Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện, song đà tăng bị giới hạn bởi sự gia tăng trong lượng xăng dự trữ và những lo ngại về các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới.
Kết thúc phiên, dầu Brent Biển Bắc tăng 42 US cent, hay 0,7%, lên 63,16 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 44 US cent, hay 0,7%, lên 59,77 USD/thùng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng trước, trong đó củng cố lập trường của Fed rằng ngân hàng này sẽ không nâng lãi suất sớm, qua đó hỗ trợ triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết mức chi tiêu công cao chưa từng thấy nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 sẽ đẩu tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 6% trong năm nay, mức cao nhất kể từ những năm 1970. Dự báo này cũng có tác động tích cực đối với triển vọng nhu cầu năng lượng và hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dù lượng dầu thô của Mỹ giảm 3,5 triệu thùng trong tuần trước, nhưng lượng xăng dự trữ lại tăng 4 triệu thùng, trái ngược với dự đoán giảm 221.000 thùng được đưa ra trong cuộc khảo sát của hàng tin Reuters.
Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Mỹ, khu vực chiếm hơn một nửa số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trong tuần trước, cũng đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Ngoài ra, nguồn cung dầu toàn cầu có thể tăng lên khi Iran và các cường quốc trên thế giới tiến gần đến việc nối lại thỏa thuận đóng băng hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Các bên đã nhất trí thành lập các nhóm công tác để thảo luận khả năng nối lại thỏa thuận năm 2015 nói trên, điều có thể dẫn đến việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Iran.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm nhẹ sau khi chạm mức cao nhất trong hơn một tuần, giữa bối cảnh số liệu kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ giúp củng cố hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng và làm giảm sức hút của kim loại quý.
Số liệu ngày 6/4 cho thấy tỷ lệ việc làm mới ở Mỹ trong tháng Hai tăng lên mức cao nhất trong hai năm qua, với nhu cầu thị trường nội địa nước này tăng cao hỗ trợ cho việc tuyển dụng, giữa bối cảnh gia tăng việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các gói kích thích kinh tế lớn từ chính phủ.
Trong khi đó, theo biên bản cuộc họp tháng Ba, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tỏ ra thận trọng về những rủi ro tiếp diễn của đại dịch COVID-19 cùng với đó là cam kết sẽ hỗ trợ chính sách tiền tệ cho đến khi sự phục hồi trở nên an toàn hơn.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên tới 6% trong năm nay, mức tăng trưởng chưa từng thấy từ năm 1970.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống 25,12 USD/ounce, giá bạch kim giao ngay giảm 0,6% xuống 1.225,39 USD/ounce, trong khi palađi giảm 2,3% xuống 2.622,71 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm từ mức cao nhất 2 tuần do lo ngại về nhu cầu khi tồn trữ tiếp tục tăng.
Giá đồng trên sàn London giảm 1,3% xuống 8.933 USD/tấn. Trong phiên trước đó, giá đồng đạt mức cao nhất kể từ ngày 23/3/2021 (9.104 USD/tấn). Tồn trữ đồng tại London tăng lên 150.325 tấn so với mức 74.200 tấn vào cuối tháng 2/2021.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm 0,4% xuống 2.258 USD/tấn, kẽm vững ở 2.826 USD/tấn, chì tăng 0,6% lên 1.979,5 USD/tấn, thiếc tăng 0,3% lên 25.750 USD/tấn, trong khi nickel giảm 0,7% xuống 16.625 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại châu Á tăng khi giá thép tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào, bất chấp việc cắt giảm sản lượng tại trung tâm sản xuất thép của nước này đã làm lu mờ triển vọng nhu cầu quặng sắt.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 1,7% lên 993,5 CNY (151,94 USD)/tấn. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Singapore tăng 1,5% lên 164,05 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,9% xuống 5.127 CNY/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá thép cây đạt 5.208 CNY/tấn – mức cao kỷ lục kể từ năm 2011. Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,6% xuống 5.527 CNY/tấn, trước đó trong phiên đạt 5.674 CNY/tấn – cao nhất kể từ năm 2014. Giá thép không gỉ tăng 0,7%.
Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục mới trong đầu phiên giao dịch, được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa tăng mạnh và lo ngại về các hạn chế sản lượng tại nước sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng và sản xuất lớn nhất thế giới.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tại Mỹ tăng sau khi giá lúa mì đỏ cứng vụ xuân tại Sở giao dịch ngũ cốc Minneapolis tăng, do lo ngại thời tiết khô ở khắp khu vực Great Plains Mỹ có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì vụ xuân.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 3/4 US cent lên 6,16-1/4 USD/bushel và giá lúa mì vụ xuân kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 13-1/2 US cent lên 6,24-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 10 US cent xuống 14,08-3/4 USD/bushel, trong khi giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 6-1/4 US cent lên 5,6-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE giảm 0,02 US cent tương đương 0,1% xuống 15,14 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 1% xuống 423,9 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE giảm 0,1 US cent tương đương 0,1% xuống 1,2675 USD/lb, sau khi tăng gần 4% trong phiên trước đó; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 5 USD tương đương 0,4% xuống 1.329 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh sau số liệu kinh tế vững chắc từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka tăng 0,3 JPY lên 247,9 JPY (2,3 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 15 CNY lên 14.315 CNY (2.188 USD)/tấn.
Nhà phân tích hàng hóa Satoru Yoshida thuộc Rakuten Securities cho biết, lạc quan về nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhanh chóng bao gồm Trung Quốc đã hỗ trợ giá cao su.
IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 6% trong năm nay từ mức 5,5% cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ.
Giá hàng hóa thế giới sáng 8/4/2021

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg