Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lạc quan về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) trên sàn New York tăng 2,1% lên 58,05 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2019 trên sàn London tiến 1,6% lên 64,72 USD/thùng. Giá hai loại dầu này đều tăng phiên thứ tư liên tiếp lên các mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 15/7/2019.
Tuy nhiên, đối với hợp đồng kỳ hạn xa hơn thì giá cả 2 loại dầu đều giảm do lo ngại về nhu cầu, trong đó dầu Brent giảm hơn 2%, còn WTI giảm hơn 1%.
Fed tiến hành cuộc họp chính sách trong hai ngày 30-31/7/2019 và được dự báo sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập niên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần yêu cầu Fed hạ mạnh lãi suất và từng nói rằng ông thất vọng với cơ quan này vì họ đã gây trở ngại cho nhiều hành động của ông. Theo nhà chiến lược dầu mỏ toàn cầu Harry Tchilinguirian thuộc BNP Paribas (London), ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất 25 điểm phần trăm sau khi kết thúc kỳ họp này.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2/2019 không thấp như dự kiến, mang lại hy vọng tiêu thụ dầu ở thị trường này gia tăng, nhưng ở những nơi khác, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng gây lo ngại nhu cầu dầu sẽ tăng chậm lại.
Brian Kessens, nhà quản lý danh mục cấp cao thuộc Tortoise, cho biết giá dầu phiên này tăng một phần còn nhờ dự đoán dự trữ dầu Mỹ sẽ giảm trong tuần này giữa bối cảnh căng thẳng vẫn leo thang tại khu vực eo biển Hormuz, nơi mà 1/5 lượng dầu thế giới phải đi qua.
Hãng BP cho hay từ 10/7/2019 đến nay, họ không đưa bất cứ con tàu nào của mình qua khu vực này để tránh bị Iran bắt giữ. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã chính thức đề nghị Đức tham gia cùng Pháp và Anh trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các tàu khi qua eo biển Hormuz để tránh sự tấn công của Iran.
Theo một khảo sát được Reuters thực hiện, các nhà phân tích tại Mỹ dự đoán dự trữ dầu của nước này giảm 2,6 triệu thùng dầu trong tuần trước. Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ công bố báo cáo về dự trữ dầu vào hôm nay (31/7/2019).
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trong bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi có thêm thông tin về triển vọng Fed hạ lãi suất.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.429,38 USD/ounce, vàng giao sau tăng 0,7% lên 1.429,7 USD/ounce.
Kinh tế của Mỹ trong quý II vừa qua tăng trưởng mạnh hơn dự báo, qua đó làm gia tăng triển vọng đối với tiêu thụ dầu mỏ. Tuy nhiên, một vài số liệu khác về kinh tế Mỹ gây thất vọng lại làm tăng lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm hơn của nền kinh tế này.
Đồng bạc xanh hiện áp sát mức cao nhất trong hai tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến các tài sản được định giá bằng đồng tiền này như vàng đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tăng 0,8% lên 824,89 tấn trong ngày 29/7.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,5% lên 16,53 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,2% xuống 868,17 USD/ounce. Giá palađi phiên này hạ 2,7% xuống 1.510,98 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng hơn 3% trong phiên vừa qua, nối tiếp đà tăng 4 phiên liên tiếp, do dự báo nhập khẩu nguyên liệu này yếu trong tháng 7/2019, do đó nguồn cung tại nước sản xuất thép số 1 thế giới sẽ tiếp tục khan hiếm.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua có lúc tăng 3,5% lên 780 CNY (113,23 USD)/tấn; kết thúc phiên tăng 2,4% lên 771,5 CNY/tấn, cao nhất kể từ 16/7/2019. Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc có giá tăng 0,4% lên 117 USD/tấn.
Nhập khẩu quặng sắt trung bình hàng tuần từ Brazil và Australia vào Trung Quốc giảm trong suốt 3 tuần đầu tháng 7/2019 so với cùng kỳ tháng 6/2019, trong đó từ Brazil giảm 8% xuống 5,9 triệu tấn, còn từ Australia giảm 13% xuống 15 triệu tấn. Nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc trong tháng 6/2019 đã giảm xuống 75,18 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
Việc đóng cửa một số mỏ khai thác ở Brazil và sản lượng giảm ở Australia khiến thị trường nguyên liệu này rơi vào thiếu hụt. Tình hình sẽ được cải thiện dần từ nay đến 2020.
Giá thép trên thị trường Trung Quốc giảm trong phiên vừa qua. Cụ thể, thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.886 CNY/tấn, thấp nhất kể từ 21/6/2019, trong khi đó thép cuộn cán nóng giảm 0,9% xuống 3.785 CNY/tấn, cũng thấp nhất 5 tuần.
Sản lượng thép thô toàn cầu tháng 6/2019 tăng 4,6% so với cùng tháng năm ngoái, lên 159 triệu tấn, trong đó riêng tại Trung Quốc tăng 10% lên 87,5 triệu tấn.
Giá chì giảm trong phiên giao dịch vừa qua do lượng lưu kho trên sàn London (LME) tăng làm giảm lo ngại thiếu cung giữa bối cảnh các số liệu kinh tế không khả quan cho thấy nhu cầu có thể yếu đi.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn LME, chì giao sau 3 tháng (hợp đồng tham chiếu) giá giảm 2,4% xuống 1.998 USD/tấn. Từ đầu tháng 5/2019 tới nay, giá chì đã tăng gần 20%, tuần qua đạt 2.177 USD/tấn, do sự cố ở một số nhà máy luyện chì Australia và Trung Quốc làm hạn chế sản lượng.
Dự báo nhu cầu ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – yếu đi đang gây áp lực giảm giá. Nhà phân tích Vivienne Lloyd thuộc hãng Macquarie dự báo giá chì sẽ còn giảm tiếp xuống khoảng 1.900 USD/tấn vào cuối năm nay, mặc dù nguồn cung vẫn thiếu hụt chút ít.
Lượng chì lưu kho trên sàn LME đã tăng 11.850 tấn lên 67.325 tấn, song vẫn gần thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê quay đầu giảm bởi bớt lo ngại về khả năng sương gia gây thiệt hại cho mùa màng ở Brazil.
Kết thúc phiên gia dịch, cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 1,65 UScent tương đương 1,6% xuống 99,50 UScent/lb; robusta giao cùng kỳ hạn giảm 17 USD tương đương 1,2% xuống 1.354 USD/tấn.
Giá đường tăng theo xu hướng dầu thô. Đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 0,08 UScent tương đương 0,7% lên 12,15 UScent/lb, trong khi đường trắng tăng 0,9 USD tương đương 0,3% lên 323 USD/tấn.
Giá dầu tăng thường khiến các nhà máy chế biến mía ở Brazil tăng tỷ lệ sản xuất ethanol và giảm sản xuất đường.
Giá ngô trên sàn Chicago chạm mức thấp nhất 2 tuần sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng ngô Mỹ sẽ cao hơn dự đoán của các nhà phân tích.
Kết thúc phiên vừa qua, giá ngô đã giảm 6 USD cent tương đương 1,5% xuống 4,21 USD/bushel. Lúa mì giảm 6-1/4 UScent tương đương 1,4% xuống 4,97-1/4 USD/bushel; đậu tương giảm 7-1/2 UScent tương đương 1,1% xuống 8,96-3/4 USD/bushel, thấp nhất 1 tháng.
USDA cho biết 58% diện tích ngô Mỹ vụ này đang phát triển trong điều kiện rất thuận lợi. Tỷ lệ này cao hơn 1 điểm phần trăm so với tuần trước.
Giá cao su trên sàn Tokyo giảm trong phiên giao dịch vừa qua giữa bối cảnh lo ngại Malaysia và Indonesia có thể tăng xuất khẩu sau khi kết thúc giai đoạn kiềm chế xuất khẩu (ngày 31/7/2019).
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn TOCOM, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 3,1 JPY tương đương 1,7% xuống 177,9 JPY (1,64 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 20 CNY xuống 10.636 CNY (1.545 USD)/tấn.
Theo thỏa thuận của Ủy bao Cao su Ba bên (ITRC), 2 nước sản xuất cao su Indonesia và Malaysia bắt đầu kiềm chế xuất khẩu cao su từ 1/4/2019 và kéo dài trong vòng 4 tháng. Riêng Thái Lan bắt đầu muộn hơn, từ 20/5/2019. 

Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

58,05

+1,18

+2,1%

Dầu Brent

USD/thùng

64,72

+1,01

+1,59%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

40.850,00

+360,00

+0,89%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,14

+0,00

+0,09%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

190,00

+0,31

+0,16%

Dầu đốt

US cent/gallon

194,92

+0,52

+0,27%

Dầu khí

USD/tấn

592,25

+5,50

+0,94%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

58.820,00

+300,00

+0,51%

Vàng New York

USD/ounce

1.443,30

+1,50

+0,10%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.979,00

+20,00

+0,40%

Bạc New York

USD/ounce

16,59

+0,03

+0,16%

Bạc TOCOM

JPY/g

57,60

+0,40

+0,70%

Bạch kim

USD/ounce

871,32

+0,01

+0,00%

Palađi

USD/ounce

1.515,22

-0,57

-0,04%

Đồng New York

US cent/lb

267,85

0,00

0,00%

Đồng LME

USD/tấn

5.948,00

-70,00

-1,16%

Nhôm LME

USD/tấn

1.803,00

-8,00

-0,44%

Kẽm LME

USD/tấn

2.460,00

-9,00

-0,36%

Thiếc LME

USD/tấn

17.450,00

-150,00

-0,85%

Ngô

US cent/bushel

421,00

-6,00

-1,41%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

497,25

-6,25

-1,24%

Lúa mạch

US cent/bushel

263,75

-0,50

-0,19%

Gạo thô

USD/cwt

12,10

-0,21

-1,75%

Đậu tương

US cent/bushel

896,75

-7,50

-0,83%

Khô đậu tương

USD/tấn

307,70

-3,80

-1,22%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,83

-0,14

-0,48%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

448,40

-1,00

-0,22%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.379,00

-4,00

-0,17%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

99,50

-1,65

-1,63%

Đường thô

US cent/lb

12,15

+0,08

+0,66%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

102,35

+0,65

+0,64%

Bông

US cent/lb

63,36

-0,85

-1,32%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

349,00

+13,20

+3,93%

Cao su TOCOM

JPY/kg

177,10

-0,80

-0,45%

Ethanol CME

USD/gallon

1,48

-0,01

-0,74%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters