Trên thị trường năng lượng, giá dầu phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần

Giá dầu lên cao nhất 3 tuần sau khi Arab Saudi tuyên bố sẽ hợp tác với các nước sản xuất khác để ổn định giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) kỳ hạn giao tháng 9/2016 trên sàn New York tăng 1 USD, tương ứng 2,3%, lên 44,49 USD/thùng, cao nhất kể từ 21/7. Tính chung cả tuần giá dầu WTI tăng 6,4%. Giá dầu Brent giao tháng 9/2016 trên sàn London tăng 93 cent, tương đương 2%, lên 46,97 USD/thùng, cao nhất kể từ 20/7. Cả tuần giá dầu Brent tăng 6,1%.
Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih hôm 11/8 cho biết, nước này “sẽ hành động để hỗ trợ” thị trường dầu thô cùng với các nước thành viên OPEC và các nước ngoại khối. Bình luận của ông al-Falih được hiểu là Arab Saudi, nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, có thể ủng hộ việc đóng băng sản lượng.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và giới phân tích nghi ngờ rằng Arab Saudi sẽ hành động để hạn chế sản lượng khi nước này đã bơm dầu lên mức kỷ lục trong tháng 7 vừa qua.
Nhưng số giàn khoan của Mỹ tăng mạnh đã khiến nhà đầu tư lo ngại rằng đà tăng của giá dầu có thể là lợi bất cập hại khi khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng, khiến thị trường tiếp tục thừa cung.
Tuần này, OPEC thông báo rằng 14 nước thành viên của khối sẽ nhóm họp bên lề Hội thảo năng lượng vào tháng tới tại Algeria để bàn về việc đóng băng sản lượng. Phiên họp với nội dung tương tự hồi tháng 4 vừa qua đã không thành công.
Trong một tín hiệu tích cực khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 11/8 cho biết, lượng dầu lưu kho toàn cầu có thể giảm trong nửa cuối năm nay khi nguồn cung thấp hơn nhu cầu.
Tuy nhiên, theo số liệu của Baker Hughes, số giàn khoan của Mỹ trong tuần kết thúc vào 12/8 tăng 15 giàn lên 396 giàn, ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp, đợt tăng dài nhất trong hơn 2 năm qua. Các nhà sản xuất đã đưa thêm giàn khoan vào hoạt động sau khi giá dầu tăng trong những tháng gần đây. Các nhà phân tích cho rằng, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng sẽ khiến tình trạng thừa cung tiếp tục dai dẳng, gây áp lực lên giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã nâng dự báo sản lượng của Mỹ trong năm nay và năm tới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần sau 3 phiên đầu tuần tăng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường London (Anh) giảm 0,3%, xuống 1.334,36 USD/ounce. Tính chung cả tuần, hợp đồng kỳ hạn này tăng nhẹ 0,04%. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 tại thị trường Mỹ cũng mất 0,5%, xuống 1.343,20 USD/ounce, sau khi chạm mức “đỉnh” của ngày là 1.362,50 USD/ounce. Tính chung cả tuần, hợp đồng kỳ hạn này mất 0,09%, ghi dấu tuần giảm giá thứ tư trong vòng năm tuần qua.
Giữa lúc tâm lý lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu chưa lắng dịu, giới đầu tư vẫn đổ tiền vào “thiên đường an toàn” là vàng. Đó chính là lý do giúp thị trường kim loại quý này đi lên trong cả ba phiên giao dịch đầu tuần (8-10/8 vừa qua).
Ngoài ra, thông tin cho hay năng suất lao động của Mỹ giảm quý thứ ba liên tiếp trong quý 2 vừa qua đã làm dấy lên những quan ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dè dặt hơn trước quyết định nâng lãi suất trong năm nay và đẩy đồng USD hạ giá so với rổ tiền tệ, qua đó tạo thêm lợi thế cho vàng.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 11/8, giá vàng đảo chiều đi xuống khi đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc với các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều chạm mức cao kỷ lục trong ngày. Dù vậy, triển vọng chưa chắc chắn về chính sách tiền tệ của Mỹ đã phần nào hạn chế đà giảm của kim loại quý này.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (12/8), vàng tiếp tục lùi sâu vào cuối phiên dù cho đã đi lên trong hầu hết thời gian cả phiên, do các nhà đầu tư đua nhau bán ra chốt lời sau khi giá mặt hàng này “vọt” hơn 1% nhờ báo cáo đáng thất vọng về doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng Bảy vừa qua.
Trước đó, sau khi Bộ thương mại Mỹ công bố báo cáo cùng ngày cho hay doanh số bán lẻ của nước này không biến động đáng kể trong tháng Bảy vừa qua, trái ngược với dự báo tăng 0,4% của giới phân tích và đà tăng 0,8% của tháng Sáu vừa qua, giúp giá vàng giao ngay bật tăng mạnh 1,4%, chạm mức 1.355,80 USD/ounce.
Báo cáo trên chứng tỏ hoạt động tiêu dùng của người dân Mỹ đang có xu hướng chậm lại sau khi tăng mạnh 4,2% trong quý 2 năm nay. Điều này lại giúp vàng hưởng lợi, bởi “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ là điều kiện tiên quyết để Fed đưa ra các chính sách lãi suất của mình.
Thêm vào đó, các tín hiệu ảm đạm từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng góp phần nâng đỡ giá vàng vào lúc mở đầu phiên giao dịch 12/8.
Doanh thu bán lẻ trong tháng Bảy giảm mạnh, sản lượng công nghiệp trong cùng kỳ tăng yếu hơn dự kiến, còn các khoản cho vay mới của các ngân hàng cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, là những thông tin khiến triển vọng kinh tế Trung Quốc trở nên u ám hơn, qua đó đẩy các nhà đầu tư tìm tới vàng.
Mặc cho đà sụt giảm của vàng trong ngày cuối tuần, một vài nhà phân tích vẫn giữ tâm lý lạc quan đối với triển vọng của kim loại quý trong vài tuần tới. Hiện thị trường đang chờ đợi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng Bảy, dự kiến vào ngày 17/8 tới.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,15% xuống 19,70 USD/ounce trong phiên cuối tuần, giá bạch kim giảm 1,7% xuống 1.117,96 USD/ounce và giá palladium giảm 0,8% xuống 681,22 USD/ounce.
Trên thị trường nông sản, giá ngô xuống thấp nhất 7 năm sau khi USDA công bố báo cáo tháng 8 theo đó dự báo sản lượng sẽ cao hơn so với các con số dự đoán trước đây. Ngô kỳ hạn giao tháng 8 trên sàn Chicago có lúc xuống 3,12 USD/bushel, thấp nhất kể từ tháng 9/2009. Đậu tương cũng giảm giá bởi dự báo sản lượng của Mỹ niên vụ này sẽ cao kỷ lục.
Giá cà phê đồng loạt giảm. Robusta tại London giảm 5-6 USD/tấn trong phiên cuối tuần, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong tuần. Trong khi đó arabica tại New York cũng giảm 0,8-0,85 cent/lb.
Nhà phân tích Brazil Safras & Mercado - từng dự báo sản lượng cà phê của Brazil đạt 54,9 triệu bao - cho biết, đến nay, 81% diện tích cà phê của nước này đã được thu hoạch và nhiều khả năng vụ thu hoạch mới sẽ kết thúc vào cuối tháng này.
Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu Hàng hóa Brazil CECAFE, xuất khẩu cà phê của Brazil trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 16,05 triệu bao, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã hạ dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2015-2016, giảm 1,45 triệu bao xuống 143,3 triệu bao, một phần do sản lượng của Brazil giảm 200.000 bao và sản lượng cà phê của Mexico giảm 1,1 triệu bao xuống 2,8 triệu bao.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá 6/8

Giá 13/8

Giá 13/8 so với 12/8

Giá 13/8 so với 12/8 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

41,80

44,49

+1,00

+2,30%

Dầu Brent

USD/thùng

44,27

46,97

+0,93

+2,02%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

27.100,00

28.430,00

-90,00

-0,32%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,77

2,60

+0,01

+0,35%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

137,50

137,09

+0,92

+0,68%

Dầu đốt

US cent/gallon

131,70

140,86

+2,37

+1,71%

Dầu khí

USD/tấn

378,25

409,50

+6,50

+1,61%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

39.100,00

40.870,00

-110,00

-0,27%

Vàng New York

USD/ounce

1.344,40

1.343,20

-6,80

-0,50%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.368,00

4.335,00

-48,00

-1,10%

Bạc New York

USD/ounce

19,73

19,72

+0,02

+0,09%

Bạc TOCOM

JPY/g

64,40

64,00

-1,30

-1,99%

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

1.145,85

1.123,25

-16,55

-1,45%

Palladium giao ngay

USD/t oz.

696,23

687,00

-2,10

-0,30%

Đồng New York

US cent/lb

215,40

215,15

-4,85

-2,20%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

4.789,00

4.761,00

-87,00

-1,79%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

1.645,00

1.655,00

+2,00

+0,12%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.266,00

2.238,50

-37,50

-1,65%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

18.350,00

18.195,00

-145,00

-0,79%

Ngô

US cent/bushel

334,25

333,00

+1,25

+0,38%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

416,00

440,00

+3,00

+0,69%

Lúa mạch

US cent/bushel

184,25

181,25

-0,75

-0,41%

Gạo thô

USD/cwt

9,31

9,66

+0,34

+3,65%

Đậu tương

US cent/bushel

974,50

981,75

-2,25

-0,23%

Khô đậu tương

USD/tấn

331,40

327,80

-2,10

-0,64%

Dầu đậu tương

US cent/lb

31,01

32,45

+0,24

+0,75%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

449,80

461,40

-0,90

-0,19%

Cacao Mỹ

USD/tấn

3.021,00

2.981,00

-12,00

-0,40%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

142,50

140,35

-0,80

-0,57%

Đường thô

US cent/lb

20,35

19,71

+0,11

+0,56%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

183,40

180,95

-2,60

-1,42%

Bông

US cent/lb

76,74

70,65

-1,21

-1,68%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

322,60

324,10

+1,50

+0,46%

Cao su TOCOM

JPY/kg

153,60

157,60

-0,60

-0,38%

Ethanol CME

USD/gallon

1,41

1,41

-0,01

-0,49%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

 

Nguồn: Vinanet