Năng lượng: Giá dầu tăng tuần thứ 2 liên tiếp
Lo ngại về dịch bệnh do virus corona gây ra (covid-19) lại dấy lên khi số ca nhiễm virus và tử vong bên ngoài Trung Quốc lục địa tăng nhanh khiến giá dầu giảm trong phiên cuối tuần, giữa bối cảnh OPEC và các đồng minh chưa quyết định về việc cắt giảm sản lượng thêm nữa.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 81 US cent (tương đương 1,4%) xuống 58,5 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm hơn 2%; dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm 50 US cent (tương đương 0,9%) xuống 53,38 USD/thùng.
Mặc dù vậy, cả hai loại dầu đều tăng tuần thứ 2 liên tiếp, trong đó Brent tăng 2% và dầu WTI tăng 2,6%, khi nỗi lo về ảnh hưởng của virus đối với nhu cầu dầu toàn cầu dịu dần trong những ngày đầu tuần qua và tồn trữ dầu thô của Mỹ ít hơn dự kiến.
Thị trường lại dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu trước tác động của dịch Covid-19. Theo ông Ole Hansen, trưởng phòng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, thị trường sắp phải đối mặt với cú sốc lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ dầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. "Cho tới khi người dân Trung Quốc quay trở lại làm việc, dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm chính". Hiện tại, dịch Covid-19 đã lan ra 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, với hơn 76.000 ca nhiễm và 2.250 ca tử vong.
Liên quan tới cung - cầu dầu, tại Mỹ, số giàn khoan đang hoạt động tăng 3 tuần liên tiếp tính đến tuần này, lên mức cao nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 20/12.
Kim loại quý: Giá vàng có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2019
Giá vàng thế giới khởi sắc trong ngày 21/2 và khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức tăng theo tuần lớn nhất trong 8 tháng, do số liệu kinh tế kém khả quan và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm.
Khép lại phiên giao dịch ngày 21/2, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.646,89 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 13/2/2013 là 1.648,75 USD/ounce; giá vàng giao tháng 4/2020 tăng gần 1,8% lên 1.648,80 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 3,9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 21/6 năm ngoái, theo số liệu của FactSet.
Sự khởi sắc mạnh mẽ của giá vàng diễn ra khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của Mỹ giảm 6,4 điểm cơ bản xuống 1,9066%, dưới cả mức thấp nhất từ trước đến này là 1,95%.
Bên cạnh đó, thị trường lo ngại các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Đức sẽ suy yếu trong 6 tháng đầu năm 2020 do dịch bệnh Covid-19. Các nhà đầu tư dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tăng cường kích thích kinh tế, và điều đó sẽ tiếp tục đẩy giá vàng đi lên.
Khảo sát mới đây của IHS Markit cho thấy hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Mỹ đã chững lại trong tháng Hai trước những lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế.
Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ do IHS Markit công bố đã giảm xuống 49,4 điểm trong tháng Hai, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013. Con số này cho thấy ngành dịch vụ, vốn chiếm gần 2/3 nền kinh tế Mỹ đang suy thoái lần đầu tiên để từ năm 2016.
Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo chỉ cách ranh giới suy thoái trong “gang tấc”, khi chỉ số PMI ở mức 50,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2019. Chỉ số sản lượng tổng hợp, đo lường cả lĩnh vực dịch vụ và chế tạo, cũng giảm từ 53,3 điểm trong tháng Một xuống 49,6 điểm, mức thấp nhất trong 76 tháng qua.
Tuy nhiên, biên bản cuộc họp chính sách ngày 28-29/1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố mới đây cho thấy các nhà hoạch định chính sách vẫn khá lạc quan khi dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải, song vẫn bày tỏ lo ngại về những nguy cơ kinh tế từ dịch COVID-19.
Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng giá vàng có thể lên đến 1.850 USD/ounce trong tương lai gần nếu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chưa thể bị ngăn chặn trong quý II/2020.
Về những kim loại quý khác, giá palađi phiên cuối tuần giảm 0,2% xuống 2.683,91 USD/ounce nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng hơn 10%; bạc tăng 1,2% đạt 18,57 USD/ounce trong khi bạch kim giảm 0,3% xuống 974,92 USD/ounce.
Tuy nhiên, lượng mua palađi đang có dấu hiệu chậm lại. Đồ thị phân tích kỹ thuật cho thấy giá xu hướng giá palađi tăng có thể sắp kết thúc, thể hiện ở việc các nhà đầu cơ giảm dần việc mua các hợp đồng kỳ hạn xa bởi lo ngại sắp có sự điều chỉnh xu hướng giá.
Kim loại công nghiệp: Giá quặng sắt tăng 9 phiên liên tiếp
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tiếp tục đi lên trong phiên cuối tuần, kéo dài chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 6/2016, do lo ngại nguồn cung sẽ bị thắt chặt.
Kết thúc phiên giao dịch, quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 2,8% lên 675,5 CNY (96,04 USD)/tấn – mức cao nhất trong vòng 4 tuần. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 8,4%, nhiều nhất kể từ tháng 9/2019.
Giá quặng sắt tăng không phải do ảnh hưởng của dịch bệnh do virus corona ở Trung Quốc. Trên thực tế, xu hướng tăng bắt đầu từ ngày 11/2/2020, khi hãng Vale SA (Brazil) thông báo hạ 1/4 triển vọng về sản lượng quặng của hãng này sau khi mưa lớn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động khai thác. Lo ngại về nguồn cung càng tăng lên sau khi hãng khai mỏ Rio Tinto ngày 17/2 cũng hạ dự báo về lượng xuất khẩu của hãng trong năm 2020 (từ khu vực Pilbara của Australia) do bão nhiệt đới gây ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng khu vực Pilbara.
Những nhận định về việc xuất khẩu quặng sắt của Brazil và Australia sang Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2020 đã được đưa ra ngay từ đầu năm nay.
Cùng xu hướng chung với các hàng hóa khác, nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc tháng 1/2020 ước tính trung bình 3,2 triệu tấn/ngày, giảm so với 3,3 triệu tấn của tháng trước đó, theo số liệu của công ty Kpler (Pháp). Lượng nhập khẩu trung bình ngày trong nửa đầu tháng 2 giảm xuống 2,936 triệu tấn và vẫn đang tiếp tục giảm.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất thép ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn bất chấp nguồn cung quặng sắt bị thắt chặt và nhu cầu yếu khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa dài ngày.
Nông sản: Giá đường, cà phê và cao su tăng
Phiên cuối tuần, giá đường tăng do triển vọng nguồn cung bị thắt chặt vì mất mùa mía ở Thái Lan và Ấn Độ. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,19 US cent (1,2%) lên 15,59 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 3,7 USD (0,88%) lên 423,4 USD/tấn.
Theo chuyên gia Kim Dahan của hãng môi giới Sucden Financial, thời tiết khô hạn có thể khiến sản lượng mía Thái Lan năm nay chỉ đạt khoảng 80 triệu tấn, so với 131 triệu tấn của năm ngoái
Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2020 tăng 5,3 US cent trong phiên vừa qua (tương đương 5,05%) lên 1,1025 USD/lb; trong khi đó robusta giao cùng kỳ hạn tăng 17 USD (1,33%) lên 1.296 USD/tấn. Thị trường cà phê đang trong giai đoạn giá biến động mạnh, ví dụ arabica vừa giảm gần 4% trong phiên giao dịch trước.
Các thương gia cho biết nguồn cung gần hạn đang thắt chặt thúc đẩy nhu cầu mua đối với những kỳ hạn giao gần. Tuy nhiên, triển vọng sản lượng của Brazil năm nay nhìn chung vẫn khả quan mặc dù thời tiết ở một số khu vực không thuận lợi. Ủy ban Cà phê Brazil (CNC) dự báo thị trường sẽ tương đối khan hiếm hàng cho tới vụ thu hoạch mới (bắt đầu từ tháng 5).
Công ty tư vấn và môi giới INTL FCStone dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ đạt 65,1 triệu bao (1 bao =60 kg), so với 53 triệu bao của niên vụ trước.
Giá cao su trên sàn Tokyo tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 1 tháng do đồng yen yếu đi thúc đẩy hoạt động mua vào. Giá cao su ở Thượng Hải cao cũng góp phần hỗ trợ giá cao su Tokyo đi lên. Kết thúc phiên cuối tuần, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn TOCOM tăng 2,9 JPY lên 189,5 JPY (1,7 USD)/kg, mức cao nhất kể từ 24/1. Tính chung cả tuần, giá tăng 3,6%. Tại Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 5 cũng tăng 65 CNY lên 11.720 CNY (1.666 USD)/tấn.
Đồng yen giảm giá 2% so với USD trong 2 phiên vừa qua do lo ngại ảnh hưởng của virus corona đến Châu Á. Lượng cao su lưu khi trên sàn Thượng Hải tuần nay tăng 0,2% so với tuần trước.
Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá 14/2

Giá 21/2

Giá 21/2 so với 20/2

Giá 21/2 so với 20/2 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

52,05

53,38

-0,50

-0,93%

Dầu Brent

USD/thùng

57,32

58,50

-0,81

-1,37%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

38.280,00

39.100,00

-220,00

-0,56%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,84

1,91

-0,01

-0,78%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

158,33

165,06

-1,91

-1,14%

Dầu đốt

US cent/gallon

169,82

168,66

-1,10

-0,65%

Dầu khí

USD/tấn

514,50

508,50

-10,50

-2,02%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

55.210,00

55.730,00

-160,00

-0,29%

Vàng New York

USD/ounce

1.586,40

1.648,80

+28,30

+1,75%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.578,00

5.895,00

+37,00

+0,63%

Bạc New York

USD/ounce

17,73

18,61

+0,21

+1,14%

Bạc TOCOM

JPY/g

62,60

66,50

0,00

0,00%

Bạch kim

USD/ounce

965,68

975,39

-4,68

-0,48%

Palađi

USD/ounce

2.434,65

2.709,92

+11,13

+0,41%

Đồng New York

US cent/lb

259,95

261,60

+2,00

+0,77%

Đồng LME

USD/tấn

5.760,00

5.765,00

+37,00

+0,65%

Nhôm LME

USD/tấn

1.722,00

1.713,50

+2,50

+0,15%

Kẽm LME

USD/tấn

2.149,00

2.115,00

+3,00

+0,14%

Thiếc LME

USD/tấn

16.525,00

16.630,00

+55,00

+0,33%

Ngô

US cent/bushel

382,00

380,75

-2,00

-0,52%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

541,50

552,00

-7,25

-1,30%

Lúa mạch

US cent/bushel

296,00

298,00

-1,50

-0,50%

Gạo thô

USD/cwt

13,33

13,59

-0,06

-0,48%

Đậu tương

US cent/bushel

903,25

899,00

-2,00

-0,22%

Khô đậu tương

USD/tấn

296,60

294,80

-3,50

-1,17%

Dầu đậu tương

US cent/lb

30,94

31,01

+0,54

+1,77%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

468,70

467,40

-0,60

-0,13%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.886,00

2.843,00

-17,00

-0,59%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

111,35

110,25

+5,30

+5,05%

Đường thô

US cent/lb

14,55

15,12

+0,18

+1,20%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

99,15

100,85

+0,55

+0,55%

Bông

US cent/lb

68,41

69,00

-0,37

-0,53%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

449,30

473,90

+1,00

+0,21%

Cao su TOCOM

JPY/kg

183,70

188,20

-1,30

-0,69%

Ethanol CME

USD/gallon

1,36

1,34

-0,01

-0,96%

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg