Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 6% do thị trường lo ngại các lệnh hạn chế đi lại và chậm triển khai vaccine ngừa COVID-19 ở châu Âu sẽ làm gia tăng tình trạng dư thừa nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 3,83 USD (5,9%) xuống 60,79 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp trong phiên là 60,50 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 3,80 USD (6,2%) xuống 57,76 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp 57,32 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giao dịch gần mức thấp nhất kể từ ngày 9/2.
Các nguồn tin cho biết, dự trữ dầu của Mỹ đã tăng 2,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 19/3 so với kỳ vọng giảm khoảng 300.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen thuộc trung tâm Rystad Energy cho biết, sự phục hồi nhu cầu dầu rất khó khăn khi thế giới phải tiếp tục chống chọi đại dịch COVID-19.
Các quốc gia châu Âu đang mở rộng lệnh phong tỏa trước mối đe dọa về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba. Trong đó, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất lục địa này là Đức sẽ kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 18/4.
Theo ông Lachlan Shaw, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa của ngân hàng National Australia Bank, chênh lệch giá dầu Brent giữa các hợp đồng kỳ hạn giao gần và giao xa gia tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, không khuyến khích các nhà đầu tư mua vào và buộc người bán phải chuyển dầu vào kho dự trữ.
Giá than cốc trên sàn Đại Liên giảm phiên thứ 3 liên tiếp do nhu cầu từ các nhà máy thép giảm sút bởi lo ngai chính sách làm sạch môi trường của Chính phủ Trung Quốc sẽ khiến các nhà máy thép phải hạn chế sản xuất. Nguồn cung than ở Trung Quốc hiện đang dồi dào cũng góp phần làm giảm giá.
Than cốc kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên giảm 1,2% trong phiên vừa qua, xuống 2.151,5 CNY (330,56 USD)/tấn vào cuối phiên, trước đó có thời điểm xuống chỉ 2.110 CNY, thấp nhất kể từ ngày 2/11/2020.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm giữa bối cảnh đồng USD tăng lên mức cao nhất của hai tuần trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.726,76 USD/ounce; vàng giao sau giảm 0,8% xuống 1.725,10 USD/ounce.
Đồng USD đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/3, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm. Đồng bạc xanh mạnh lên làm tăng chi phí sở hữu kim loại quý này của những người nắm giữ đồng tiền tệ khác.
David Meger, Giám đốc bộ phận kinh doanh kim loại của High Ridge Futures, nhận định thị trường vàng khá là mong manh, dễ biến động lên xuống tùy thuộc vào ngày nhất định, ngoài ra, đồng USD mạnh lên do những hy vọng về sự phục hồi kinh tế đang gây sức ép cho vàng.
Nhà phân tích thị trường Han Tan của FXTM cho rằng giá vàng cần phải thoát khỏi xu hướng giảm hiện nay, đặc biệt trước đà phục hồi của đồng USD.
Tuy nhiên, ông Meger của High Ridge Futures cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh đi tín hiệu dấu hiệu về lãi suất thấp và khả năng kích thích tài khóa hơn nữa đang giúp hạn chế đà giảm của kim loại này và vàng có thể thu hút thêm sự hỗ trợ từ khả năng số ca mắc COVID-19 tăng và sự lạc quan về kinh tế giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi suất trái phiếu.
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 23/3 nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng lạm phát có thể tăng trong năm nay, nhưng nó sẽ không kéo dài.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2,7% xuống 25,08 USD/ounce, cgiá bạch kim giảm 1,1% xuống 1.170,01 USD/ounce, trong khi giá palađi tăng 0,2% lên 2.620,51 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng loạt giảm trong phiên vừa qua sau khi các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc và làn sóng giãn cách xã hội mới lại dấy lên ở Châu Âu gây lo ngại cản trở sự hồi phục kinh tế toàn cầu.
Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,8% xuống 8.945 USD/tấn, nhôm giảm 2,4% xuống 2.218,5 USD/tấn.
Mặc dù giảm song cả 2 kim loại này đều vẫn ở mức cao kỷ lục nhiều năm sau đợt tăng giá mạnh mẽ nhờ lĩnh vực công nghiệp hồi phục và các ngân hàng trung ương bơm nhiều tiền mặt ra thị trường. Giá đồng đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 vào tháng 2 vừa qua, còn nhôm lên cao nhất kể từ 2018 vào ngày 22/3.
Riêng giá nhôm giảm trong phiên vừa qua còn do thông tin Trung Quốc sẽ bán ra lượng lớn nhôm dự trữ quốc gia để ngăn chặn xu hướng tăng nóng.
Đối với các kim loại cơ bản khác, giá kẽm giảm 1,4% xuống 2.825 USD/tấn, nickel giảm 2,6% xuống 16.062,83 USD/tấn, chì giảm 1,2% xuống 1.949 USD/tấn và thiếc giảm 0,8% xuống 25.605 USD/tấn.
Trái với kim loại cơ bản, giá quặng sắt hồi phục sau đợt bán tháo kéo dài 2 ngày trước đó do lo ngại về việc ngành thép sẽ giảm công suất sản xuất.
Quặng sắt giao tháng 5 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua tăng 2% lên 1.039,5 CNY/tấn, trong khi kỳ hạn tháng 4 trên sàn Singapore tăng 2,4% lên 154,75 USD/tấn.
Sản lượng thép thô toàn cầu tháng 2 vừa qua tăng 4,1% lên 150,2 triệu tấn so với một năm trước đó, dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy hôm thứ Ba. Trong đó, sản lượng thép thô từ Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, tăng 10,9% lên 83 triệu tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng trong phiên vừa qua do giá dầu đậu tương tăng mạnh vì nguồn cung dầu ăn trên toàn cầu bị thắt chặt.
Theo đó, giá đậu tương hợp đồng tham chiếutrên sàn Chicago tăng 5-3/4 US cent lên 14,23-1/4 USD/bushel.
Giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 5 trên sàn Chicago đạt 58,25 US cent/lb, cao nhất kể từ năm 2012, do nhu cầu dầu thực vật tăng mạnh trên toàn cầu.
Giá ngô cũng tăng trong phiên vừa qua do lo ngại việc Brazil gieo trồng muộn; giá lúa mì tăng bất chấp các khu vực đồng bằng trồng lúa mì của Mỹ có mưa.
Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô tăng 2-1/4 US cent lên 5,51-1/4 USD/bushel, lúa mì tăng 7-1/2 US cent lên 6,34-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô giảm phiên thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12 do tâm lý chấp nhận rủi ro trên thị trường tại chính và nguồn cung đường ngắn hạn được cải thiện.
Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,1 US cent (0,6%) xuống 15,43 US cent/lb vào cuối phiên, trong phiên có lúc xuống chỉ 15,05 US cent; giá đường trắng kỳ hạn tháng 5 phiên này cũng giảm 8,9 USD (2%) xuống 440,5 USD/tấn, trong phiên có lúc xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 1, là 432,4 USD/tấn.
Nhu cầu đường hàng thực hiện rất ít, trong khi nguồn cung dồi dào nhờ xuất khẩu mạnh từ Ấn Độ đang gây áp lực lên giá đường, giữa bối cảnh các thị trường tài sản rủi ro đều đang có hiện tượng bán tháo trên diện rộng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 2,5 US cent (1,9%) xuống 1,276 USD/lb, là mức thấp nhất trong vòng một tháng; giá robusta phiên này cũng giảm 21 USD (1,5%) xuống 1.377 USD/tấn.
Thời tiết ở Brazil vẫn khô hạn và không có dự báo sắp mưa. Tuy nhiên, các biện pháp tái phong tỏa chống Covid-19 ở Brazil gây áp lực giảm giá, bởi Brazil cũng là một nước tiêu thụ cà phê chủ chốt.
Giá hàng hóa thế giới sáng 24/3/2021

 

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg