Ngành dệt may gặp khó với quy tắc xuất xứ
Theo thuongtruong.com.vn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, CPTPP đem lại hàng loạt cơ hội cho dệt may khi thị trường được mở rộng sang các quốc gia như Mexico, Peru hay Canada. Ngoài ra, những tác động khác nhau thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn cũng sẽ có những tác động tích cực lên ngành dệt may.
Tuy nhiên, những quy định về quy tắc xuất xứ đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN) ngành may khi Việt Nam tham gia CPTPP. Quy định xuất xứ từ sợi của CPTTP chính là điểm nghẽn lớn nhất của ngành may mặc khi các DN ngày này vẫn đang phải nhập phần lớn nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, xuất khẩu – trong đó chúng ta nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn xơ sợi, 80% vải... Riêng đối với lĩnh vực may, dù Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công với 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông.
CPTPP dù được ví như “mỏ vàng” đối với ngành may, song thách thức đối với các DN ngành may mặc là không hề nhỏ. Với những thách thức trước mắt, các DN dệt may phải hiểu về CPTTP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó nhận ra thế mạnh, lợi thế của mình trong CPTTP để đánh đúng thị trường. Giới chuyên gia nhận định, thực tế, các nước chưa ký các FTA với Việt Nam trong khối CPTPP rất ít. Do đó, trước mắt sự tác động về thuế, mở rộng đa dạng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu khi CPTPP có hiệu lực vẫn chưa nhiều. Nhưng về lâu dài cơ hội phát triển của DN dệt may Việt rất lớn.
Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% với 26 mặt hàng nhập khẩu vào Campuchia
Theo doanhnghiepvn.vn, trong bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2019-2020 được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak ký kết vào sáng 26/02, hai bên cam kết dành cho nhau những ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam và Campuchia.
Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm thịt và phụ phẩm, rau quả tươi hoặc ướp lạnh (cà chua, súp lơ, củ cải, đậu hạt, bí ngô, dứa, xoài, măng cụt, cam...) và nhiên liệu diesel.
Các ưu đãi mà Campuchia dành cho Việt Nam là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam, cao hơn cả ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác. Đối với các mặt hàng nhiên liệu diesel, đây là lần đầu tiên phía Campuchia dành ưu đãi về thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu.
Ngược lại, Việt Nam cam kết dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với 32 mặt hàng có xuất xứ từ Campuchia gồm: gia cầm sống, thịt và phụ phẩm, quả chanh, bánh ga tô, thóc gạo, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch). Việc dành ưu đãi thuế quan cho các mặt hàng nói trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.
Mở lối thoát cho lúa gạo ĐBSCL
Trang thanhnien.vn đưa tin, ngày 26.2, tại Đồng Tháp, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước VN và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL.
Ông Nguyễn Như Cường, quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết nguyên nhân xuất khẩu gạo gặp khó là do cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ và một số nước mới nổi như Campuchia, Myanmar và Pakistan.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin Thủ tướng Chính phủ đã họp và đưa ra 5 nhóm giải pháp chính để tiêu thụ lúa gạo trong dân. Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc nhanh chóng của các đơn vị thu mua, hiện giá lúa ở nhiều tỉnh thành ĐBSCL đã tăng lên 200 - 300 đồng/kg so với thời gian trước đó.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết VFA đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật giúp doanh nghiệp xuất khẩu thúc đẩy và khơi dậy thị trường Trung Quốc. Sau cuộc họp này, VFA sẽ cung cấp cho UBND các tỉnh ĐBSCL danh sách doanh nghiệp hội viên ở địa phương để thông báo đến các HTX liên kết gửi kho trong khi chờ giá và không tính phí lưu kho trong vòng 2 tháng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định sẽ có nhiều chính sách về vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giảm lãi suất ngân hàng xuống thêm 0,5%.
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật dự kiến tăng trong năm 2019
Trang doanhnghiepvn.vn thông tin, VASEP cho biết, hiện tại, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 25,6% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này. Nhật Bản là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 2 trên thế giới, chiếm khoảng 14% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới những năm gần đây. Trung bình, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD tôm mỗi năm.
Hiện tại, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 25,6% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này. Thái Lan đứng thứ hai chiếm 18%, tiếp đó là Indonesia với 14,9% và Ấn Độ với 14%.
Trong nhiều năm nay, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 1 về cung cấp tôm cho Nhật Bản nhờ những lợi thế so với các nguồn cung khác trên thị trường Nhật Bản.
Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/12/2008 và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009 giúp tạo điều kiện thuận lợi nhất về thuế quan cho XK thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản. Đối với AJCEP, ngay sau khi có hiệu lực năm 2009, các sản phẩm tôm đã được hưởng thuế suất 0%.
Theo VASEP, để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, doanh nghiệp nên đổi mới phương thức tiếp cận thị trường cùng với quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu cho sản phẩm của mình. Thêm nữa, cần chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm. Dự kiến, năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2018.

Hỗ trợ tín dụng với doanh nghiệp mua lúa gạo
Theo VTV.vn, cần sự hỗ trợ tín dụng và tìm giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu là những kiến nghị mà các DN xuất khẩu gạo tại ĐBSCL đưa ra trong cuộc gặp với Bộ NN&PTNT.
Trước tình hình giá lúa gạo tại ĐBSCL xuống thấp trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành sớm giải quyết việc thu mua lúa gạo cho nông dân, đảm bảo quyền lợi cho nhà nông theo nguyên tắc thị trường.
Theo các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu năm 2019 có nhiều tín hiệu tốt. Đặc biệt, với việc Philippines sau khi bãi bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, hiện đã có 166 công ty có đơn xin nhập 1 triệu tấn gạo, mà nguồn gạo từ Việt Nam và Thái Lan đang là nguồn cung chính vào thị trường này.
Tuy vậy, những khó khăn về vốn đã khiến một số doanh nghiệp bẻ kèo với nông dân. Chỉ tính riêng tỉnh Long An, đã có 16 doanh nghiệp không ký được bao tiêu và có nguy cơ bẻ kèo. Do vậy, việc tăng hạn mức vay vốn cho doạnh nghiệp mua lúa gạo được xem là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Bán lẻ trực tuyến vẫn khó “hạ gục” bán lẻ trực tiếp
Theo thông tin từ thuongtruong.com.vn, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam dự báo năm 2019 sẽ khẳng định sức sống lâu bền của bán lẻ trực tiếp (bán lẻ tại cửa hàng) trước sự “tấn công” ào ạt của bán lẻ trực tuyến.
Theo kết quả khảo sát được Shopee công bố, 38% người tiêu dùng Việt Nam thường mua sắm qua kênh trực tuyến, trong khi có 46% người được hỏi lựa chọn kênh truyền thống. Về tìm kiếm sản phẩm, có 58% số người được hỏi cho biết, họ tìm kiếm qua kênh online và số tìm kiếm qua kênh truyền thống là 61%.
Điều này cho thấy, tỉ lệ người Việt tham gia mua sắm trực tiếp vẫn chiếm ưu thế. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp đang muốn mở rộng kinh doanh mua sắm online nhưng đồng thời cũng chính là thử thách. Bởi việc kiểm soát được chất lượng hàng hóa, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng để từ đó họ bỏ dần thói quen mua sắm truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức bấy lâu nay là vấn đề không hề đơn giản.
Nắm bắt được tình hình thực tế của thị trường bán lẻ Việt Nam, TS. Đinh Thị Mỹ Loan nhận định: “Mua sắm tại chợ hoặc cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong năm 2019, điều này khá dễ hiểu do ngành bán lẻ Việt Nam có xuất phát điểm từ 100% là bán lẻ truyền thống và theo nhận định của chúng tôi, tình hình này sẽ còn kéo dài đến sau 2030”.
Sự phát triển sôi động của thị trường bán lẻ trong thời gian qua và trong tương lai, dù theo kịch bản nào đi nữa thì bên được hưởng lợi nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng. Điều này, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cũng thừa nhận: “Cuộc đua lý thú giữa bán lẻ hiện đại với bán lẻ truyền thống, giữa bán lẻ trực tuyến với bán lẻ trực tiếp đang mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”.
Nguồn: VITIC tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet