Để quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Công Thương muốn doanh nghiệp khi điều chỉnh tăng, giảm giá trong biên độ 5% phải gửi thông báo đến cơ quan chức năng.

Đây là một nội dung được đề cập trong dự thảo (lần 2) của thông tư hướng dẫn về việc đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Công Thương soạn thảo.

Cụ thể, tại Khoản 7, Điều 7 của dự thảo thông tư kể trên, Bộ Công Thương quy định: các thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng gửi thông báo mức giá theo mẫu... khi điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Bản thông báo giá này phải được gửi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận theo phân cấp.

Trong trường hợp cộng dồn các lần điều chỉnh tăng, giảm giá liên tục theo hình thức gửi thông báo mức giá trên mà vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó thì thương nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định.

Đồng thời, Khoản 3, Điều 7 của dự thảo cũng quy định, trong trường hợp thương nhân giảm giá thì được thực hiện giảm giá ngay. Tất nhiên, việc giảm giá này vẫn cần được thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dự thảo thông tư hướng dẫn việc đăng ký, kê khai giá sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng quy định về việc doanh nghiệp kinh doanh ở mặt hàng này sẽ thực hiện các thủ tục hành chính trong từng giai đoạn, theo quyết định của cơ quan quản lý.

Theo đó, trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá thì doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá bán lẻ khuyến nghị cho sản phẩm của mình trong toàn hệ thống phân phối sản phẩm với cơ quan chức năng. Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm trên thị trường và có thể được phân mức cho từng vùng phù hợp với chi phí đến các địa bàn phân phối.

Tương tự, khi hết thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp đăng ký giá thì doanh nghiệp thực hiện kê khai giá bán lẻ và mức giá này cũng sẽ là mức giá trần của sản phẩm trên thị trường.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc đăng ký, kê khai giá này hầu hết sẽ được thực hiện với Bộ Công Thương. Bởi lẽ, dự thảo quy định, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký, kê khai giá tại trung ương gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có mạng lưới sản xuất, kinh doanh từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên và doanh nghiệp độc quyền; doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Sở công thương tỉnh, thành chỉ tiếp nhận đăng ký, kê khai giá của các đơn vị có trụ sở chính tại địa bàn tỉnh và không bao gồm các doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục tại trung ương.

Thông tư hướng dẫn việc đăng ký, kê khai giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được xem là hành lang pháp lý để Bộ Công Thương chính thức hiện thực hóa nhiệm vụ quản lý giá mà Chính phủ đã chuyển giao từ Bộ Tài chính sang dù công việc này đã bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2017.

Trước dự thảo thông tư này, để bắt đầu nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương đã quyết định gia hạn việc áp trần giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thêm 3 tháng so với quyết định của Bộ Tài chính trước đó. Hết thời hạn này, Bộ Công Thương cho doanh nghiệp sữa được kê khai giá trở lại.

Các khái niệm liên quan đến giá trong Luật Giá

Đăng ký giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lập, phân tích việc hình thành mức giá và gửi biểu mẫu thông báo giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá.

Bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý. Định giá cụ thể (tối đa hoặc tối thiểu) là một trong 10 biện pháp bình ổn giá.

Nguồn: thesaigontimes.vn