Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu vào ngày 1/3 vừa qua, một loạt đối tác mậu dịch của Mỹ đã khẳng định sẽ "trả đũa" những mặt hàng tinh hoa của nước Mỹ như là rượu ngô Kentucky, quần bò Levi's và xe máy Harley-Davidson.
Tờ New York Times cảnh báo nguy cơ nổi lên một làn sóng phản đối Mỹ trong bối cảnh nhiều nước, trong đó có cả các đồng minh truyền thống của nước này, phản ứng trước kế hoạch trấn áp hoạt động nhập khẩu kim loại từ nước ngoài của ông Trump.
Canada, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố họ sẽ áp đặt những mức thuế quan có thể khiến các nhà xuất khẩu Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD. Những mức thuế này sẽ gây phương hại tới lợi ích của chính những người nông dân và doanh nghiệp mà chính quyền Trump đã cam kết sẽ bảo vệ, đồng thời thổi bùng một cuộc chiến thương mại có thể cản trở mục tiêu của Tổng thống Trump, đó là củng cố ngành công nghiệp của Mỹ.
Li Xinchuang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, cho rằng "quyết định của ông Trump không có lợi cho tất cả mọi người, trừ vài doanh nghiệp thép của Mỹ". Còn John M. Weekes, nhà thương thuyết Canada tham gia tiến trình thương lượng Hiệp định Thương mại Tự do ắc Mỹ (NAFTA) hồi đầu thập niên 1990, nói rằng "hình ảnh Tổng thống Mỹ đang trở nên xấu đi tại Canada".
Giới doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng gắn kết với nền kinh tế toàn cầu hơn bao giờ hết, và chính quyền Mỹ đang tìm kiếm những nhượng bộ từ các đối tác mậu dịch để các công ty Mỹ tăng được sức cạnh tranh. Các nhà thương thuyết của Canada, Mexico và Mỹ đã nhóm họp tại thủ đô Mexico City để thảo luận những sửa đổi đối với NAFTA, và Washington đang tìm cách điều chỉnh thỏa thuận mậu dịch với Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc áp đặt thuế nhập khẩu mới đang làm phức tạp cả hai nỗ lực này.
Ông Trump xem ra không "nao núng" trước làn sóng trả đũa và hôm 2/3 đã đăng tải một loạt thông điệp Twitter để bảo vệ đề xuất áp thuế quan đối với nhôm và thép nhập khẩu. Tuy nhiên, nước Mỹ không kiểm soát nền kinh tế toàn cầu, và những mức thuế quan mà ông Trump dự tính ký thông qua trong tuần này, có thể làm các nước khác kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu tổ chức này ra phán quyết chống lại Mỹ, điều này sẽ là phép thử xem ông Trump có chịu tuân thủ các quy định mậu dịch toàn cầu hay không.
Những mức thuế quan mới được dựa trên một điều khoản pháp lý rất ít được sử dụng, theo đó cho phép ông Trump hạn chế nhập khẩu để củng cố cơ sở công nghiệp của Mỹ vì lợi ích an ninh quốc gia. Lập luận này sẽ bị WTO "mổ xẻ" rất kỹ lưỡng, song có lẽ quan trọng hơn cả, là có thể khiến các nước khác theo gót Mỹ, cũng dùng an ninh quốc gia làm lý do để bảo hộ các thị trường của mình.
Rốt cuộc, các công ty công nghệ, các nhà sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác của Mỹ có thể đánh mất hoạt động kinh doanh ở nước ngoài do các nước dựng lên những rào cản tương tự.
Robert L. Shanks, Giám đốc tài chính của Ford Motor, cho biết các thị trường hàng hóa đã bắt đầu nâng giá đối với thép và nhôm. Theo ông, điều này sẽ gây tác động tiêu cực đối với Ford vì hãng ô tô này sử dụng những kim loại này để sản xuất ô tô.
EU đã lên chi tiết một kế hoạch ba bước để khiến hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ tổn thất 3,5 tỷ USD - tương đương với giá trị số nhôm và thép của châu Âu mà khối này ước tính bị thiệt hại do việc áp thuế quan mới của ông Trump. Khối này đề xuất đánh thuế hàng xuất khẩu của Mỹ, gồm rượu ngô, quần bò, gạo, nước cam và xe máy.
EU sau đó có thể hành động để bảo vệ những thị trường kim loại của mình trước làn sóng hàng nhập khẩu tăng vọt, và kiện Mỹ lên WTO. Một quan chức EU cho hay, khối này đang chuẩn bị đưa ra các thông báo trong vài tháng tới và đã tính đến mọi phương án để có thể trả đũa một cách nhanh chóng và thỏa đáng.
Theo các nhà phân tích thương mại, những biện pháp của EU sẽ gây sức ép lên những lĩnh vực nhạy cảm về chính trị. Xe máy Harley-Davidson được sản xuất ở quê hương của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul D. Ryan, Hạ nghị sĩ bang Wisconsin. Trong khi đó, những hạn chế đối với rượu ngô Kentucky có thể tăng thêm sức ép lên thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, Mitch McConnell, chính khách đến từ bang này. Thêm vào đó, sự trả đũa của EU có thể gây tác động nặng nề nhất tại nhiều cộng đồng nông thôn vốn là thành trì của ông Trump.
Darci Vetter, cựu quan chức phụ trách đàm phán cho Đại diện thương mại Mỹ, cho hay nông dân nằm trong số những nhà xuất khẩu lớn nhất nước Mỹ, và thường trở thành mục tiêu trong các cuộc tranh chấp thương mại. Bà cho biết, cộng đồng nông nghiệp Mỹ đang "lo lắng một cách chính đáng" trước viễn cảnh xấu này.
Bà Vetter lưu ý, Canada và Mexico là những thị trường nông nghiệp lớn nhất và lớn thứ ba của Mỹ trong năm 2016, và Hàn Quốc là thị trường chủ chốt đối với thịt bò, ngô, thịt lợn và trái cây tươi của Mỹ. Mỹ còn xuất khẩu bông sang Thổ Nhĩ Kỳ, và bột mì, bơ sữa sang Brazil, và một số nước cung cấp thép chủ chốt khác. Thượng nghị sĩ bang Texas, ông John Cornyn, hôm 2/3 bày tỏ quan ngại rằng các đối tác thương mại của Mỹ có thể phản ứng bằng cách áp thuế đối với nông sản, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp Mỹ.
Một số quốc gia khác chưa công bố cụ thể các biện pháp trả đũa, song đưa ra những lời đe dọa gay gắt không kém. Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland, nói rằng nước này sẵn sàng bảo vệ những lợi ích mậu dịch của mình trong khi Bộ trưởng Thương mại Canada, Steven Ciobo, nói các khoản thuế quan sẽ châm ngòi cho những biện pháp trả đũa gây phương hại tới tất cả mọi người.
Các công ty thép của Mỹ là "cử tri" thân cận của ông Trump, người đã giành được sự ủng hộ từ một số người lao động chân tay bằng cam kết hồi sinh ngành công nghiệp của Mỹ. Ngành thép đã mất hàng trăm nghìn việc làm trong hai thập niên qua, một phần do việc tự động hóa và một phần nữa là do cơn lũ thép Trung Quốc khiến giá thép toàn cầu xuống thấp đến mức một số nhà máy của Mỹ không thể cạnh tranh được.
Tuyên bố hôm 1/3 của ông Trump là dấu hiệu rõ ràng gửi tới nhiều nhà quan sát rằng những cố vấn ủng hộ thương mại tự do trong chính quyền Trump - những người đã tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ không áp đặt thuế nhập khẩu mới và rút khỏi các hiệp định thương mại - có lẽ không có nhiều ảnh hưởng hơn họ tưởng. Điều đó có thể thổi bùng hơn nữa những căng thẳng và làm mờ mịt hơn triển vọng Mỹ có thể đạt được những thỏa thuận song phương hay đa phương giúp mở rộng xuất khẩu của nước này.
Antonio Ortiz-Mena, cố vấn cấp cao của Tổ chức Albright Stonebridge, nhận định, nếu Mỹ sẵn sàng áp đặt thuế quan như vậy lên các đối tác mậu dịch thân thiết của mình, các nước khác sẽ bớt hứng thú đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông cảnh báo quyết định của Tổng thống Trump có thể kéo theo "nhiều hậu quả ngoài mong muốn và khôn lường".