Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá vững ở mức 365-370 USD/tấn. “Nhu cầu lúc này yếu, các thương gia đang chờ có nguồn cung từ vụ mới rồi mới ký đơn hàng”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh cho biết.
Nguồn cung vụ Hè sẽ có trên thị trường kể từ tháng 11 tới. Sản lượng vụ này dự kiến sẽ tăng 1,8% lên 99,24 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giai đoạn tháng 4-8/2018 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống 5,03 triệu tấn, do khách hàng chủ chốt là Bangldesh giảm mua sau khi sản lượng trong nước được mùa.
Tại Bangladesh, sản lượng vụ Aman (trồng vào vụ Hè) ước đạt 14 triệu tấn, so với 13,5 triệu tấn của năm trước. Thời tiết năm nay thuận lợi hơn năm ngoái. Aman là vụ lớn thứ 2 trong năm sau vụ Boro (trồng vào mùa Hè), chiếm khoảng 38% tổng sản lượng gạo của Bangladesh (tổng sản lượng khoảng 35 triệu tấn).
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm xuất khẩu giá tăng lên 405 – 410 USD/tấn, từ mức 400 – 405 USD/tấn cách đây một tuần.
“Tôi nghĩ giá sẽ tăng hơn nữa do nguồn cung đang thấp”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết, và thêm rằng vụ Thu Đông sắp thu hoạch xong với sản lượng thấp hơn năm ngoái do bị lũ sớm.
Vụ vỡ đập thủy điện ở Lào đã nhấn chìm hàng nghìn ha lúa ở ĐBSCL.
“Tôi không biết giá sẽ tăng bao nhiêu, xong chắc chắn sẽ không giảm vì nguồn cung không có nhiều”.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá 405 – 407 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 398 – 400 USD/tấn.
Lý do chủ yếu do đồng baht tăng giá, trong bối cảnh nhu cầu mới không nhiều.
Các nhà xuất khẩu Thái Lan dự kiến sẽ ký được hợp đồng với Philippines và Indonesia trước khi kết thúc năm nay.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) ngày 18/10/2018 đã mở thầu tìm mua 250.000 tấn gạo. Kết quả có 4 công ty có thể đáp ứng quá trình đấu thầu của cơ quan lương thực, theo Inquirer. Giá chào hàng của hầu hết các công ty dao động trong khoảng 450 - 480 USD/tấn. Các công ty đấu thầu thành công gồm Thai Capital Crops, Vinafood 1, Vinafood 2 và công ty Cổ phần Nông nghiệp cao Khiêm Thành. Chính phủ Philippines vẫn chưa quyết định người chiến thắng lô 5 giữa Vinafood 1 và Khiêm Thành, với Vinafood 1 chào thầu với giá 427,5 USD và Khiêm Thành đưa ra giá 428 USD/tấn cho 14.000 tấn gạo.
Gạo nhập khẩu sẽ được chia thành 9 lô. Trong đó, Thai Capital đưa ra mức giá 426,23 tấn cho 180.000 tấn gạo thuộc lô 3, trong khi Vinafood 1 chào thầu với mức giá 427 USD cho 14.000 tấn gạo của lô 4.
NFA thông báo sẽ mở tiếp một phiên đấu giá khác để mua cho đủ 250.000 tấn.
Thững tháng đầu năm nay, NFA đã mua 500.000 tấn, trong khi 750.000 tấn gạo bổ sung dự kiến sẽ cập cảng trước khi kết thúc năm.
Giá gạo bán lẻ tại Philippines đang trong đà đi lên kể từ đầu năm. Trong tháng trước, giá gạo tiếp tục tăng bất chấp giá gạo bán lẻ giảm nhẹ trong ba tuần cuối của tháng 9. Do đó, lạm phát quốc gia tiếp tục leo thang.
Xuất khẩu gạo của Campuchia giai đoạn tháng 1-9/2018 giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 389.264 tấn. Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia, tiếp theo là Pháp, Ba Lan, Hà Lan và Vương quốc Anh.
Campuchia đã xuất khẩu 96.714 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc trong các tháng 1-9/2018, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Campuchia, sản lượng thóc của quốc gia Đông Nam Á này đã đạt 10,5 triệu tấn năm 2017, tăng 5,7% so với năm 2016.
Trước đó, báo cáo ngày 4/10 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay kinh tế của Campuchia dự kiến tăng trưởng 7% trong năm 2018, sau khi đạt mức tăng 6,9% năm 2017, chủ yếu nhờ nhu cầu từ bên ngoài tăng mạnh và niềm tin của giới đầu tư được cải thiện.
Báo cáo "Cập nhật kinh tế Campuchia" nêu rõ xuất khẩu hàng dệt may, du lịch và giày dép của Campuchia trong quý I/2018 đã tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2017, lên mức cao nhất hai năm qua. Trong nửa đầu năm 2018, lượng du khách tới Campuchia đạt 3 triệu lượt, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ lượng du khách đi lại bằng đường hàng không từ Trung Quốc tăng mạnh.
 

Nguồn: Vinanet