Giá tôm giảm mạnh
Theo baocantho.com.vn, từ đầu tháng 6-2019 đến nay, vùng nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tôm thẻ nguyên liệu đang giảm giá mạnh.
Tại vùng bán đảo Cà Mau bán tôm tại ao, loại tôm thẻ cỡ nhỏ 75.000 đồng/kg (100 con/kg), tôm cỡ 70 con/kg giá khoảng 85.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg so với cuối tháng 5-2019. Với mức giá này, người nuôi tôm có chăm sóc tốt, nuôi trúng mùa vẫn chưa chắc có lãi.
Nguyên nhân do vụ tôm trong nước thu hoạch cùng thời điểm mùa vụ thu hoạch tôm của một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Trung Quốc. Trong khi đó, lượng tôm từ Ấn Độ tồn kho còn dồi dào đang chào bán giá rẻ. Mặt khác, sau khi có thông tin về sự kiện Công ty Minh Phú bị cáo buộc tránh thuế chống bán phá giá ở Mỹ, rằng Minh Phú đang nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, nước phải chịu thuế chống bán phá giá, sau đó bán lại tôm đó cho Mỹ dưới dạng sản phẩm của Việt Nam được miễn thuế.
Tuy nhiên cho đến nay phía cơ quan chức năng Mỹ chưa lên tiếng gì về vụ việc này. Dù vậy, từ thông tin sự kiện này cũng có phần tác động khách quan khiến giá tôm nguyên liệu trong nước giảm. Giá tôm có thể còn ở mức thấp kéo dài đến khoảng đầu quý IV-2019 mới hồi phục trở lại. Đến khoảng đầu tháng 10 tôm chính vụ đã qua đợt thu hoạch rộ và lúc này nhu cầu thu mua nguyên liệu từ các nhà máy chế biến sẽ tăng lên đáp ứng theo kế hoạch xuất hàng giai đoạn cuối năm bán thị trường tiêu dùng mùa Tết Dương lịch.
Giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh
Thông tin từ baocantho.com.vn, giá cá tra nguyên liệu tại vùng ĐBSCL giảm mạnh gần 10.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2019 và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Ngày 11-6, giá cá tra nguyên liệu loại 1 (thịt trắng, cỡ 800-900gr/con) tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… chỉ còn ở mức 20.000-21.000 đồng/kg. Mức giá này hiện giảm gần 16.000 đồng/kg so với thời điểm giá cá tra tăng cao kỷ lục trong năm 2018.
Nhiều người nuôi lỗ vốn 3.000 đồng/kg cá thương phẩm, vì giá thành nuôi cá tra hiện 23.000-24.000 đồng/kg. Giá cá tra giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng bởi đầu ra xuất khẩu có phần chậm so với trước, nhất là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang giảm đáng kể. Ngoài ra, thời điểm này cá của nhiều hộ dân tới lứa xuất bán nhưng các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước chậm thu mua hoặc hạn chế thu mua làm giá giảm. Nhiều doanh nghiệp đang ưu tiên thu hoạch, chế biến cá tra do doanh nghiệp tự nuôi.
Cơ hội xuất khẩu cá tra sang 10 nước CPTPP
Theo doanhnghiepvn.vn, Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 đã mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng cá tra của Việt Nam bởi các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Phần lớn các nước CPTPP áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác khác, ngoại trừ một số nước như Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico lại áp dụng biểu thuế nhập khẩu riêng cho từng nước CPTPP.
Các doanh nghiệp XK cá tra cũng có thể lạc quan tin tưởng rằng sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam tại một số thị trường truyền thống hoặc tiềm năng với cá tra như: Mexico, Nhật Bản hay Chile.
Theo Hiệp định, sản phẩm cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn sang Mexico sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Đây là cơ hội để các DN gia tăng XK sang thị trường này trong thời gian tới.
Mặc dù, so với các thị trường NK thủy sản lớn tại khu vực Mỹ latinh thì Chile chỉ là một thị trường tiêu thụ nhỏ cá tra, basa của Việt Nam. Với Nhật Bản, với CPTPP, nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế trong hai FTA này cũng sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong đó, một số mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, bao gồm sản phẩm cá tra được miễn thuế ngay lập tức, từ mức 3,5-10,5% hiện tại. Như vậy, với thuận lợi từ 3 FTA với Nhật Bản, DN XK cá tra Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để gia tăng hơn nữa hoạt động cá tra sang thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, nhóm nước tham gia Hiệp định CPTPP như Canada, Australia, Singapore, Malaysia được coi là thị trường tiềm năng. Những thị trường này đang được đánh giá có nhiều cơ hội để tăng thị phần XK trong thời gian tới.
Nhật Bản kiểm tra 3 loài thủy sản có vỏ và cầu gai nhập khẩu
Theo vasep.com.vn, Chính phủ Nhật Bản phủ nhận hành động này nhằm trả đũa lệnh cấm NK của Hàn Quốc đối với các sản phẩm thủy sản từ Fukushima và 7 quận khác sau thảm họa hạt nhân năm 2011 ở quận đông bắc Nhật Bản.
Dự kiến từ tháng 6/2019 đến tháng 3/2020 NK thủy sản của Nhật Bản sẽ tăng. Do đó, Bộ Y tế nước này cho biết sẽ kiểm tra 40% lượng thủy sản NK đã đăng ký, gấp đôi so với mức kiểm tra 20% hiện tại.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng cho biết, từ tháng 6/2019, sẽ tăng cường kiểm tra 3 loài thủy sản có vỏ và cầu gai NK từ các nước. Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra mẫu những sản phẩm này, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ cân nhắc việc có kiểm tra toàn bộ thủy sản NK hay không.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các động thái của chính phủ Nhật Bản và sẽ đưa ra các hành động trong trường hợp cần thiết.
Vào tháng 4/2019, cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới về giải quyết tranh chấp đã ra phán quyết ủng hộ lệnh cấm của Hàn Quốc đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản.
Tiêu thụ ôtô nhập khẩu nguyên chiếc tăng 210%
Theo nld.com.vn, thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số của toàn thị trường ôtô trong tháng 5 vừa qua đạt 27.373 xe (tăng 30% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ), trong đó xe du lịch đạt 19.517 chiếc (tăng 36%), xe thương mại 7.345 chiếc (tăng 21%) và 511 xe chuyên dụng (giảm 12%).
Như vậy, thị trường ôtô tháng 5 đã có dấu hiệu khởi sắc sau 3 tháng liên tục sụt giảm. Kết quả này đến từ việc các hãng ôtô liên tục "chạy" chương trình khuyến mãi, giảm giá đã kích thích được người tiêu dùng quay trở lại thị trường.
Về xuất xứ, trong tháng 5, xe lắp ráp trong nước đạt mức 15.162 chiếc (tăng 8%) và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.211 xe, tăng 75%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh số bán hàng toàn thị trường tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng đến 210%, trong khi xe lắp ráp trong nước lại giảm 14%.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet