Năng lượng: Giá dầu giảm trong tuần
Thị trường dầu mỏ đóng cửa nghỉ ngày 10/4 nhân ngày Lễ Thánh. Phiên giao dịch trước đó (9/4), giá dầu giảm khi thị trường lo ngại các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới sẽ không đi đến thỏa thuận về cắt giảm sản lượng. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá dầu giảm trong cả tuần qua, với dầu WTI giảm khoảng 18%, trong khi dầu Brent giảm khoảng 8%. So với đầu năm, giá dầu WTI hiện đã để mất tới 63% trong khi giá dầu brent cũng ghi nhận mức giảm tới hơn 52%.
Yếu tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư trong suốt tuần qua là những thông tin xung quanh thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (còn gọi là nhóm OPEC+). Đầu tuần, Saudi Arabia và Nga tạm hoãn cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu thô chủ chốt nhằm giải quyết tình trạng dư cung đang ngày càng trầm trọng trên toàn cầu. Ngày 9/4, OPEC+ lên kế hoạch cắt giảm hơn 20% sản lượng dầu thô của nhóm này (tương đương 10 triệu thùng/ngày) để giảm bớt tác động từ cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên thị trường năng lượng. Đồng thời, OPEC+ cũng kêu gọi các nước sản xuất dầu khác bao gồm Mỹ cắt giảm sản lượng thêm 5 triệu thùng/ngày, nhằm góp phần ứng phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ nặng nề nhất trong hàng chục năm qua. Sau những giờ bàn thảo khó khăn, OPEC+ cũng đi đến quyết định sẽ cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm khoảng 30% trước tác động từ những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Do đó, kế hoạch cắt giảm tổng mức 15 triệu thùng/ngày nêu trên được thực hiện vẫn không đủ để kìm hãm tình trạng dư cung dầu trên thị trường toàn cầu.
Dự báo trong tuần tới, yếu tố chính chi phối thị trường sẽ là động thái từ các nước sản xuất dầu lớn khác bao gồm Canada, Mexico, Brazil và Mỹ, sau khi Saudi Arabia và Nga đã đưa ra những động thái của riêng họ. Các nước này có thể được yêu cầu cắt giảm thêm sản lượng hoặc mua thêm dầu cho các kho dự trữ chiến lược, nhằm giảm bớt áp lực do dư dôi nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Kim loại quý: Giá vàng tăng gần 7% trong cả tuần
Thị trường vàng cũng không giao dịch trong ngày 10/4 vì nghỉ lễ. Tuy nhiên, xu hướng tăng của các phiên trước đã giúp giá vàng tăng gần 7% trong tuần vừa qua.
Các biện pháp kích thích khổng lồ đang làm các đồng tiền giảm giá mạnh, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với vàng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây thông báo một gói biện pháp tài chính lớn tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm ứng phó với những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ của mình đến khi kinh tế Mỹ bắt đầu hoàn toàn hồi phục từ những thiệt hại do dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch điều hành tại GoldMining, Jeff Wright, cho rằng, mục tiêu là tái khởi động nền kinh tế nhanh chóng, nhưng cái giá sẽ là đồng USD suy yếu trong dài hạn, điều này là rất có lợi đối với vàng.
Tai Wong, Trưởng bộ phận giao dịch phái sinh kim loại quý của BMO, cho rằng việc Fed tung ra gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD sẽ giúp ổn định các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như hỗ trợ chính quyền các địa phương đang ở tuyến đầu chống dịch và đối mặt với nguồn thu thuế sụt giảm do thất nghiệp gia tăng, giữa lúc các hoạt động kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tăng
Phiên cuối tuần, giá kim loại cơ bản trên sàn Thượng Hải đồng loạt đi lên.
Giá đồng trên sàn Thượng Hải tăng lên mức cao nhất hơn 3 tuần do một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu đồng từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – hồi phục giữa bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Lượng đồng lưu kho trên sàn Thượng Hải tuần qua giảm 4,4% so với tuần trước đó xuống 317.928 tấn. Sản lượng đồng catot của Trung Quốc trong tháng 3/2020 tăng 2,6% so với tháng 2/2020, nhà nghiên cứu Antaike cho biết.
Giá đồng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải phiên này tăng 2,6% lên 41.890 CNY (5.957,92 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 17/3/2020. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng 3,7%, tuần tăng thứ 3 liên tiếp và đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong vòng 22 tháng. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá đồng giảm 17,1% chịu áp lực giảm bởi khủng hoảng virus corona.
Đối với các kim loại cơ bản khác, giá nhôm tăng 1,8% sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/3/2020, giá kẽm tăng 0,3% và chì tăng 1%.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp và có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần, do hoạt động kinh tế dần hồi phục bởi tác động của khủng hoảng virus corona; quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,2% lên 600 CNY (85,29 USD)/tấn, cao nhất 3 tuần. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 5,5%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 2,4% lên 3.373 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 2,3% lên 3.209 CNY/tấn và giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 1,7% lên 12.455 CNY/tấn.
Nông sản: Giá cao su biến động trái chiều
Các sàn giao dịch ở Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ lễ nên không có giá đường, cà phê và ngũ cốc trong phiên cuối tuần.
Trên thị trường Châu Á, giá dầu cọ tại Malaysia giảm trở lại do dự báo sản lượng dầu của nước này trong tháng 3/2020 tăng và xuất khẩu trong tháng 4/2020 sẽ duy trì vững, song giá dầu cọ có tuần tăng trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới bị gián đoạn. Dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 15 ringgit tương đương 0,65% xuống 2.289 ringgit/tấn, sau khi giảm hơn 2% trong phiên trước đó.
Ủy ban dầu cọ Malaysia cho biết, tồn trữ dầu cọ trong tháng 3/2020 tăng 1,67% so với tháng 2/2020, trong khi sản lượng tăng 8,4%.
Giá cao su tại Tokyo rời khỏi chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, chịu áp lực giảm bởi giá dầu giảm và lo ngại nền kinh tế suy yếu kéo dài bởi đại dịch virus corona, song giá cao su có tuần tăng đầu tiên trong 7 tuần. Cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn TOCOM giảm 1,5 JPY xuống 153 JPY (1,41 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 6%; cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 30 CNY lên 10.140 CNY/tấn.
Đối với mặt hàng trái cây, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Bộ Thương mại Thái Lan đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan để điều chỉnh kế hoạch quản lý hoạt động sản xuất, phân phối, kinh doanh trái cây của Thái Lan với sự tập trung vào thị trường nội địa nhằm bù đắp hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Kế hoạch này bao gồm quản lý sản xuất, các kênh phân phối, kết nối kinh doanh giữa những nhà buôn, nhà nhập khẩu và công ty Thái Lan, hỗ trợ tài chính, và các tiêu chuẩn an toàn. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ nới lỏng các quy định hạn chế di chuyển đối với người lao động ở mức độ nhất định, nhất là đối với lao động làm việc tại nông trại và người thu hoạch trái cây, đồng thời sẽ áp dụng Luật giá hàng hóa và dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh thương mại công bằng và thúc đẩy hợp đồng trồng trọt cũng như liên kết giữa nông dân, các công ty chế biến, các thương lái và siêu thị.
Trong mấy năm gần đây, xuất khẩu trái cây tăng mạnh sang Trung Quốc đã mang lại thu nhập lớn cho Thái Lan. Năm 2018, xuát khẩu trái cây của nước này sang Trung Quốc tăng 50% đạt 700.000 tấn, tiếp tục tăng 123% trong nửa đầu năm 2019.
Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá 3/4

Giá 10/4

Dầu thô WTI

USD/thùng

28,34

22,76

Dầu Brent

USD/thùng

34,11

31,48

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

25.950,00

25.020,00

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,62

1,73

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

69,16

67,73

Dầu đốt

US cent/gallon

107,06

97,26

Dầu khí

USD/tấn

297,00

302,50

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

36.200,00

37.050,00

Vàng New York

USD/ounce

1.645,70

1.752,80

Vàng TOCOM

JPY/g

5.640,00

5.860,00

Bạc New York

USD/ounce

14,49

16,05

Bạc TOCOM

JPY/g

50,50

54,00

Bạch kim

USD/ounce

725,13

750,29

Palađi

USD/ounce

2.164,10

2.177,56

Đồng New York

US cent/lb

219,25

225,95

Đồng LME

USD/tấn

4.839,50

5.019,50

Nhôm LME

USD/tấn

1.481,50

1.479,50

Kẽm LME

USD/tấn

1.882,00

1.901,00

Thiếc LME

USD/tấn

14.123,00

14.958,00

Ngô

US cent/bushel

330,75

336,75

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

549,25

557,50

Lúa mạch

US cent/bushel

272,75

274,25

Gạo thô

USD/cwt

14,55

14,52

Đậu tương

US cent/bushel

854,25

871,00

Khô đậu tương

USD/tấn

303,20

297,80

Dầu đậu tương

US cent/lb

26,43

27,76

Hạt cải WCE

CAD/tấn

469,90

468,90

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.260,00

2.311,00

Cà phê Mỹ

US cent/lb

114,90

119,75

Đường thô

US cent/lb

10,31

10,49

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

112,50

110,95

Bông

US cent/lb

50,98

54,40

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

264,00

322,10

Cao su TOCOM

JPY/kg

145,80

151,30

Ethanol CME

USD/gallon

0,86

0,97

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg