Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp
Thị trường dầu mỏ thế giới vừa qua tuần tăng giá thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh tình hình bất ổn tại Trung Đông và triển vọng các nước sản xuất "vàng đen" gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Phiên giao dịch đầu tuần (10/4), giá dầu thế giới đi lên, nhờ tình trạng bất ổn chính trị ở Syria - một trong những nhân tố kéo lợi tức trái phiếu Mỹ cũng như giá trị của đồng USD đi xuống. Ngoài ra, thông tin mỏ dầu thô lớn nhất Libya tạm ngừng hoạt động cũng là nhân tố tác động tích cực đến giá dầu.
Sang phiên giao dịch ngày 11/4, giá dầu thế giới tiếp tục tăng, sau khi Saudi Arabia bày tỏ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Các phương tiện truyền thông cho biết, Saudi Arabia đã đề nghị Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm sáu tháng nữa bởi thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng Sáu tới. Các thành viên OPEC cũng cho biết họ sẽ xem xét khả năng gia hạn thỏa thuận này.
Mặc dù đi xuống trong phiên giao dịch ngày 12/4, do hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư, giá dầu đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 13/4, khi sự yếu đi của đồng USD đã khuyến khích các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào "vàng đen". Phiên 14/4, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Ngày 13/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nguồn cung dầu mỏ và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này đang dần cân bằng, sau các đợt giảm lượng hàng tồn kho của các nước phát triển trong tháng Ba. Theo IEA, dự trữ dầu thô của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm 17,2 triệu thùng trong tháng Ba.
Hiện thị trường dầu mỏ đang tập trung vào mùa du lịch Hè 2017 tại Mỹ, với hy vọng nhu cầu đi lại gia tăng cùng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày trong sáu tháng đầu năm 2017 của các nước trong và ngoài OPEC sẽ góp phần đẩy giá dầu lên.
Trong khi đó, số lượng giàn khoan dầu mỏ ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hai năm qua đang đe dọa sự tái cân bằng của thị trường năng lượng. Theo số liệu mới nhất của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan ở Mỹ đã tăng thêm 11 giàn tính đến tuần ngày 13/4, nâng tổng số giàn khoan ở nước này lên mức 683. Số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ đã tăng liên tục trong 13 tuần qua.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của các nền kinh tế hàng đầu châu Á đang có xu hướng giảm sút sau nhiều năm bùng nổ. Với mức tiêu thụ hơn 1/3 tổng sản lượng dầu thô trên toàn cầu, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất và nhanh nhất thế giới về tiêu thụ dầu mỏ.
Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã tăng khoảng 5,5% trong tháng 4/2017, lên 55,75 USD/thùng, giữa bối cảnh nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường hàng hóa trong thời gian tới, cũng như bất ổn tại khu vực giàu dầu mỏ Trung Đông sau khi Mỹ tiến hàng không kích một căn cứ không quân của Syria hồi tuần trước.
Tuy nhiên, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới- vẫn hạ giá dầu giao tháng 5/2017 cho các khách hàng châu Á với mức giảm là 30 xu Mỹ mỗi thùng do nguồn cung dầu vẫn quá dư thừa.
Chính "cơn khát" nhiên liệu tưởng như không bao giờ có thể thỏa mãn này của châu Á đã trở thành nhân tố chính hỗ trợ giá dầu thế giới trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, xu hướng này không thể duy trì khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của châu lục lớn nhất thế giới đang dần suy yếu. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất ba năm, trong khi tiêu thụ dầu mỏ của Nhật Bản cũng sụt giảm đáng kể. Nhu cầu của khu vực này giảm chắc chắn cản trở những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm hạn chế tình trạng dôi dư nguồn cung trên toàn cầu và đẩy giá dầu đi lên.
Xuất khẩu xăng của Trung Quốc trong tháng Hai vừa qua tăng lên mức cao thứ hai tính theo tháng khi các nhà máy lọc dầu của nước này chuyển hướng sang các thị trường châu Á nhằm tháo gỡ tình trạng dư cung trong nước. Dù vậy, nhập khẩu dầu mỏ của nền kinh tế lớn nhất châu Á này trong tháng 3/2017 vẫn đạt mức cao kỷ lục là 38,95 triệu tấn, tương đương 9,17 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 8,286 triệu thùng/ngày trong tháng Hai và vượt xa mức nhập khẩu 8,57 triệu thùng/ngày của tháng 12/2016. Ngay cả tại Ấn Độ, quốc gia thường được xem là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu chỉ xếp sau Trung Quốc cũng chứng kiến mức sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu 0,6% trong tháng Ba. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do quyết định rút các đồng tiền mệnh giá 500 rupee và 1.000 rupee khỏi hệ thống tài chính của chính phủ nước này hồi cuối năm ngoái, gây ra tình trạng thiếu hụt tiền mặt trầm trọng và khiến nền kinh tế đình trệ.
Dù vậy, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của quốc gia Nam Á này được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng trong năm nay, song không đủ để bù đắp cho những tác động mà quyết sách đổi tiền của Chính phủ.
Kim loại quý: Giá vàng tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị
Tuần qua, thị trường vàng thế giới chứng kiến các phiên tăng giá liên tiếp, trước mối quan ngại về tình hình căng thẳng chính trị ở CHDCND Triều Tiên và Trung Đông.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (10/4), giá vàng được đà đi lên, theo sau các diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên và Syria.
Ngay phiên sau đó (11/4), giá vàng thế giới chạm mức cao mới trong vòng năm tháng qua, giữa bối cảnh những lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị liên quan tới Triều Tiên, khu vực Trung Đông và cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp khiến giới đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn. Tại thị trường New York, giá vàng giao ngay đã có lúc vọt lên 1.275,16 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 10/11.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết cơ quan này có kế hoạch tăng lãi suất từ từ để duy trì sức tăng trưởng và tránh tình trạng phát triển nóng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sang phiên giao dịch ngày 12/4, giá vàng thế giới vẫn vững vẫn do tác động của nhân tố căng thẳng địa chính trị Giám đốc điều hành RBC Wealth Management, George Gero, nhận định giá vàng trong phiên này đã vượt qua mốc 1.275 USD/ounce, nhờ sự cẩn trọng của Fed đối với chính sách nâng lãi suất và những diễn biến mới trên bản đồ địa chính trị thế giới.
Khép lại phiên giao dịch 13/4, giá vàng thế giới nối dài chuỗi ngày đi lên. Tính từ đầu tuần tới phiên 13/4 vàng đã tăng khoảng 2,6% giá trị. Trong phiên 14/4, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Theo Goldman Sachs, mặc dù giá vàng sẽ được hưởng lợi nhờ sự leo thang căng thẳng địa chính trị, song các số liệu tích cực về kinh tế Mỹ sẽ gây sức ép giảm giá lên vàng trong ba tháng tới. Cơ quan này dự báo giá vàng trong 3, 6,12 tháng tới sẽ ở trong các biên độ tương ứng là 1.200 USD/ounce,1.200 USD/ounce, 1.250 USD/ounce.
Nông sản: Giá ngô tăng, giá lúa mỳ giảm tuần qua
Tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT, Mỹ), giá các loại ngũ cốc giao kỳ hạn biến động trái chiều vào lúc đóng cửa phiên ngày 13/4 trước kỳ nghỉ lễ cuối tuần kéo dài, với giá đậu tương tăng lên mức cao nhất trong gần hai tuần qua. Trong khi đó, giới giao dịch chuyển sự chú ý sang triển vọng trồng trọt ở Mỹ.
Giá ngô giao tháng 5/2017 tăng 2 US cent (0,54%) lên 3,71 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giao tháng 5/2017 tăng 7,75 US cent (0,82%) lên 9,555 USD/bushel, giá lúa mỳ giao cùng kỳ giảm 3,5 US cent (0,81%) xuống 4,2975 USD/bushel.
Giá ngô kỳ hạn tăng lên khi các nhà đầu tư tăng cường tiến hành giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài, trong khi giá lúa mỳ giảm do dự báo thời tiết nhận định sẽ có mưa lớn tại vùng đồng bằng phía Nam nước Mỹ. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

7/4/17

13/4/17

Dầu thô WTI

USD/thùng

52,24

53,18

Dầu Brent

USD/thùng

55,24

55,89

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

37.530,00

37.770,00

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,26

3,23

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

174,62

173,49

Dầu đốt

US cent/gallon

162,84

164,95

Dầu khí

USD/tấn

489,25

498,00

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

49.140,00

49.250,00

Vàng New York

USD/ounce

1.257,30

1.288,50

Vàng TOCOM

JPY/g

4.471,00

4.503,00

Bạc New York

USD/ounce

18,15

18,51

Bạc TOCOM

JPY/g

64,80

64,80

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

954,60

973,15

Palladium giao ngay

USD/t oz.

803,30

796,58

Đồng New York

US cent/lb

264,70

257,05

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

5.834,00

5.692,00

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

1.962,00

1.909,00

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.690,00

2.625,00

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

20.240,00

19.605,00

Ngô

US cent/bushel

359,50

378,00

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

424,00

442,75

Lúa mạch

US cent/bushel

216,50

225,50

Gạo thô

USD/cwt

10,23

10,17

Đậu tương

US cent/bushel

942,00

966,25

Khô đậu tương

USD/tấn

307,40

321,80

Dầu đậu tương

US cent/lb

31,62

31,38

Hạt cải WCE

CAD/tấn

522.00

499,00

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.007,00

1.915,00

Cà phê Mỹ

US cent/lb

140,05

141,25

Đường thô

US cent/lb

16,77

16,57

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

167,40

160,75

Bông

US cent/lb

73,46

76,54

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

399,60

385,00

Cao su TOCOM

JPY/kg

238,00

217,60

Ethanol CME

USD/gallon

1,63

1,67

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg, Bnews

 

 

Nguồn: Vinanet