Trung Quốc cấm nhập khẩu tôm Ecuador, doanh nghiệp Việt cần thận trọng
Thông tin từ congthuong.vn, theo VASEP, tháng 9/2019, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu tôm từ 5 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador do lo ngại dịch bệnh có thể lây lan vào nước này.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador. 5 năm trước đây, Trung Quốc chiếm 30% tổng xuất khẩu tôm của Ecuador (68.603 tấn, trị giá 584 triệu USD). Năm 2018, tỷ trọng này tăng lên 61%, tương đương 281.718 tấn. Ecuador cũng là nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 40% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Trung Quốc. Việt Nam là nguồn cung đứng thứ 5, chiếm 4,8%.
Theo VASEP, nhìn lại những năm gần đây, cộng với việc Trung Quốc cấm tôm Ecuador cho thấy rõ xu hướng của các nước vừa nuôi vừa nhập khẩu tôm như Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc là họ chắc chắn phải kiểm tra chặt chẽ vấn đề dịch bệnh trong tôm nhập khẩu để đảm bảo cho sản xuất trong nước của họ.
Do vậy, ngành tôm và doanh nghiệp tôm Việt Nam cần nhìn rõ thách thức từ việc Trung Quốc cấm tôm Ecuador. Thứ nhất, lệnh cấm đối với tôm Ecuador được dỡ bỏ sớm hay muộn, chúng ta không thể lường trước, có thể tùy thuộc vào diễn biến chính trị, thương mại mà Trung Quốc đang liên quan, có thể tùy vào quan hệ ngoại giao của Ecuador với Trung Quốc… Nếu doanh nghiệp Việt Nam đổ xô xuất khẩu nhiều vào thị trường này, có thể sẽ bị thụ động khi tình huống thay đổi, dẫn đến bị ép giá, hạ giá...
Khả năng thứ 2 rất có thể xảy ra là sau Ecuador, sẽ là Ấn Độ, Việt Nam và một số nước sản xuất tôm khác. Do vậy, chúng ta phải lường trước khả năng này, sẵn sàng trước xu hướng tăng cường kiểm tra dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu tôm. Ngành tôm Việt Nam cần chủ động trong việc kiểm soát, quan trắc dịch bệnh (chú trọng môi trường ao nuôi, con giống, dinh dưỡng…), đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong sản phẩm xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác.
Giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng đến Tết
Theo congthuong.vn, tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng gần 25 triệu con. Dự báo, số lượng lợn nái hiện nay hoàn toàn có thể chủ động con giống cho tái đàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết. Với thống kê này, cùng với hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi sẽ chủ động được nguồn thực phẩm cuối năm. Tuy nhiên, giá thịt lợn được dự báo sẽ tiếp tục tăng đến Tết.
Trong 10 ngày đầu tháng 10/2019, giá lợn hơi trên cả nước liên tục tăng mạnh, giá tại nhiều tỉnh phía Bắc đã vượt 60.000 đồng/kg, còn các tỉnh miền Nam có nơi đã đạt 60.000 đồng/kg, so với cuối tháng 9/2019, giá lợn trên cả nước tăng từ 6.000 - 13.000 đồng/kg.
Do tình hình dịch tả lợn châu Phi ở khu vực miền Trung vẫn đang căng thẳng, việc vận chuyển lợn hơi được các địa phương kiểm soát chặt, nên giá lợn hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên vẫn đang thấp nhất cả nước, song so với cuối tháng 9/2019 cũng đã tăng tới hơn 10.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi nên nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm mạnh. Trong khi, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động.
Giá lợn hơi được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do dịch tả lợn châu Phi vẫn không ngừng bùng phát ở nhiều nơi, số lượng tiêu hủy ngày một nhiều, tổng đàn lợn bị giảm mạnh, trong khi người chăn nuôi không dám tái đàn. Dịch tả lợn châu Phi làm cho sản lượng lợn thịt năm 2019 thấp hơn rất nhiều so với năm 2018.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời điểm cuối năm 2019 sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm khoảng 200.000 tấn so với năm 2018. Hiện nay, các khu vực trang trại chăn nuôi lớn và những khu vực chăn nuôi đã an toàn dịch bệnh đang được khuyến khích tăng đàn. Bên cạnh đó, để bù đắp vào lượng thịt lợn thiếu hụt, sản lượng các loại thịt khác như bò, gà… tăng khá. Nhìn chung, tổng sản lượng thịt năm 2019 sẽ không thiếu, nhưng sản lượng thịt lợn giảm.
Lúa miền Tây trúng mùa, rớt giá
Theo vnexpress.net, nông dân miền Tây đang thu hoạch lúa thu đông với năng suất cao, chất lượng tốt, song giá bán giảm mạnh. Hiện lúa hạt dài chất lượng cao chỉ còn 4.600 đồng, lúa thường (IR 50404) còn 4.000 đồng mỗi kg, giảm từ 200 đến 600 đồng mỗi kg; nhưng thương lái thu mua khá chậm.
"Đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được khoảng 70% trong tổng diện tích xuống giống 39.000 ha lúa thu đông. Vì không bị ảnh hưởng của lũ nên năng suất cao (5,6 – 5,7 tấn mỗi ha), chất lượng cũng tốt nhưng giá bán thấp quá khiến nông dân gặp khó", Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, Trần Chí Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 20.000 ha trên tổng số 79.000 ha lúa thu đông; năng suất, chất lượng đều tốt nhưng giá bán quá thấp.
Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu gạo lớn ở miền Tây cho biết, giá lúa giảm mạnh do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn về đầu ra. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Philippines... hạn chế nhập khẩu. Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm còn 325 USD mỗi tấn, thấp nhất 10 năm qua. Tuy nhiên, trong vài ngày tới giá lúa gạo sẽ nhích lên khi Philippines vừa quyết định mở rộng nhập khẩu gạo trở lại.
Giá hạt tiêu chạm đáy nhiều năm
Thông tin từ vietnambiz.vn, theo Cục Xuất nhập khẩu trong những ngày đầu tháng 10, việc các nhà nhập khẩu đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu Brazil khiến cho giá tiêu trong nước giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành sản xuất hạt tiêu của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung vượt cầu, giá thấp. Diện tích trồng hạt tiêu đã vượt qui hoạch, đặc biệt ở các vùng không phù hợp, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Trong những ngày đầu tháng 10, việc các nhà nhập khẩu đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu Brazil khiến cho giá tiêu trong nước giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Giá hạt tiêu đen trong nước thấp nhất là 39.000 đồng/kg tại tỉnh Chư Sê và tỉnh Đồng Nai, cao nhất là 41.500 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng ở mức 63.000 đồng/kg, giảm 3,1% so với cuối tháng 9. Nếu so với cùng kì năm ngoái, mức giá này thấp hơn tới 38%.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9 xuất khẩu hạt tiêu đạt 15.000 tấn, trị giá hơn 37 triệu USD, giảm 20,3% về lượng và giảm 20,1% về trị giá so với tháng 8.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, lượng xuất khẩu hạt tiêu đạt 233,4 nghìn tấn, trị giá hơn 593,4 triệu USD, tăng hơn 21% về lượng, nhưng giảm 6,4% về trị giá so với cùng kì năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt hơn 2.542 USD/tấn, giảm 22,7% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tập trung tăng đàn lợn
Nongnghiep.vn đưa tin, dịch tả lợn Châu Phi hiện đã có dấu hiệu đi xuống tại nhiều địa phương. Vì vậy thời gian tới, có thể triển khai việc tăng đàn, tái đàn lợn tại những cơ sở chăn nuôi đảm bảo điều kiện an toàn sinh học (ATSH). Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại buổi kiểm tra về tình hình chăn nuôi lợn tại một số cơ sở chăn nuôi đảm bảo điều kiện an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sáng ngày 16/10.
Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh các nhóm thực phẩm khác để thay thế nguồn cung thịt lợn, từ nay đến cuối năm, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai những nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh tăng đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm nói chung, nhất là không để xẩy ra việc xáo trộn thị trường thực phẩm trong các tháng cuối năm.
Kiểm tra tại một số cơ sở chăn nuôi lợn tại tỉnh Hưng Yên (huyện Khoái Châu) cho thấy, đến nay, dù là tỉnh xẩy ra dịch đầu tiên cả nước, nhưng Hưng Yên cũng đã cơ bản khống chế được dịch.
Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi lợn đảm bảo các điều kiện ATSH, lợn đều an toàn, khỏe mạnh. Thậm chí một số cơ sở chăn nuôi đã tái đàn 3-4 tháng qua, nhưng dịch vẫn không bị tái phát. Điều này cho thấy chăn nuôi ATSH vẫn là yêu cầu hàng đầu hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau 8 tháng bùng phát DTLCP, đến nay, nhiều địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, chứng tỏ dịch đã có dấu hiệu giảm. Đã đến thời điểm này, có thể tập trung triển khai việc tái đàn lợn.
Nguồn: VITIC