Giá điện sẽ tăng 8,36% từ cuối tháng 3
Theo tapchicongthuong.vn, từ tháng 3/2019, mức giá mới sẽ được điều chỉnh là 1.850 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720 đồng/kWh).
Sáng 5/3/2019, Bộ Công Thương đã có phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và đã được Chính phủ chấp thuận. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến sẽ tăng 8,36%, đưa giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720 đồng.kWh lên 1.864 đồng/kWh, từ cuối tháng 3 này.
Các phương án tăng giá điện đã được Bộ Công Thương tính toán để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP và nằm trong kiểm soát chỉ số lạm phát cũng như mục tiêu tăng trưởng.
Cũng theo tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Ước tính việc tăng giá điện giảm 0,22% tăng GDP và sẽ có tác động về chỉ số lạm phát.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nêu rõ quan điểm điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ trong năm 2019 là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để GDP tăng từ 6,8% trở lên. Việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% đã được tính toán để đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã thông qua.
Đợt tăng giá bán lẻ điện gần nhất là 1/12/2017. Theo đó, mỗi kWh điện tăng lên mức 1.720,65 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với trước đó.
Giá tiêu dự báo giảm xuống 40.000 đồng/kg
Vietnambiz.vn đưa tin, trong tháng 3, giá tiêu được dự báo sẽ tiếp tục giảm và nhiều khả năng xuống còn khoảng 40.000 đồng/kg, do nguồn cung toàn cầu đang tiếp tục được bổ sung. Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn, đang trong mùa thu hoạch mới.
Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 2 ước đạt 12.000 tấn, giá trị 35 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 2 tháng đầu năm 2019 lên 31.000 tấn và 92 triệu USD, tăng 4,3% về khối lượng nhưng giảm 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Giá tiêu nội địa trong tháng 2 tiếp tục giảm. So với tháng trước, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Đồng Nai giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 43.000 – 44.000 đ/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 45.000 đồng/kg.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân tháng 1/2019 đạt 2.943 USD/tấn, giảm trên 26% so với cùng kì năm 2018. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2019 gồm Mỹ (đạt 13,1 triệu USD), Ấn Độ (5,3 triệu USD), Pakistan (3 triệu USD) và Hà Lan (2,6 triệu USD) chiếm hơn 42% thị phần.
Tránh rủi ro xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Trang thoibaotaichinhvietnam.vn đưa tin, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của một số mặt hàng nông sản Việt Nam như gạo, cao su, trái cây, rau quả, thủy sản... trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo, chiếm 22% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu năm 2018. Bên cạnh đó, hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 2,78 tỷ USD, chiếm trên 70% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong năm 2018. Hiện kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm – là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chưa thực sự bền vững và chứa đựng nhiều rủi ro. Hiện nay xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu vẫn còn qua đường tiểu ngạch với quy mô nhỏ lẻ, không ổn định về thị trường. Do đó, dẫn đến tình trạng hàng hóa bị ứ đọng tại các cửa khẩu, rớt giá thảm hại.
Theo thống kê có đến 60% - 70% nông sản, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Trong lĩnh vực trái cây, hiện chỉ có một số loại quả được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là dưa hấu, thanh long, chuối, vải, mít, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng... Còn lại, đa số xuất khẩu tiểu ngạch, kể cả một số loại trái cây có lượng xuất khẩu khá lớn như bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu.
Nhận định về thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, trong lựa chọn hàng nông sản, người tiêu dùng Trung Quốc không còn đặt giá cả là ưu tiên số một như trước đây. Thay vào đó, thị trường này đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, có tiêu chí nhất định về khâu chế biến và gia công của sản phẩm nông sản.

Campuchia thúc đẩy XK gạo sang VN, Trung Quốc để 'né' thuế quan EU

Theo vietnambiz.vn, Thủ tướng Campuchia cho biết các nhà xuất khẩu gạo nên chuyển hướng sang Trung Quốc và Việt Nam trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Ông Hun Sen đã yêu cầu tập trung thực hiện đủ hạn ngạch chính phủ Trung Quốc cấp cho nhập khẩu gạo Campuchia, gần đây đã được tăng từ 300.000 tấn lên 400.000 tấn. Năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là quốc gia mua gạo lớn nhất của Campuchia, nhập khẩu 170.000 tấn. Năm ngoái, Campuchia xuất khẩu 626.225 tấn gạo ra thị trường quốc tế, giảm 1,5% so với năm 2017.
Thị trường lớn nhất đối với gạo Campuchia vẫn là EU, nhập khẩu gần 270.000 tấn, gần 43% tổng xuất khẩu. Tính theo quốc gia, sau Trung Quốc, người mua lớn nhất là Pháp (90.000 tấn), Malaysia (40.000 tấn); Gabon (30.000 tấn), và Hà Lan (26.000 tấn).
2 tháng, thương mại hàng hóa Việt Nam - EU đạt 6,3 tỷ USD
Thông tin từ thoibaotaichinhvietnam.vn, 2 tháng đầu năm 2019, thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam (chỉ sau Hoa Kỳ), đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Việt Nam xuất siêu vào EU 4,1 tỷ USD với một số thị trường chủ yếu như Anh, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Italia. Ngược lại, ở chiều nhập khẩu, thị trường EU cung cấp hàng hóa vào Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 15,9%.
Trong những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU không ngừng được mở rộng và phát triển. Từ quy mô trao đổi thương mại còn rất khiêm tốn vào những năm 1990, cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 40 quốc gia trong khu vực EU.
Được biết, hiện các nước châu Âu cũng đã đầu tư vào Việt Nam gần 50 tỷ USD với 3.300 dự án, trải rộng trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet