Đối với các hàng hóa nguyên liệu trên thị trường quốc tế, giá nhìn chung vẫn chịu tác động tiêu cực, nhưng đã hồi phục phần nào nhờ số liệu cho thấy số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 ở Mỹ và các nước Châu Âu bắt đầu chậm lại.
Giá một số mặt hàng chủ chốt trên thị trường quốc tế
 Dầu mỏ
Giá dầu tuần qua tăng mạnh do các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới xem xét họp bàn cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên. Ngày 9/4/2020, OPEC+ và Nga sẽ họp trwcj tuyến để thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, OPEC+ tỏ ý sẽ chỉ hành động nếu có sự tham gia của Mỹ. Trong khi đó, hiện Mỹ chưa có dự định cắt giảm sản lượng. Tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu tiếp tục giảm do Covid-19.
Thủy sản
Giá thủy sản đồng loạt giảm trên toàn cầu do những thị trường tiêu thụ thủy sản chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Pháp…đều đứng đầu danh sách về số ca nhiễm Covid-19. Giá cá minh thái, cua tuyết, cá hồi Nauy… ở các thị trường Anh, Mỹ, Nhật Bản…đều giảm khoảng 15-20%. Trong số các loại thủy sản, giá tôm giảm nhiều nhất. Giá tôm tại Ecuador và Ấn Độ - hai nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới, đều giảm, trong đó ở Ecuador hiện thấp hơn 30-40% so với mức trung bình của năm 2019, còn tại Ấn Độ giá trung bình của tháng 3/2020 thấp hơn 14% so với tuần cuối tháng 2/2020.
Cà phê: Mặt hàng cà phê cũng chịu tác động bởi dịch Covid-19.
Giá robusta giảm liên tiếp trong suốt 3 tháng đầu năm do dịch bệnh khiến người dân được yêu cầu ở yên trong nhà và các nhà hàng phải đóng cửa. Ở mức giá 1.186 USD/tấn vào ngày 31/3/2020, robusta mất khoảng 12% trong quý I/2020. Trung Quốc là nước nhập khẩu robusta lớn thứ 3 thế giới, buộc hãng Starbucks phải đóng cửa hơn 2000 cửa hàng tại Trung Quốc hồi cuối tháng 1/2020. Việc nước này cách ly toàn quốc kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu thụ robusta.
Đối với arabica, dịch bệnh gây tâm lý hoang mang khiến giá arabica cũng giảm mạnh trong 5 tuần đầu tiên của năm 2020. Tính từ đầu năm 2020 đến ngày 4/2/2020, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tương lai trên sàn liên lục địa ICE giảm 25%, xuống 98,15 US cent. Tuy nhiên, sau Trung Quốc, dịch bệnh bùng phát ở các nơi khác, nhất là những thị trường tiêu thụ arabica chủ chốt như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… khiến các nhà chế biến cà phê vội vã mua tích trữ nguyên liệu, đẩy giá tăng lên. Arabica kết thúc quý I/2020 ở mức giá 1,1955 USD/lb, tăng 7% so với đầu quý. Một số hãn xuất khẩu cà phê Nam Mỹ cho biết đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ cả các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đức; và tất cả khách hàng đều yêu cầu được nhận hàng ngay.
Sữa
Tại một số nước phương Tây như Mỹ, Canada…, người chăn nuôi bò sữa đang phải đổ bỏ hàng vạn lít sữa mỗi ngày vì chuỗi cung ứng sữa bị gián đoạn: Các trường học, cơ sở sản xuất bánh, nhà hàng… đều đóng cửa; xuất khẩu bơ sữa bị gián đoạn. Bên cạnh đó, các công ty vận tải chuyên chở những sản phẩm bơ sữa phải nỗ lực để có đủ tài xế vì một số người sợ lây nhiễm Covid-19 đã nghỉ làm.
Một khó khăn nữa đối với ngành bơ sữa là cần chuyển đổi từ đóng gói dạng sỉ cho hệ thống nhà hàng sang chuẩn bị sản phẩm bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa. Theo tính toán thì cần hàng triệu USD để lắp đặt thiết bị mới chuyển đổi một nhà máy từ sản xuất loại phô mai cỡ lớn cung cấp cho các nhà hàng thức ăn nhanh sang loại phô mai cỡ nhỏ cho các cửa hàng. Ngay cả việc chuyển từ vô bao phô mai sợi cheddar khoảng 5 kg cho ngành phục vụ thức ăn sang đóng gói túi nhỏ chỉ nhỉnh hơn 200g cho các cửa hàng cũng đòi hỏi trang bị robot đóng gói và máy móc dán nhãn mới với chi phí không nhỏ.
Trái cây
Tại Ấn Độ, những người trồng cây ăn quả trên toàn quốc ước tính thiệt hại khoảng 7.000 rupee (tương đương hàng tỷ USD) do dịch Covid-19 buộc Chính phủ nước này phải cách ly toàn dân trong 21 ngày, khiến cho ngành vận tải hàng hóa bị ngưng trệ.
Điều đáng buồn là giai đoạn tháng 3-5 là mùa thu hoạch cây ăn trái chính ở nước này. Tuy nhiên, giá chuối trong 2 tuần cuối tháng 3 đã giảm 60% xuống 400 rupee/100 kg mà; tương tự giá cam giảm từ 35 rupee/kg xuống 15 rupee. Nho ở Ấn Độ thu hoạch vào tháng 3 đến giữa tháng 4, thông thường được bán với giá khoảng 100 rupee/kg nhưng nay chỉ 50 rupee. Kể cả việc chế biến thành nho khô cũng khó thực hiện vì các nhà máy bị dừng hoạt động. Các loại trái cây khác như táo, lưu… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc xuất khẩu trái cây ra nước ngoài cũng không thực hiện được.
Ấn Độ thực hiện phong tỏa toàn quốc trong vòng 21 ngày bắt đầu từ 24/3/2020.
Hoa
Cũng như những nông sản khác, thị trường hoa đang chịu tác động bởi Covid-19. Tại Ấn Độ, nhiều người trồng hoa phải cắt hoa làm phân bón do không thể vận chuyển hoa đi bán, và bán cũng không có người mua. Giá các loại hoa như đồng tiền, lay ơn, thiên điểu… đều giảm mạnh do nhiều sự kiện như đám cưới… vốn sử dụng nhiều hoa tươi nay phần lớn đã bị hủy bỏ.
Thời trang
Tại Việt Nam, nhiều cửa hàng, hãng thời trang tên tuổi chịu ảnh ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 nay chuyển sang sản xuất và bán đồ chống dịch. Hãng thời trang Ivy vừa tung ra bộ sản phẩm bộ bảo hộ phòng dịch người lớn với 2 mày xanh và trắng. Sản phẩm sử dụng 1 lần bao gồm áo mũ liền quần, bao chân được bán với giá 100.000 đồng/bộ. Hãng thời trang này cũng sản xuất thêm cả khẩu trang. Công ty May 10 thông báo chuẩn bị cho ra bộ bảo hộ phòng dịch với màu trắng và hồng nhạt trên mạng xã hội. Ngoài ra còn kèm đồ bảo hộ cho cả vali kéo với những người hay di chuyển. Trước đó, công ty này chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang để phục vụ người dân trong việc phòng dịch. Hãng thời trang Format cũng thông báo chuyển sang sản xuất khẩu trang, kính chống giọt bắn...
Dịch vụ ăn uống
Ngành dịch vụ ăn uống là một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Để có thể trụ vững, hàng loạt chuỗi nhà hàng, thương hiệu cafe, trà sữa ở Việt Nam đã phải nhanh chóng đẩy mạnh nền tảng bán hàng online với đủ giải pháp nhằm tăng doanh số hiệu quả. Một số quán cafe, trà sữa, tiệm bánh… nhỏ lẻ hơn đang triển khai bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà cũng được triển khai và đem về những hiệu quả tích cực ban đầu, trong đó việc hợp tác với các bên giao nhận đóng vai trò quan trọng để đem lại doanh thu.

Nguồn: VITIC tổng hợp