,1% xuống 3,467 USD/mBTU, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ ngày 15/11/2018.
Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc ghi nhận kỉ lục mới trong tháng 11, dữ liệu hải quan công bố ngày 23/12 cho biết, với giới thương nhân đẩy nhanh việc thu mua nhiên liệu khi khu vực hộ gia đình và doanh nghiệp gia tăng nhu cầu sưởi ấm vì những đáng đông giá lạnh. Trung Quốc đã thúc đẩy chuyển đổi nhiều phần trên cả nước sang khí đốt để sưởi ẩm, thay thế cho than đá khi Bắc Kinh đẩy mạnh chính sách làm sạch môi trường.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu LNG của quốc gia này tổng cộng đạt 5,99 triệu tấn trong tháng 11, tăng 48,5% so với cùng kì năm ngoái. Con số này vượt qua mức kỉ lục trước đó là 5,18 triệu tấn xác lập hồi tháng 1. Lũy kế đến tháng 11, nhập khẩu LNG tăng 43,6% so với năm ngoái lên 47,52 triệu tấn, trong đà vượt qua kỉ lục hàng năm ghi nhận ở mức 38,13 triệu tấn trong 2017.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng do thị trường chứng khoán trượt dốc và các lo ngại về khả năng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại làm giảm tâm lý ưa mạo hiểm của nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng kỳ hạn giao sau hạn tăng 1,1% lên 1.271,8 USD/ounce; vàng giao ngay đứng ở mức 1.268,49 USD/ounce sau khi có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 là 1.269,49 USD/ounce lúc đầu phiên.
Chỉ số đồng USD - thước đo sức mạnh của đồng tiền này với rổ sáu đồng tiền chủ chốt khác - đã giảm 0,4% xuống 96,56, là một trong những yếu tố chính hỗ trợ giá vàng trong phiên này. Đồng bạc xanh hiện đang chịu sức ép khi xuất hiện các lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm nền kinh tế yếu đi.
Về những kim loại quý khác, giá palađi tăng 1,2% lên 1.246,2 USD/ ounce. Giá bạc tăng gần 1% lên 14,73 USD/ ounce. Trong khi đó, giá bạch kim hạ 0,6% xuống 782,5 USD/ ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm chạm mức thấp nhất 16 tháng, do các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm chạp và chính sách tiền tệ thắt chặt làm lu mờ thông tin cắt giảm lò luyện tại Trung Quốc, trong khi giá đồng thấp nhất 3 tháng.
Giá nhôm kỳ hạn giảm 0,8% xuống 1.893 USD/tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2017 (1.891 USD/tấn), kéo dài mức thấp nhất 16 tháng trong tuần trước đó, sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Rusal Nga, nhà sản xuất nhôm lớn thứ 2 thế giới. Như vậy, giá nhôm đã giảm 16% trong năm nay.
Các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu chậm chạp, khi chính sách tiền tệ thế giới thắt chặt, cùng với sự bất ổn chính trị tại Mỹ để ngỏ khả năng chính phủ đóng cửa kéo dài. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến tăng trưởng Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới. Các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm ít nhất 800.000 tấn công suất mỗi năm trong những tháng tới, trong khi Bắc Kinh có kế hoạch tăng cường hỗ trợ nền kinh tế năm 2019 bằng cách cắt giảm thuế và duy trì tính thanh khoản.
Đồng thời, giá đồng giảm 0,6% xuống 5.955,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2018 (5.941 USD/tấn).
Giá thép tại Trung Quốc kết thúc phiên giảm 1,5% bất chấp Bắc Kinh cam kết tăng cường hỗ trợ nền kinh tế năm 2019. Trong đầu phiên giao dịch giá thép cây giảm mạnh 1,9%, kết thúc phiên giá thép cây kỳ hạn giảm 1,5% xuống 3.451 CNY (500,25 USD)/tấn, được hỗ trợ bởi sự cắt giảm sản lượng tạm thời tại trung tâm sản xuất thép hàng đầu – Đường Sơn.
Trong cuộc họp thường niên vào tuần trước, các nhà hoạch định chính sách cho biết, Trung Quốc sẽ giữ tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong "phạm vi hợp lý" bằng cách cắt giảm thuế và duy trì tính thanh khoản.
Trên thị trường nông sản, giá ca cao tại New York tăng lên mức cao nhất 6 tuần, được hỗ trợ từ đồng USD suy yếu và lo ngại thời tiết xấu tại Tây Phi, trong khi đường và cà phê tăng.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn New York tăng 44 USD tương đương 1,9% lên 2.315 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.345 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 8/11/2018. Và giá ca cao giao cùng kỳ hạn tại London tăng 22 GBP tương đương 1,3% lên 1.704 GBP/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 0,06 US cent tương đương 0,5% lên 12,4 US cent/lb và đường trắng giao cùng kỳ hạn kết thúc tăng 0,1 USD lên 337,7 USD/tấn.
Giá cà phê kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 2,5 US cent tương đương 2,5% lên 1,022 USD/lb và giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 24 USD tương đương 1,6% lên 1.515 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh tăng dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2018 - 2019 thêm 1,93%, lên mức 174,5 triệu bao. Trong khi đó, USDA cũng dự báo nhu cầu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2018 - 2019 sẽ là 163,6 triệu bao. Như vậy, lượng cà phê dư thừa được dự báo ở mức 10,9 triệu bao.
Tuy nhiên, mới đây Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã điều chỉnh giảm dự báo dư thừa cà phê toàn cầu năm 2018 xuống còn 1,59 triệu bao, mặc dù sản lượng được điều chỉnh tăng.
ICO cho rằng dư thừa cà phê chỉ là ngắn hạn, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng năm vẫn tăng trưởng ổn định. ICO dự báo thời gian tới, giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng giảm do kinh tế toàn cầu có khả năng tăng trưởng chậm lại và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ có những tác động nhất định đến nhu cầu tiêu thụ cà phê; cà phê toàn cầu được mùa gây áp lực dư cung.
Thời điểm hiện tại, người trồng cà phê tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang bước vào thu hoạch. Do thời tiết thuận lợi nên sản lượng cà phê của Việt Nam năm 2018 tăng so với năm 2017. Tuy nhiên, giá cà phê tại thị trường trong nước giảm xuống mức thấp, nên lượng cà phê vụ mùa mới bán ra chậm lại so với các năm trước.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện diện tích cà phê gieo trồng trên toàn tỉnh đạt khoảng 5.130 ha, giảm hơn 300 ha so với diện tích năm 2017, năng suất trung bình đạt 17,9 tạ/ha.
Giá đậu tương kỳ hạn tại Mỹ kết thúc phiên giao dịch chạm mức thấp nhất gần 1 tháng, do các thương nhân chờ xem động thái mua vào của Trung Quốc sau khi tái gia nhập thị trường mới đây, khi căng thẳng thương mại giảm bớt.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Chicago giảm 0,1% xuống 8,97 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 8,92-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 28/11/2018.
Trung Quốc đã mua đậu tương Mỹ hôm 12/12/2018, thỏa thuận lớn đầu tiên trong 6 tháng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp hôm 1/12/2018 và thỏa thuận "đình chiến" thương mại trong vòng 90 ngày để giải quyết sự khác biệt thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhập khẩu đậu tương Mỹ của Trung Quốc giảm xuống còn 0 trong tháng 11, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu, Trung Quốc không nhập khẩu nguồn cung từ Mỹ. Thay vào đó, dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố hôm 24/12 cho thấy, nhà nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới phụ thuộc vào Brazil để thay thế nhập khẩu từ Mỹ.
Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua 5,07 triệu tấn đậu tương từ Brazil trong tháng 11, tăng hơn 80% từ mức 2,76 triệu tấn trong năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ giảm từ mức 4,7 triệu tấn trong tháng 11/2017 và 67.000 tấn ghi nhận trong tháng 10 xuống 0.
Trung Quốc thường mua hầu hết đậu tương từ Mỹ trong quí cuối cùng của năm vì vụ thu hoạch tại Mỹ được đưa vào thị trường tại thời điểm đó. Mỹ là nhà cung cấp đậu tương lớn thứ hai sang Trung Quốc với giá trị thương mại đạt 12 tỉ USD trong năm 2017.
Tuy nhiên, hoạt động thu mua đã giảm kể từ khi Bắc Kinh đánh thuế quan bổ sung 25% lên hàng nhập khẩu Mỹ trong ngày 6/7, nhằm đáp trả thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh theo đó gia tăng nhập khẩu từ Brazil để lấp đầy khoảng trống.
Bắc Kinh mua lại đậu tương Mỹ trong đầu tháng này, sau khi hai quốc gia đạt được thỏa thuận đình chiến hôm 1/12. Mặc dù vậy, thuế quan khổng lồ đánh lên hàng hóa Mỹ vẫn có hiệu lực.
Trung Quốc sử dụng đậu tương chủ yếu làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia súc. Quốc gia châu Á đã duy trì lượng tồn kho đậu tương lớn ngay cả khi người mua thay thế nhập khẩu từ Mỹ bằng Brazil, và dịch tả heo châu Phi làm giảm đàn heo, ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, vụ mùa tại Brazil hiện đang trong chu kỳ tăng trưởng, nghĩa là không có nhiều nguồn cung sẵn có để xuất khẩu.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

42,53

-3,06

-6,71%

Dầu Brent

USD/thùng

50,47

-3,35

-6,22%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

34.380,00

-2.600,00

-7,03%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,47

-0,35

-9,15%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

124,88

-6,95

-5,27%

Dầu đốt

US cent/gallon

166,22

-7,05

-4,07%

Dầu khí

USD/tấn

514,00

-1,25

-0,24%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

49.970,00

-2.730,00

-5,18%

Vàng New York

USD/ounce

1.271,80

+13,70

+1,09%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.494,00

-8,00

-0,18%

Bạc New York

USD/ounce

14,82

+0,12

+0,80%

Bạc TOCOM

JPY/g

52,40

-0,50

-0,95%

Bạch kim

USD/ounce

785,83

-0,01

0,00%

Palađi

USD/ounce

1.244,52

+0,14

+0,01%

Đồng New York

US cent/lb

266,10

-1,30

-0,49%

Đồng LME

USD/tấn

5.955,50

-35,50

-0,59%

Nhôm LME

USD/tấn

1.893,00

-16,00

-0,84%

Kẽm LME

USD/tấn

2.474,00

-28,00

-1,12%

Thiếc LME

USD/tấn

19.375,00

+25,00

+0,13%

Ngô

US cent/bushel

377,75

-0,75

-0,20%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

516,50

+2,50

+0,49%

Lúa mạch

US cent/bushel

275,75

-1,50

-0,54%

Gạo thô

USD/cwt

10,50

-0,14

-1,32%

Đậu tương

US cent/bushel

897,00

-0,75

-0,08%

Khô đậu tương

USD/tấn

311,80

+1,70

+0,55%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,03

-0,14

-0,50%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

483,50

-1,20

-0,25%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.315,00

+44,00

+1,94%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

102,20

+2,50

+2,51%

Đường thô

US cent/lb

12,40

+0,06

+0,49%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

127,95

-0,70

-0,54%

Bông

US cent/lb

72,55

-0,63

-0,86%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

338,40

-0,90

-0,27%

Cao su TOCOM

JPY/kg

171,20

-1,90

-1,10%

Ethanol CME

USD/gallon

1,26

0,00

0,00%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters, CafeF

Nguồn: Vinanet