Nhập khẩu gỗ từ Campuchia có nguy cơ gặp rủi ro

Theo nguồn tin từ Thesaigontime.vn, nhập khẩu gỗ từ Campuchia chiếm tỷ lệ nhỏ, song có thể gặp nhiều rủi ro, trong bối cảnh Việt Nam đạt thỏa thuận liên quan tới chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp với EU.

Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) được ký hồi tháng 10, đưa ra  những quy định nhằm giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam không chỉ xuất khẩu mà cả tiêu thụ trong nước.

Nhìn ở góc độ chuỗi cung ứng gỗ toàn ngành, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho hay, hiện nay gỗ rừng trồng trong nước đã thỏa mãn được 75% nguồn nguyên liệu gỗ để chế biến và xuất khẩu, gồm sản phẩm đồ gỗ, dăm gỗ, các chi tiết đồ gỗ khác.

Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ một số nguồn cung có độ rủi ro cao, trong đó có nguồn từ Campuchia, nước có tỷ lệ phá rừng bị đánh giá cao thứ 5 thế giới. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, độ che phủ rừng của Campuchia, đã giảm mạnh từ 73% vào năm 1990, giảm xuống 57% vào năm 2010.

Theo quan sát của vị Phó chủ tịch Hawa, sau khi Lào cấm xuất khẩu gỗ, nhập khẩu gỗ từ thị trường Campuchia đang có xu hướng tăng trưởng, trong đó có cả gỗ rừng trồng và gỗ tự nhiên.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cho hay, chuỗi cung gỗ nguyên liệu từ Campuchia sang Việt Nam là chuỗi cung “phức tạp” và “có độ rủi ro cao”.

Gỗ Campuchia vận nhập vào Việt Nam chủ yếu thông qua cửa khẩu Lệ Thanh, đang có xu hướng tăng. Bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, cho rằng, chưa đủ căn cứ để chứng minh nguồn gốc gỗ Campuchia là hợp pháp nếu dựa vào hồ sơ xuất nhập khẩu gỗ từ phía Campuchia.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát nông sản qua biên giới

Theo nguồn tin từ nongngnghiep.vn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) vừa có thông báo gửi các DN thành viên, thông tin rõ hơn về việc Trung Quốc tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới, trong đó có mặt hàng trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, tháng 3/2018, trên cơ sở cơ cấu lại một số bộ, ngành thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, chức năng kiểm nghiệm, kiểm dịch thuộc Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia Trung Quốc đã được chuyển giao cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc (bao gồm cả bộ máy cán bộ); các chi cục tại địa phương cũng có sự chuyển giao tương tự.

Sau khi nhận chuyển giao chức năng, Hải quan cửa khẩu khu vực Bằng Tường, Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc (địa phương có chung đường biên giới với tỉnh Lạng Sơn) đã tăng cường giám sát và thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi cư dân biên giới và giao dịch tại các cặp chợ biên giới cũng như việc vận dụng chính sách miễn thuế 8.000 NDT/người/ngày đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới.

Trung Quốc kiểm soát chặt gạo nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam

Trang Thesaigontimes.vn đưa tin, từ năm 2019, Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN. Cụ thể, gạo Việt Nam muốn vào thị trường này phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu. “Trường hợp không đáp ứng thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư nhập khẩu”.

Thông tin nêu trên được ông Tạ Quang Kiên, Phó trưởng phòng Chính sách thương mại nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác nhận và cho biết thời gian áp dụng là từ giữa năm 2019.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã quyết định tăng thuế nhập khẩu gạo từ các nước Đông Nam Á. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2018, thuế suất nhập khẩu các loại gạo là 40-50%, chỉ riêng gạo tấm là 5%.

Dẫu ngành gạo Việt Nam chỉ mới tập trung vào thị trường Trung Quốc khoảng hơn năm năm gần đây so với lịch sử xuất khẩu gạo từ những năm 1990, nhưng đây là một thị trường khổng lồ và họ đang dịch chuyển từ lượng sang chất. Do vậy, từ trong nước, ngành gạo cũng cần có những thay đổi phù hợp để có thể tận dụng cơ hội từ thị trường này

Khó khăn việc xây dựng thương hiệu gạo Việt

Theo Thesaigontime.vn, logo thương hiệu gạo Việt đã chính thức được công bố và điều này có ý nghĩa quan trọng để định danh gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Thế nhưng các nhà nhập khẩu có chịu gắn thương hiệu gạo Việt lên bao bì sản phẩm hay không lại là chuyện khác.

Trong bối cảnh chung của hoạt động kinh doanh gạo Việt Nam trên thị trường thế giới hiện nay vẫn là thông qua các thương nhân nước ngoài, việc đưa logo gạo Việt (cả thương hiệu quốc gia lẫn thương hiệu riêng của doanh nghiệp) như một cách định danh và tạo khả năng nhận diện gạo Việt đối với người tiêu dùng trên thị trường thế giới là không dễ dàng.

Tại một hội nghị lúa gạo diễn ra mới đây ở Cần Thơ, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty cổ phần Phân tích thị trường (Agromonitor), cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo vẫn hết sức khó khăn. “Tôi biết có một số doanh nghiệp trực tiếp đưa được gạo đến người tiêu dùng nước nhập khẩu nhưng số lượng đó là rất nhỏ và cũng rất khó có thể đạt tới quy mô lớn”. Theo ông Diệu, đây là bài toán liên quan đến rất nhiều yếu tố bao gồm cả vấn đề tài chính.

Nhìn vấn đề trên bình diện rộng hơn, ông Bình của Trung An cho rằng để có thể trực tiếp đưa thương hiệu gạo Việt vào thị trường các nước thì cần có sự đàm phán, thỏa thuận quy định việc sử dụng, lưu thông thương hiệu gạo giữa Việt Nam và nước nhập khẩu. “Logo thương hiệu gắn vào sản phẩm là để cho người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm nhưng người ta có cho gắn hay không thì phải có sự đàm phán giữa bên bán và bên mua”, ông nói.

Malaysia kiểm tra các chuỗi sản xuất thịt lợn Việt Nam

Theo nguồn tin từ nongngnghiep.vn, đối với thịt lợn sữa đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Malaysia: Cục Thú y đã nhận được thông báo của Cục Thú y Malaysia về việc cử đoàn thanh tra sang Việt Nam để kiểm tra các chuỗi sản xuất thịt lợn sữa đông lạnh xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố vào cuối tháng 1/2019. Nội dung kiểm tra của đoàn thanh tra Malaysia bao gồm: (1) Làm việc với Cục Thú y về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là bệnh lở mồm long móng. Các chương trình tiêm phòng vắc xin, chủ động lấy mẫu giám sát dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt là tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại những địa phương có nhà máy giết mổ lợn xuất khẩu, những tỉnh cung cấp lợn sống nguyên liệu cho các nhà máy giết mổ lợn xuất khẩu; (2) Kiểm tra thực tế quy trình giết mổ, chế biến thịt lợn xuất khẩu của các nhà máy.

Trong thời gian qua, Cục Thú y đã chủ động hỗ trợ, hướng dẫn rất chi tiết và thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn (chuẩn bị hồ sơ, điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh thú y nhà máy, vùng nguyên liệu để cung cấp lợn sống cho nhà máy giết mổ… để đoàn thanh tra đến kiểm tra), các cơ quan quản lý về thú y liên quan chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của đoàn thanh tra thú y Malaysia. Để việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá của đoàn thanh tra thú y Malaysia được tiến hành thuận lợi, Cục Thú y chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ quan thú y liên quan chuẩn bị nội dung theo yêu cầu.

Dự kiến trong thời gian tới sẽ có một số nước sang kiểm tra các chuỗi sản xuất lợn sống và thịt lợn của Việt Nam, nếu các yêu cầu bảo đảm sẽ cho phép xuất khẩu. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư, chuẩn bị các điều kiện đầy đủ, đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và yêu cầu của các nước nhập khẩu đã được Cục Thú y hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể để đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm động vật.

Mứt, hoa quả sấy Trung Quốc giá rẻ nguy cơ dồn dập về Việt Nam

Theo dantri.com.vn, nhiều người sẽ giật mình khi biết bảng báo giá sỉ của các loại mứt hoa quả và hoa quả sấy Trung Quốc dịp cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Bên ngoài các túi hoặc thùng carton đều có chữ Trung Quốc. Màu sắc của hoa quả sấy hay mứt khá sặc sỡ, thậm chí bắt mắt hơn cả màu sắc của các loại hoa quả đó khi còn tươi.

Nhìn vào bảng báo giá sỉ các loại hoa quả sấy, mứt hoa quả,... nhiều người sẽ giật mình vì chúng có giá siêu rẻ. Đơn cử như: các loại xí muội đen, xanh, vàng đỏ có giá 1,3 triệu đồng/thùng 24kg (khoảng 54.000 đồng/kg); đào bổ giá 1,36 triệu đồng/thùng 25kg (khoảng 54.000 đồng/kg); nho xanh, nho vàng sấy khô giá dao động từ 680.000-714.000 đồng/thùng khoảng 9-9,5kg (75.000 đồng/kg).

Trong khi đó, mứt kiwi xanh cũng chỉ 748.000 đồng/thùng 10kg (75.000 đồng/kg); mứt mận giá 1,08 triệu đồng/thùng 20kg (50.000 đồng/kg); mứt cà chua giá 544.000 đồng/thùng 10kg (54.000 đồng/kg)…

Rẻ nhất là mứt cherry - một loại quả được coi là sang chảnh có giá từ 300.000-600.000 đồng/kg (quả tươi) nhưng giá được chào bán sỉ cho loại hàng có xuất xứ Trung Quốc này chỉ 884.000 đồng/thùng 20kg (khoảng 44.000 đồng/kg). Hay như mứt táo tàu đen giá cũng chỉ 244.000 đồng/thùng 6kg (khoảng 40.000 đồng/kg).

Việt Nam có thể có thêm 3 tháng khắc phục “thẻ vàng” hải sản

Theo nguồn tin từ Thesaigontime.vn, một số thông tin cho rằng đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam xem xét vấn đề “thẻ vàng” hải sản trong tháng 4-2019, thay vì là trong tháng 1-2019 như kế hoạch. Theo kế hoạch ban đầu, trong tháng 1-2019, đoàn thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của cơ quan này về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với hải sản. Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá của đoàn, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho biết chưa nhận được thông tin chính thức về việc EC lùi thời hạn kiểm tra khắc phục "thẻ vàng" hải sản Việt Nam.

Theo ông Dũng, việc EC lùi thời hạn là hơi khó, do thông thường thời gian được EC đưa ra là họ rất kỹ và việc lùi thời hạn là không hay. “Hoặc là tiếp tục “thẻ vàng” hoặc là “thẻ đỏ” hoặc là dỡ bỏ, chứ khó có chuyện lùi thời gian mấy tháng”, ông cho biết, nhưng nói rằng: “Tuy nhiên khả năng không phải là không có”.

Không phát hành tiền lẻ mới dưới 10.000 đồng dịp Tết 2019

Theo kienthuc.net.vn, đây là năm thứ 6 liên tiếp NHNN đưa ra chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn sẽ được cung ứng để phục vụ nền kinh tế. Với việc không phát hành thêm tiền lẻ mới dịp Tết 2019, đây đã là năm thứ 6 liên tiếp NHNN đưa ra chủ trương này. Tuy nhiên, tiền lẻ mệnh giá dưới 10.000 đồng vẫn được cung ứng đầy đủ nhưng là tiền đã qua lưu thông. Còn với tiền lẻ mới sẽ không được phát hành thêm trong dịp này.

Lãnh đạo Cục phát hành kho quỹ cũng cho biết thêm trong năm vừa qua, dự trữ tiền mặt cả nước đã tăng thêm 25%. Đặc biệt với tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng năm qua cơ quan này đã phát hành thêm hơn 12% so với năm 2017 trước đó.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet