Năng lượng: Giá dầu thô giảm vì lo ngại kinh tế thế giới tăng chậm lại
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô giảm bởi USD mạnh lên và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Chốt phiên, dầu WTI giao tháng 1/2019 trên sàn London hạ 1,38 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, còn 51,2 USD/thùng; tính cả tuần, giá dầu WTI mất 2,7%. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent tụt 1,17 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 60,28 USD/thùng; cả tuần giá giảm 2,3%.
Các số liệu kinh tế u ám của Trung Quốc khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm và làm dấy lên những lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 11 của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ năm 2003, trong khi sản lượng công nghiệp của nước này tăng thấp nhất gần 3 năm. Lượng tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc trong tháng 11 giảm so với tháng 10, cho thấy nhu cầu dầu đang giảm, mặc dù hoạt động lọc dầu tăng 2,9% so với mức năm trước. Những dữ liệu này cho thấy rủi ro mà kinh tế Trung Quốc phải đương đầu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng 0,6%, khiến giá dầu càng có thêm lý do để giảm. Đồng bạc xanh được giới đầu tư mua mạnh để phòng ngừa rủi ro về tăng trưởng và địa chính trị.
"Giá dầu vẫn còn rất nhạy cảm với sự bán tháo trên thị trường chứng khoán, nhất là khi sự bán tháo đó kết hợp với đồng USD mạnh lên như trong phiên giao dịch ngày hôm nay", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, nhận định trong một báo cáo.
Lo ngại về sự dư thừa nguồn cung dầu ngày càng lớn, OPEC và đối tác gồm Nga mới đây đã nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Trong bản báo cáo hàng tháng về triển vọng thị trường dầu lửa toàn cầu công bố hôm thứ Năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng dầu của OPEC tăng 100.000 thùng/ngày và đạt mức 33,03 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Trong đó, sản lượng dầu của Saudi Arabia đạt kỷ lục 11,06 triệu thùng/ ngày, tăng 410.000 thùng/ngày so với tháng 10.
"Cho tới khi việc OPEC giảm sản lượng bắt đầu phát huy tác dụng, thì trong ngắn hạn, thị trường dầu vẫn dư cung", ông Tony Nunan, nhà quản lý rủi ro dầu lửa thuộc Mitsubishi Corp., nhận định. "Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, thì đó chắc chắn là một mối lo ngại".
Báo cáo của IEA dự báo đến quý 2 năm sau thì thị trường dầu thế giới sẽ chuyển sang trạng thái thiếu cung nếu OPEC và đối tác thực thi chặt chẽ thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Theo thỏa thuận này, OPEC sẽ giảm sản lượng dầu về mức 10,2 triệu thùng/ngày trong tháng 1.
IEA giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2019 ở mức 1,4 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với lần dự báo trước. IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới tăng trưởng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu thế giới sẽ hồi phục trong nửa đầu năm 2019 nhờ tồn kho dầu giảm xuống, việc Saudi Arabia giảm xuất khẩu dầu, và biện pháp miễn trừ của Mỹ trong vấn đề trừng phạt Iran hết hạn.
Theo chuyên gia năng lượng James William thuộc WTRG Economics, việc Saudi Arabia có kế hoạch giảm bán dầu cho Mỹ "cho thấy Saudi Araiba thực sự nghiêm túc trong việc tái cân bằng thị trường dầu".
Trái với dầu thô, giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á vừa trải qua một tuần tăng giá sau khi sụt giảm kéo dài 3 tuần, với sự khởi đầu mùa đông dự kiến thúc đẩy nhu cầu khí tự nhiên để sưởi ấm.
Nhưng giá tăng bị hạn chế trong bối cảnh các dự báo thời tiết ấm hơn bình thường trong tuần tới tại Tokyo, Bắc Kinh và Seoul, trung tâm nhu cầu hàng đầu về khí tự nhiên tại châu Á và có thêm các nguồn cung từ Mỹ, Nga.
Giá giao ngay tháng 1/2019 kết thúc phiên tăng 10 cent lên 8,9 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu).
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới tăng cường cả sản lượng khí đốt trong nước và nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi chính phủ chuyển nhiều hộ gia đình đang sưởi ấm bằng khí đốt trong mùa đông.
Kim loại quý: Giá vàng có tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng
Tuần qua, biến động của đồng USD của chính sách lãi suất tại Mỹ vẫn là những nhân tố chính chi phối thị trường vàng thế giới. Tính chung cả tuần, giá kim loại quý này ước giảm 0,8%, tuần giảm mạnh nhất trong hơn một tháng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (10/12/2018), giá vàng đi xuống, trước sự mạnh lên của đồng USD so với đồng bảng Anh, giữa những hoài nghi của thị trường về thỏa thuận Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/12 xác nhận sẽ hoãn cuộc bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận Brexit của bà tại Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 11/12.
Sau thông báo này, đồng bảng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi so với đồng USD. Chiến lược gia Bob Haberkorn, thuộc RJO Futures, nhận định sự mạnh lên của đồng bạc xanh đang gây sức ép đối với giá vàng.
Tới phiên 11/12/2018, giá vàng áp sát mức “đỉnh” trong 5 tháng giữa bối cảnh đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành ít lần tăng lãi suất hơn trong năm tới hỗ trợ tài sản không sinh lời như vàng. Bart Melek – phụ trách mảng chiến lược hàng hóa tại TD Securities – cho biết Fed đang bắt đầu đánh đi tín hiệu cho thấy họ có thể rất gần trạng thái trung lập, nghĩa là tiến hành tăng lãi suất không nhiều lần nữa.
Giá vàng vẫn giữ được đà trong phiên 12/12/2018 giữa bối cảnh đồng USD yếu đi và khả năng Fed tăng nhiều lần lãi suất trong năm tới đang giảm đi. Số liệu từ Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của nước này không thay đổi trong tháng 11/2018, củng cố quan điểm lạm phát vẫn mạnh song không đủ để khiến Fed tiến hành những bước đi về chính sách mạnh bạo hơn.
Tuy nhiên, đến phiên 13/12/2018, giá vàng xuống mức thấp nhất trong gần một tuần khi đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác và các nhà đầu tư kiếm lời từ thị trường chứng khoán toàn cầu. Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần (14/12), do sự tăng giá của đồng bạc xanh theo sau số liệu khả quan về kinh tế Mỹ.
Phiên này, giá vàng giao ngay có lúc rơi xuống 1.232,39 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 4/12. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,5% xuống 1.241,40 USD/ounce. Phiên này, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 19 tháng, sau số liệu khả quan về chi tiêu tiêu dùng và sản xuất công nghiệp của Mỹ.
Hiện nay, thị trường hiện hướng sự tập trung vào cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) thuộc Fed, dự kiến diễn ra vào hai ngày 18-19/12, nhằm tìm kiếm manh mối về lộ trình tăng lãi suất trong năm 2019 của Mỹ. Dự kiến, cơ quan này vẫn sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp sẽ diễn ra từ ngày 18-19/12 tới, song thị trường đang hướng sự chú ý vào số đợt tăng lãi suất trong năm 2019.
Trong những tuần qua, một số người phát ngôn từ Fed, gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đã đánh đi tín hiệu để thị trường biết rằng họ sẽ căn cứ vào dữ liệu kinh tế khi đưa ra quyết định tiếp theo về chính sách tiền tệ. Thị trường dự đoán nhiều khả năng lãi suất thấp hơn trong năm 2019 và 2020. Triển vọng Fed giảm tốc tiến trình nâng lãi suất được coi là nhân tố có lợi cho vàng.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng giảm, thép tăng
Giá đồng thiết lập tuần giảm thứ 3 liên tiếp sau khi số liệu công nghiệp của Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên giảm 0,4% xuống 6.131,5 USD/tấn. Đồng đã giảm 16% trong năm nay bởi những lo sợ rằng nền kinh tế Trung Quốc đang nguội lạnh đi và xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể sớm đẩy nhanh tăng trưởng chậm lại.
Sản lượng công nghiệp tháng 11/2018 của Trung Quốc tăng thấp nhất trong gần 3 năm. Trong khi số liệu khu vực eurozone chỉ ra tăng trưởng tại Châu Âu đang chậm lại.
Nhà phân tích Daniel Briesemann thuộc ngân hàng Commerzbank cho biết số liệu không khả quan của Trung Quốc và một đồng USD mạnh hơn đang gây ra sức ép lên các kim loại. Nhưng ông cũng cho biết bấp chấp tăng trưởng của Trung Quốc yếu hơn, các yếu tố cơ bản vẫn biện minh cho việc giá đồng biến động trong phạm vi 6.500 tới 7.000 USD/tấn.
Dự trữ đồng trong kho LME tăng 1.250 tấn lên 121.255 tấn nhưng vẫn gần mức thấp nhất trong 10 năm, dấu hiệu của nguồn cung hạn hẹp.
Giá thép Thượng Hải tăng ngày thứ 3 liên tiếp, sau khi các thành phố sản xuất thép lớn của Trung Quốc là Đường Sơn và Từ Châu yêu cầu các nhà máy thép hạn chế sản xuất trong bối cảnh lo ngại mục tiêu giảm ô nhiễm trong năm nay sẽ không đạt được.
Chính quyền thành phố Đường Sơn đã yêu cầu các nhà máy tuân thủ các biện pháp cắt giảm sản lượng theo cảnh báo khói bụi mức 1. Chỉ thị này có nghĩa là sản lượng sẽ bị cắt giảm 40% từ mức cắt giảm chỉ 30% của mức 2 hiện nay. Từ Châu thuộc tỉnh sản xuất thép lớn thứ 2 Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động trong suốt tháng 12/2018.
Hợp đồng thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kết thúc phiên tăng 1,7% lên 3.446 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,1% lên 3.444 CNY/tấn.
Số liệu của chính phủ cũng hỗ trợ giá khi cho thấy sản lượng thép thô tháng 11/2018 của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng do lợi nhuận giảm và các biện pháp hạn chế ô nhiễm khiến các nhà sản xuất phải giảm sản lượng.
Nông sản: Giá cà phê giảm
Phiên cuối tuần, giá cà phê robusta giao tháng 3/2019 giảm 34 USD tương đương 2,3% xuống 1.470 USD/tấn, trong phiên có lúc giá xuống mức thấp nhất kể từ 4/9/2018 – 1.468 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá giảm 5,4%. Arabica cũng giảm 1,85 US cent tương đương 1,8% xuống 1,0225 USD/lb sau khi có lúc chỉ 1,0175 USD, thấp nhất trong vòng 2 tháng rưỡi. Tính chung cả tuần, giá giảm 1,6%.
Cũng phiên cuối tuần, đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,1 US cent hay 0,8% xuống 12,65 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2019 chốt phiên giảm 2,2 USD hay 0,6% xuống 343 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường này hiện nay thiếu một xu hướng chung rõ ràng khi giá tăng mạnh trong ngày 13/12 sau khi giảm xuống 12,43 US cent/lb, mức thấp nhất 2 tuần. Họ cũng cho biết tác động tổng thể của hiện tượng thời tiết El Nino có thể không nhiều.
Thời tiết khô hơn khắp khu vực nam Phi, Đông Nam Châu Á và Nam Á thường liên quan tới hiện tượng El Nino. Đây là một yếu tố rủi ro cho sản xuất đường ở những khu vực này. Mặc dù thời tiết El Nino thường mang ẩm ướt hơn bình thường tại khu vực trung nam Brazil, nhưng sẽ có lợi cho vụ mía 2019/2020 của Brazil.
Một cơ quan dự báo thời tiết của Mỹ cho biết có tới 90% khả năng thời tiết El Nino xuất hiện tại bắc bán cầu trong mùa đông 2018 -19.
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đóng cửa phiên giảm, sau khi đạt mức cao nhất gần 8 tuần do các nhà đầu tư điều chỉnh lại các hợp đồng trước khi kết thúc tuần và trong bối cảnh lo lắng về kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.
Báo cáo ngày 14/12 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp chậm nhất trong nhiều năm, nhấn mạnh đến những nguy cơ trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 5/2019 kết thúc phiên giảm 0,3 JPY xuống 168,6 JPY/kg, sau khi tăng lên 170,0 JPY, cao nhất kể từ ngày 22/10. Tính chung cả tuần, hợp đồng cao su TOCOM đã tăng 2,6%, đánh dấu tuần thứ 3 tăng giá liên tiếp.
Đại diện của các nhà sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan, Malaysia và Indonesia (gồm Hội đồng cao su 3 bên quốc tế ITRC) đã nhóm họp trong ngày 12 – 13/12 để bàn về giá cao su thấp. Các bên sẽ họp một lần nữa trước khi kết thúc năm để đưa ra các biện pháp cải thiện thị trường được thực hiện vào đầu năm 2019.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá 8/12

Giá 15/12

Giá 15/12 so với 14/12

Giá 15/12 so với 14/12 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

52,61

51,20

-1,38

-2,62%

Dầu Brent

USD/thùng

61,67

60,28

-1,17

-1,90%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

41.870,00

41.270,00

-560,00

-1,34%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

4,49

3,83

-0,30

-7,20%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

148,58

143,43

-4,39

-2,97%

Dầu đốt

US cent/gallon

188,62

184,53

-3,12

-1,66%

Dầu khí

USD/tấn

578,25

556,25

-1,25

-0,22%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

57.020,00

57.310,00

-490,00

-0,85%

Vàng New York

USD/ounce

1.252,60

1.241,40

-6,00

-0,48%

Vàng Tokyo

JPY/g

4.517,00

4.500,00

-14,00

-0,31%

Bạc New York

USD/ounce

14,70

14,64

-0,22

-1,47%

Bạc TOCOM

JPY/g

52,80

53,20

-0,30

-0,56%

Bạch kim

USD/ounce

793,30

787,00

-9,50

-1,19%

Palladium

USD/ounce

1.225,19

1.243,26

-20,01

-1,58%

Đồng New York

US cent/lb

793,30

276,25

-0,45

-0,16%

Đồng LME

USD/tấn

275,95

6.131,50

-23,50

-0,38%

Nhôm LME

USD/tấn

6.145,00

1.926,00

-6,00

-0,31%

Kẽm LME

USD/tấn

1.955,00

2.543,00

-23,00

-0,90%

Thiếc LME

USD/tấn

2.587,00

19.330,00

-70,00

-0,36%

Ngô

US cent/bushel

385,50

384,75

+0,50

+0,13%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

531,25

530,00

-6,00

-1,12%

Lúa mạch

US cent/bushel

288,00

287,50

-6,00

-2,04%

Gạo thô

USD/cwt

10,77

10,58

+0,13

+1,20%

Đậu tương

US cent/bushel

916,75

913,75

-6,75

-0,73%

Khô đậu tương

USD/tấn

311,20

311,60

-1,30

-0,42%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,74

28,76

-0,33

-1,13%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

485,50

485,20

-4,30

-0,88%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.225,00

2.237,00

-13,00

-0,58%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

104,10

102,25

-1,85

-1,78%

Đường thô

US cent/lb

12,87

12,65

-0,10

-0,78%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

143,10

139,15

+0,50

+0,36%

Bông

US cent/lb

80,23

79,60

+0,19

+0,24%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

331,90

321,60

-1,60

-0,50%

Cao su TOCOM

JPY/kg

163,20

169,80

+1,20

+0,71%

Ethanol CME

USD/gallon

1,24

1,26

+0,01

+0,64%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn: Vinanet