Thêm một số sản phẩm thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc
Thông tin từ nongnghiep.vn, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT) cho biết: Ngao hoa, ngao lụa và cá rô phi vừa được phía Trung Quốc bổ sung vào danh sách thủy sản sống của Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật Trung Quốc đã có Công hàm thông báo chấp thuận bổ sung một số mặt hàng thủy sản sống của Việt Nam như ngao hoa (Meretrix), ngao lụa (Paphia) và cá rô phi (Oreoochromis) vào Danh sách các loài động vật thủy sản của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng vừa đưa ra một số quy định về điều kiện của cơ sở nuôi, cơ sở đóng gói đối với 2 sản phẩm thủy sản sống của Việt Nam là cua và tôm hùm sống của Việt Nam khi XK sang Trung Quốc.
Cùng với 3 mặt hàng thủy sản sống vừa được phía Trung Quốc cho phép bổ sung vào danh mục, đến nay Việt Nam đã có tổng cộng 48 loài thủy sản sống được phép XK vào Trung Quốc.
Thủy sản sống XK sang Trung Quốc phải được bao gói tại cơ sở trong Danh sách được phép XK vào Trung Quốc. Lô hàng thủy sản sống phải được Nafiqad thẩm định, cấp chứng nhận ATTP và an toàn dịch bệnh. Riêng đối với cua, tôm hùm, tôm sú và tôm thẻ chân trắng sống, phía Trung Quốc yêu cầu phải có thêm những điều kiện khác chặt chẽ hơn về kiểm soát dịch bệnh.
Trường hợp thủy sản sống có nguồn gốc từ nuôi trồng XK vào Trung Quốc: cơ sở nuôi nuôi phải đề nghị đăng ký với cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tại địa phương để được cấp mã số (nếu cơ sở nuôi chưa có mã số) theo đúng yêu cầu của Trung Quốc.
Nông sản ùn tắc tại Tân Thanh sẽ được thông quan trong vài ngày tới
Theo vietnambiz.vn, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cho biết tính đến ngày 24/10, tại cửa khẩu Tân Thanh còn ùn khoảng 300 xe hàng. Tình trạng ùn ứ xe chở hàng nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sẽ chấm dứt trong hai ngày tới.
"Chúng tôi đã đàm phán với phía bạn về việc tăng thời gian kiểm tra lên từ 6h30 đến 21h30 hàng ngày để tăng lượng xe được thông quan. Đồng thời, hai bên cũng thống nhất sẽ không thực hiện kiểm soát ngoài cổng số 1 nữa mà đưa vào bãi bên trong mới thực hiện kiểm tra. Việc này giảm bớt tình trạng ùn tắc tại cổng rất nhiều vì bãi bên trong rất lớn, sức chứa đến khoảng 1.200 xe hàng", ông Nguyễn Quốc Hải cho biết.
Trước đó, ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư tỉnh uỷ Vân Nam (Trung Quốc) Vương Dư Ba về khó khăn hiện nay trong xuất khẩu hàng hoá, nông sản từ Việt Nam tại các cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) và Tân Thanh (Lạng Sơn) và đề nghị Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba và lãnh đạo các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam quan tâm tháo gỡ.Theo đó, tình trạng ùn ứ hàng nông sản đã được hai bên thực hiện nhiều giải pháp như tăng thời gian kiểm tra, thực hiện kiểm tra tại bãi thay vì tại cổng, ưu tiên hàng hoá dễ hỏng thông quan luồng xanh trước...
Theo ông Hải, trên thực tế, đối với mặt hàng trái cây, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc từ rất lâu đối với các nước khi xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có các nước ASEAN. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên giới lâu đời với Trung Quốc nên việc áp dụng các qui định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm với Việt Nam muộn hơn so với các nước ASEAN. Cụ thể, tới năm 2018, phía Trung Quốc mới chính thức có thông báo đề nghị việc bắt buộc phải triển khai đóng gói, cung cấp các thông tin truy xuất nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo phụ lục hướng dẫn về tem nhãn truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc, 8 loại trái cây đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, trên thùng sản phẩm chỉ phải ghi những thông tin gồm tên tổ chức xuất khẩu, chủng loại hoa quả, tên nhà vườn hoặc số đăng kí (tức mã số vùng trồng), tên xưởng đóng gói hoặc số đăng kí (tức mã số cơ sở đóng gói). Tuy nhiên, dù những qui định mới của phía Trung Quốc đã được các ngành chức năng của Việt Nam phổ biến suốt từ năm 2018 đến nay, nhưng chưa được các doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở thu mua lẫn nông dân thực sự chú ý, quan tâm thực hiện dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng xuất khẩu gặp khó khăn.
Hưng Yên tìm đường xuất khẩu chuối
Theo nongnghiep.vn, từ năm 2020, tỉnh Hưng Yên sẽ thực hiện việc cấp mã số vùng trồng trên một số cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là chuối.
Năm 2019, toàn huyện Khoái Châu trồng 905 ha chuối, trong đó có 405 ha chuối tiêu hồng. Đặc biệt, tại hai xã Đại Tập và Tân Châu, cây chuối đang được người dân sản xuất theo hướng VietGAP. Tại địa phương này, cây chuối tiêu hồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng nhãn hiệu tập thể. Dù vẫn mang lại giá trị kinh tế nhưng nhiều người dân Hưng Yên đã kém mặn mà với cây chuối.
Khoảng 2 năm trở lại đây, giá cả bấp bênh, người dân đã không còn mặn mà với cây chuối, chuối bán đi chậm hơn, rẻ hơn, mà theo thương lái giải thích thì do "Trung Quốc nhập ít hơn".
Ông Nguyễn Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật HưngYên cho biết, từ năm 2020, sẽ chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng để quản lý và cấp mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu. Các thị trường nông sản Hưng Yên nhắm tới là Mỹ, Úc, Châu Âu, đặc biệt là Trung Quốc.
Về phương án xuất khẩu, hai Sở NN-PTNT, Công thương được giao nhiệm vụ thông tin, phổ biến tại các vùng được cấp mã số vùng trồng để thuận lợi thu mua, sơ chế xuất khẩu. Đặc biệt, tìm đường xúc tiến thương mại, liên kết với các thị trường tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh Hưng Yên sẽ rà soát, cấp mới 2 mã số vùng trồng với cây chuối, với diện tích 17ha. Từ đó, quả chuối Hưng Yên có thể đáp xuất khẩu vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch.
Hằng năm, sản lượng chuối của huyện Khoái Châu luôn đạt trên 40 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, chủ yếu tiêu thụ nội địa, lượng xuất khẩu vô cùng ít ỏi. Theo đó, mỗi năm chỉ có khoảng 7 nghìn tấn chuối bán được sang Trung Quốc thông qua các thương lái. 1 nghìn tấn xuất sang các nước khác như Malaysia, Iran, Ai cập, Nga… thông qua một số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng ngàn ha mía sẽ thiệt hại nếu nhà máy đường chậm thu mua
Vov.vn đưa tin, gần cuối tháng 10 nhưng không khí thu hoạch mía tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang khá trầm lắng. Đến nay mới có hơn 100 ha mía được thu mua.
Xã Hòa Mỹ là địa phương có diện tích mía ít nhất của huyện Phụng Hiệp với hơn 160ha. Nếu mọi năm đến giữa tháng 9 âm lịch, nông dân trong xã đã thu hoạch dứt điểm toàn bộ diện tích mía, thì năm nay đến thời điểm này địa phương chỉ mới thu hoạch được 2/3 diện tích. Giá thu mua thấp, thiếu nhân công thu hoạch đã gây nhiều khó khăn cho người trồng mía Phụng Hiệp trong vụ mía này.
So với năm ngoái, tiến độ thu mua chậm hơn khoảng 2.000 ha. Đáng lo ngại là trong 5.000ha mía chưa thu hoạch, thì có hơn 2.000 ha mía giống ROC16 đã quá lứa bị ngập nước.
Ông Trần Văn Tuấn- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: "2.000 ha mía hiện nay đang chờ thu hoạch, trong vòng nửa tháng nữa nếu nhà máy không thu mua kịp thì mía sẽ chết, bởi mới đây có một con nước lớn ngập.
Hàng năm, theo chu kỳ của cây mía, khi nước lên ngập mía khoảng 2-3 tấc, khi nước rút rồi mía sẽ chuyển dần sang héo lá rồi chết đi. Đến thời điểm hiện nay, mía đã đổi màu rồi nhưng số lượng mua đem về nhà máy thì rất ít. Người dân đang trông chờ ở số lượng thu mua của nhà máy đường Phụng Hiệp".
Với giá thu mua mía thấp, người nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp đã thất thu hàng chục tỉ đồng. Nếu mía thu hoạch không kịp dẫn đến việc chết khô trên đồng thì thiệt hại của người trồng mía là chuyện khó mà đong đếm được.
Nguồn: VITIC